Phòng tránh thiên tai :

Trông trời, nghe nước, nom cây

Trông trời, nghe nước, nom cây
TP - Đối phó không chỉ với cơn bão số 4 đổ bộ vào các tỉnh miền núi phía Bắc trong vòng hôm nay, để giảm thiểu thiệt hại như vừa xảy ra đối với các tỉnh miền núi phía Bắc, ông Lưu Minh Hải, Phó Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn Tỉnh Lào Cai, nêu một số kinh nghiệm phòng tránh sau đây.
Trông trời, nghe nước, nom cây ảnh 1

Cảnh ngập lụt tại huyện Bảo Thắng, Lào Cai năm 2008. Ảnh: Tuấn Anh - TTXVN

Tại huyện Pác Nặm (Bắc Cạn), nơi lại vừa bị cô lập từ sáng 11/7 do mưa to kéo dài, lượng mưa đo được đi vào lịch sử. Theo chuỗi số liệu ghi nhận được, đây là đợt mưa lớn nhất trong vòng 50 năm qua.

Với các tỉnh miền núi phía Bắc, đất đang quá no nước do mưa lớn và kéo dài vừa qua, nguy cơ lũ và trượt đất sẽ rất cao nếu bão đổ bộ theo đúng hướng như dự báo.

Vấn đề là, có thể giảm thiểu được nhiều thiệt hại nếu lưu tâm, học hỏi bài học từ kinh nghiệm của những người có tuổi.

Trông trời

Khi thiên tai sắp xảy ra, bao giờ cũng có sự báo trước. Trời chuyển biến  rất xấu, mây đen ùn ùn kéo về, trần mây rất thấp, trĩu nặng nước mưa, dông gió nổi mạnh. Đấy là điềm báo khả năng xảy ra mưa lớn hoặc dông sét mạnh.

Ông Triệu Phúc Bình (75 tuổi) sinh sống tại xã Nhạn Môn huyện Pác Nặm (Bắc Cạn) cho hay: “Gia đình tôi thoát nạn trong đợt mưa dữ dội vừa qua là do kinh nghiệm của bản thân đúc kết từ cuộc sống hàng ngày.

Gần chiều tối 3/7, nhìn về hướng Tây Bắc, tôi thấy mây đen vần vũ kéo về, bầu trời tối sầm lại, gió thổi lạnh, chứng tỏ không khí mang nhiều hơi nước. Nhiều năm sinh sống ở địa phương, tôi chưa bao giờ thấy bầu trời có sự khác lạ như vậy.

Tôi đã nhắc nhở con cháu cùng mấy gia đình chung quanh cần cảnh giác với mưa lớn và chuẩn bị chạy lũ. Do vậy, gia đình tôi thoát nạn, chỉ thiệt hại một số tài sản. Chỉ thương một số hộ trong bản không chạy kịp nên bị lũ cuốn, đất đá vùi lấp”.

Nghe nước

Nếu quan sát bầu trời thấy mây có sự khác thường, hoặc mưa lớn xảy ra và kéo dài, nhất là vào ban đêm, nếu nghe thấy nước sông suối chảy tiếng réo có sự khác lạ, cần đề phòng hoặc phải di chuyển gấp.

Trận lũ quét tàn khốc rạng sáng 9/8/2008 cuốn bay 19 nóc nhà tại thôn Tùng Chỉn I, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát (Lào Cai), 21 người chết và mất tích. Tại đây có gia đình thoát nạn nhờ sự tỉnh táo.

Ông Lý Seo Sài (74 tuổi, cựu chủ tịch xã Trịnh Tường) kể lại: “Tôi là người hay mất ngủ do tuổi già. Đêm đó, trời mưa rất to và kéo dài. Nằm nghe tiếng nước suối Tùng Chỉn chảy, tiếng nước chảy có nhiều khác lạ so với các đợt lũ trước. Linh cảm mách bảo tai hoạ đang đến gần, tôi vội vàng gọi tất cả con cháu bảy người chạy lên đồi cao”. Ông Sài chỉ kịp quay lại báo hai gia đình giáp bên chạy theo thì lũ ộc về.

Nom cây

Ngoài ra, các loài động vật, thực vật cũng rất nhạy cảm với thiên tai và thời tiết.

Ông cha  ta đúc kết nhiều câu ca dao, tục ngữ như “Chuồn chuồn bay thấp thì mưa, bay cao thì nắng” hoặc “trời đang nắng, cỏ gà trắng thì mưa”, hay “mặt trời tối đỏ lặn sâu, ngày mai sẽ nắng vỡ đầu trẻ con”.

Một số loại động vật sống dưới nước như lươn, ếch, trên cạn có chim quạ, sáo, thực vật gồm cỏ gà, rễ cây si, rất nhạy cảm với thời tiết. Quan sát, để ý đến những loài động thực vật này có thể giúp phòng tránh được các đợt mưa lớn, dông sét, lũ quét.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.