Tìm việc qua mạng - Cảnh giác với những chiêu lừa

Tìm việc qua mạng - Cảnh giác với những chiêu lừa
“Bạn chỉ cần nhấp  chuột là có cả một thế giới việc làm. Công việc hấp dẫn, thu nhập cao...”. Trên nhiều trang web tuyển dụng, quảng cáo luôn có lời mời gọi hấp dẫn...

Thế nhưng đằng sau những thông tin đó cũng có không ít cạm bẫy…

Sau cú “click” chuột...

Sau khi làm vài thao tác cơ bản trên một trang web: đăng ký làm thành viên, khai báo những chi tiết cá nhân, nhà tuyển dụng hiện diện ngay trước mặt với các điều kiện chi tiết, thu nhập, số điện thoại, địa chỉ phỏng vấn.

Theo hướng dẫn (không cần hồ sơ), chúng tôi tìm đến địa chỉ tuyển nhân viên văn phòng trên đường Lê Văn Sĩ, TP.HCM. Đến nơi chỉ là một tiệm uốn tóc, không thấy có tên công ty, bên ngoài cửa dán một tờ giấy A4 ghi “tìm việc lương 1,5-2 triệu đồng, liên hệ tại đây”.

Tiếp chúng tôi là một cô bé 15-16 tuổi, đưa ra một tờ khai, một bộ hồ sơ trên có mã số và điện thoại liên hệ 098.922.xxx. Cô bé giải thích: “Điện thoại trực tiếp hẹn người phỏng vấn, em không biết gì hơn”. Sau đó, cô bé thu ngay 10.000 đồng!

Những điều cần biết để tránh cạm bẫy

khi tìm việc qua Internet:

- Tìm hiểu kỹ về công ty, thông tin đăng trên website tuyển dụng trước khi đồng ý đến phỏng vấn.

- Tìm hiểu thêm nhiều kênh thông tin khác nhau.

- Quan sát kỹ cơ ngơi và tiềm lực của công ty tuyển dụng khi đến phỏng vấn.

- Nếu được hẹn phỏng vấn thì nên hỏi rõ địa chỉ và tên người phỏng vấn mình.

- Chỉ nên đồng ý đến phỏng vấn ngoài giờ khi kiểm tra đầy đủ tính pháp lý của công ty.

- Trường hợp người lao động bị yêu cầu đóng tiền thì nên cảnh giác, hỏi lý do và lấy biên nhận, xem kỹ các chi tiết trên đó.

Trên web rao Công ty S trên đường Hồ Văn Huê, Phú Nhuận, tuyển nhân viên làm việc bán thời gian.Thu nhập được quảng cáo từ 2-2,5 triệu đồng/ người/tháng. Chúng tôi vừa đến là được phỏng vấn liền.

Bước vào vòng một kiểm tra ngoại ngữ, ông giám đốc cùng ba nhân viên nói tiếng Anh theo kiểu “Tây balô”.

Sau nửa giờ kiểm tra không ai hiểu ai nhưng chúng tôi cũng được nồng nhiệt chào đón vào lớp tập huấn. Vừa ghi tên xong, các học viên phải móc túi đóng 10.000 đồng/người.

Cuối cùng mọi người mới vỡ lẽ công việc là đi tiếp thị học viên học ngoại ngữ cho trường học để ăn hoa hồng.

Nhiều người bất bình muốn lấy lại tiền cũng không được vì đã ghi tên rồi! Ước tính một ngày có khoảng 20-30 người tham gia qui trình tuyển dụng “công nghệ” móc túi này.

Cũng theo địa chỉ tuyển dụng trên mạng, chúng tôi đến điểm tuyển dụng “tuyển nhân viên đối ngoại PR lương cao”. Hóa ra đó là quán nhậu K (đường Nguyễn Văn Đậu, phường 11, Bình Thạnh), ông chủ quán còn để nguyên tờ thông báo tuyển người ngay cổng vào: “tìm nhân viên B.A” .

Tôi nghĩ chắc ông lầm chữ PR nhưng ông chủ trẻ này đánh vần tỉnh bơ:  “B.A là bờ i bi, a bia... đó cô. Cứ nói vậy, ai cũng hiểu”. Thì ra chữ PR viết tắt từ public relations (quan hệ công chúng) được “Việt hóa” như vậy. Theo lời ông chủ trẻ, nhân viên “bi a” ở đây chỉ cần biết uống bia rượu, có nhiều khách quen biết nhậu càng tốt, quán chu cấp hai bữa cơm/ngày, tiền lương hưởng trên mỗi hóa đơn từ khách.

