U70 xài điện thoại di động

U70 xài điện thoại di động
Một ngày đẹp trời nào đấy, bạn ngẩn tò te khi thấy bà cụ U70 ngồi cạnh mình trên xe buýt thản nhiên móc ĐTDĐ ra hí hoáy nhắn tin, hay tra cứu bản tin dự báo thời tiết...
U70 xài điện thoại di động ảnh 1
Xem tin nhắn bằng kính lúp. Ai bảo U70 là già?!

Kết nối với con cháu

Bà Năm, quê ở Tiền Giang, có hai cô con gái định cư tại Mỹ. Cô chị lớn làm ăn khấm khá, có tiền nên tậu một căn nhà khá to ngay khu nhà cao cấp tại quận 8-TPHCM cho người thân.

Bà “di cư” từ Bến Tre lên Sài Gòn ở với con cháu cho vui. Tuổi đã cao, lại bị di chứng của những lần mổ xương chân, nên đi lại rất khó khăn. Mỗi lần hai con bà gọi điện thoại từ Mỹ về, ít khi nói chuyện được với mẹ vì bà rất ngại đi lại.

Thương mẹ, Việt kiều chị quyết định phân công đứa cháu gái trong nhà đi mua cho bà ngoại cái di động nào đó được được để ngoại xài. Nhưng “tao chỉ xài điện thoại “đàng hoàng”, điện thoại không “đàng hoàng” tao không xài”.

Trời, ai mà phân biệt được di động “đàng hoàng” với di động không “đàng hoàng”. Nên mọi người quyết định mua cho bà cái Nokia N73 sắc hồng óng ánh, có trổ hoa lá cành phía sau nhìn rất... “đàng hoàng”.

Vậy là chiều chiều, cư dân quanh “khu phố phồn vinh” (tên gọi vui vui của khu nhà chung cư cao cấp) lại thấy bà ngồi trước hiên nhà bấm bấm điện thoại, hí hoáy chụp ảnh thằng cháu nội đang tung tăng. Dĩ nhiên, bà vui hơn xưa rất nhiều. Nói chuyện với hai cô con gái nhiều hơn. Thỉnh thoảng, còn gọi điện thoại cho bác sĩ hỏi lịch tái khám. Tiện trăm bề.

Tôi có quen với ông nhà văn ngoài 60 tuổi, không tiện nói tên. Ở cái tuổi “trọng trọng” rồi, mà vẫn còn bị vợ quản lý khá chặt. Ông bèn bỏ đi viết báo, chỉ cốt sao được trốn ra khỏi nhà càng nhiều càng tốt.

Vợ đồng ý cho đi làm, nhưng cứ mỗi lần gọi điện thoại lên cơ quan mà không có ông ở đó, bà lập tức chuẩn bị sẵn kế hoạch để chiều đợi ông về là “tra tấn”. Mà thiệt ra, nhiều khi ông chỉ ham vui đi cà phê tán dóc với bạn bè thôi. Cực chẳng đã, ông bèn sắm di động.

Có di động, ông mới phát hiện ra rằng dạo này mắt mình quá kém. Vậy là sắm thêm cái kính lúp để đọc tin nhắn. Hôm nào rảnh rỗi, chạy qua ngồi chơi với ông, nhìn cái cách ông đọc tin nhắn sao mà thương thương quá (?!).

Có lần tôi hỏi, bác lớn tuổi rồi, xài ĐTDĐ có thấy bất lợi gì không? “Cũng chẳng bất lợi gì cả, cậu ạ! Điều sợ nhất là nửa đêm đang ngủ, có ai nổi hứng nhắn tin khuya khuya là vợ mình... Chán lắm!”, lần nào ông cũng kết thúc bằng cái điệp khúc: “Chán lắm!”.

Một nhu cầu tất yếu

Thú thật, bản thân tôi thấy người già xài ĐTDĐ là chuyện rất bình thường. Ai cũng có nhu cầu cần liên lạc hoặc được liên lạc. Nhiều anh bạn tỏ ra khó chịu khi chứng kiến những cảnh đại loại như có cụ ông, cụ bà nào đó nói oang oang vào ĐTDĐ giữa siêu thị hay phòng khách của công ty nào đó. Chẳng hiểu nữa, vì mỗi người có cách nghĩ khác nhau.

Hôm ngồi với nhiếp ảnh gia M.P.K ở quán cà phê nho nhỏ tại Đà Lạt, nhìn M.P.K nói di động “quái” lắm. M.P.K cũng có tuổi, lại “hoang dã” thành thói quen, nên đâu biết cách lưu số điện thoại hay đọc tin nhắn. Nên hễ có ai gọi, M.P.K đều bắt đầu bằng câu chào quen thuộc “Alô, khùng nghe!”.

Hay như chuyện nhà văn Mạc Can đeo điện thoại toòng teng trước ngực. Cũng không hiểu sao ông thích chuyện này. Có lẽ, tại đút vào túi quần không quen chăng (?). Ai từng chứng kiến cảnh mỗi lần điện thoại reo, Mạc Can hí hửng... cởi nút áo để nghe điện thoại mới thấy tội nghiệp làm sao. Mà đâu chỉ có văn nghệ sĩ lớn tuổi mới có nhu cầu xài ĐTDĐ đâu (!?).

Giới trẻ chọn ĐTDĐ như một phương tiện để khoe mẽ hay “hót” với nhau. U70 không thế. Samsung, Nokia, Siemens... không quan trọng. Điều cần nhất là với chiếc máy be bé ấy, các cụ ông, cụ bà vẫn kết nối được với con cháu, hòa mình vào nhịp sống năng động hiện nay. Nhịp vận động của đời sống số vốn nhiều chuyện bất ngờ.

Theo Người Lao Động

MỚI - NÓNG