Một lời rao hấp dẫn khác trên mạng “tuyển người chỉ cần quen biết thật nhiều bác sĩ, y tá trong bệnh viện, lương từ 5 triệu đồng/người/tháng trở lên”. Nhanh chân đến tìm hiểu, chúng tôi mới té ngửa ra đây là một dạng “cò” bệnh viện, cò phòng mạch chui...

Với qui trình tuyển dụng “siêu tốc” từ Internet, có trường hợp ứng viên nữ đã hoảng hồn bỏ chạy khỏi địa chỉ hẹn phỏng vấn vì vị giám đốc “phỏng vấn trong phòng riêng”, thậm chí “phỏng vấn bằng tay!”. Rất nhiều cạm bẫy giăng ra cho các ứng viên trên con đường tìm việc qua mạng với mức độ và qui mô ngày càng tinh vi hơn.

Để tránh cạm bẫy “vô tình”

Theo đánh giá của các chuyên gia về nhân sự, sự phổ cập Internet đã làm thay đổi đáng kể việc tuyển dụng và tìm việc. Nhà tuyển dụng có thêm một kênh mới để tìm ứng viên vừa nhanh gọn lại đỡ tốn kém. Người tìm việc có thể ngồi tại nhà lựa chọn chỗ làm thích hợp ở nhiều công ty khác nhau.

Đối với những vị trí tuyển dụng thật và cụ thể, ứng viên có thể gửi đơn xin việc cùng lý lịch qua trang web. Kết quả từ các trang web chuyên về việc làm như: Jobviet.com, Vietnam works.com, Kiemviec.com cho rằng 60% lao động đạt yêu cầu về chất lượng qua tuyển dụng trên mạng.

So với qui trình tuyển thông thường phải mất hàng tuần, có khi ứng viên bị hẹn tới lui hàng tháng thì đây quả là hành trình tìm việc nhanh gọn và tiết kiệm nhất. Tuy nhiên, cũng không thiếu trường hợp các vị trí đăng lên web để lừa và thu tiền người lao động. Người tìm việc thật khó phân biệt được thật giả, chỉ khi đến tham dự phỏng vấn mới phát hiện ra cái bẫy tuyển dụng.

Đặc biệt, thời gian gần đây, do sự siết chặt quản lý nhà nước đối với các đơn vị dịch vụ việc làm bằng các điều kiện bắt buộc như doanh nghiệp phải đóng 300 triệu tiền ký quĩ, yêu cầu khắt khe về văn phòng, thiết bị và nhân sự có trình độ đại học... nên rất nhiều cơ sở dịch vụ việc làm thu hẹp lại hoặc rút vào hoạt động bí mật. Họ lợi dụng các kênh quảng cáo khác nhau trên báo, trên các trang web tuyển dụng để tìm ứng viên. Địa chỉ tuyển dụng thường là trá hình hoặc công việc rất mơ hồ.

Giám đốc của trang web chuyên về việc làm Jobviet.com cho biết: “Các trang web tuyển dụng trực tuyến uy tín hiện nay đều không thu tiền của ứng viên mà chỉ thu phí dịch vụ đối với các nhà tuyển dụng”.

Tuy nhiên cũng theo chủ trang web Jobviet.com thì “khó mà kiểm soát được tính xác thực nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, các doanh nghiệp khi đăng tải tuyển người phải cam kết tự chịu trách nhiệm về thông tin đưa lên website. Đồng thời, trong môi trường cạnh tranh ngày càng gay gắt về nhân lực, các ứng viên phải trang bị kiến thức, đối mặt với nhiều chiêu thức tuyển mới”.

Trong môi trường tìm việc “cực nhanh” trên mạng Internet với nguồn cơ sở dữ liệu khổng lồ của các trang tuyển dụng trực tuyến, người tìm việc cần tỉnh táo để có thể vừa tránh rủi ro mà tìm được những công việc như ý. Như nhận xét của giám đốc Công ty nhân lực L&A: “Hầu hết khách hàng của chúng tôi đều muốn thay đổi phương thức tuyển dụng qua mạng thay vì cách tuyển truyền thống.

Tuyển qua mạng giảm thiểu được rất nhiều công đoạn, đồng thời giải quyết được hạn chế khi tìm ứng viên ở xa. Các vị trí quản trị cấp trung và cao hoặc các chuyên viên chuyên ngành vẫn là khoảng sân độc quyền của các công ty tư vấn tuyển dụng (head hunter) thông qua mạng Internet”.

Theo Tuổi Trẻ

MỚI - NÓNG