Sử dụng tivi màn hình tinh thể lỏng ở Việt Nam:

Vẫn như tivi thường!

Vẫn như tivi thường!
TP - Mở tất cả các chương trình truyền hình sản xuất và phát sóng ở VN trên những chiếc tivi đắt tiền màn hình phẳng hóa ra lại cho kết quả chẳng giống ai, hình ảnh không bẹt thì cũng có hai vệt đen ở hai bên khung hình rộng thênh thang.
Vẫn như tivi thường! ảnh 1

Các loại tivi màn hình tinh thể lỏng đang thu hút khách hàng          Ảnh: Hồng Vĩnh

Đắt chưa “xắt ra miếng”

Mua chiếc Samsung màn hình phẳng plasma hết 30 triệu đồng, bằng toàn bộ số lãi bán đào đợt Tết Đinh Hợi vừa rồi, anh H tươi ra mặt trong bữa nhậu mời bạn hữu “rửa tivi”. Đằng sau màn hình, không thấy lồi ra một khối u to và dày như bao loại tivi truyền thống.

Lát sau, anh ghé tai tôi: “Nhưng tớ cảm thấy mặt cái thằng O’Shea có vẻ bèn bẹt, chân có vẻ cũn cỡn hay sao ấy”. Anh giơ tay trỏ cầu thủ vừa sút tung lưới thủ thành Reina, ấn định tỷ số 1-0 cho đội khách MU trước chủ nhà Liverpool.

Anh bạn đi cùng tôi tủm tỉm với tay sờ vào một cái nút. Chẳng mấy chốc, các cầu thủ trên sân Anfield trong trận đấu vòng 29 ngày 5/3 vừa rồi của giải Premier League (Anh) trở về hình hài bình thường. Anh H khoái chí. Lát sau, anh lại nhăn mặt: “Sao hai bên màn hình tối đen thế này”.

Anh H. đến cửa hàng trả lại chiếc tivi plasma. Nhân viên kỹ thuật cho biết máy không sao, chỉ do tín hiệu của truyền hình Việt Nam không phù hợp. Qua hàng xóm xem mấy chiếc màn hình phẳng, anh H. thở phào vì thấy chúng cũng có hiện tượng tương tự.

Chị Trần Thị Liên (Đội Cấn, Hà Nội) mua tivi LCD 32 inch được 6 tháng. Ngoài hiện tượng dải đen hai bên màn hình, khi dùng cáp, hình còn thường bị nhiễu.

Ông Thái Việt Hà - Phó GĐ Trung tâm Thương mại Dịch vụ 10B Tràng Thi - lý giải: “Sự cố này là do kỹ thuật phát hình áp dụng cho kiểu tivi truyền thống không tương thích với sản phẩm tivi LCD và Plasma.”

Không tương thích vì chưa đầu tư

Người phụ trách bộ phận công nghệ và kỹ thuật ở Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), cho biết hiện tượng trên là có thật.

“Xem trên tivi màn hình phẳng chương trình của VTV hay bất cứ đài truyền hình địa phương nào, kể cả của truyền hình kỹ thuật số (VTC), đúng là có hiện tượng dải đen xuất hiện dọc hai bên màn hình”- TS Ngô Thái Trị, Giám đốc Trung tâm Tin học&Đo lường thuộc VTV, nói.

Những hạn chế khác của tivi LCD

Màn hình LCD rất nhạy cảm với bụi, vân tay, hơi nước, không như màn hình CRT có mặt kính.

Không được lau màn hình LCD bằng giẻ trơn nhẵn, khô vì màn hình rất dễ bị bụi làm xước.

Không dùng giấy ăn, khăn ướt, giấy vệ sinh hay thậm chí khăn tắm. Sợi bông trên khăn tắm sẽ gây xước vĩnh viễn.

Lau màn hình bằng một miếng vải thật mềm hay khăn mùi xoa cotton. Vải sợi cực nhỏ như loại lau mắt kính là thích hợp nhất.

Dung dịch làm sạch màn hình cần có nước cất, giấm hoặc cồn iso-propyl (có thể lấy rượu vodka).

Không dùng nước lọc hay nước khoáng bởi chúng có thể gây vết trắng trên mặt màn hình do tác động của các loại muối hoà tan.

Pha loãng giấm hoặc cồn iso-propyl với nước cất (theo tỉ lệ 1:1) và phun chất lỏng thu được lên miếng vải lau. Không được phun trực tiếp lên màn hình LCD.

Nhẹ nhàng lau màn hình theo một chiều, từ trên xuống dưới. Nhớ chỉ lau sau khi đã tắt toàn bộ hệ thống.

Để làm mất hai dải đen đó đi, có thể điều chỉnh tivi để hình ảnh kéo dãn sang hai bên. Kết cục là cầu thủ O’Shea mà anh H. thấy trên tivi nhà mình bị bẹt đi.

TS Ngô Thái Trị, giải thích, hiện tượng đó là do tín hiệu mà VTV và các đài truyền hình trong nước nói chung phát không tương thích với tivi màn hình phẳng.

“Tín hiệu truyền hình hiện nay chỉ tương thích với tivi có tỷ lệ khuôn hình truyền thống 4x3. Trong khi đó, tỷ lệ khuôn hình tivi màn hình phẳng khác hẳn, lên đến 16x9”- TS Trị cho biết.

Vẫn theo TS Trị, chuyển sang phát tín hiệu truyền hình phù hợp với tỷ lệ khuôn hình tivi màn hình phẳng, “trên phương diện công nghệ là hoàn toàn khả thi”. Nhưng vì sao các đài truyền hình không làm? Có hai nguyên nhân, theo TS Trị, các đài chưa thể thực hiện được ít nhất vào giai đoạn hiện nay.

Thứ nhất, nếu tín hiệu truyền hình chuyển sang tương thích với tivi màn hình phẳng, tivi truyền thống có tỷ lệ khuôn hình 4x3 sẽ không xem được như bình thường.

Khi đó, trên màn hình tivi truyền thống sẽ xuất hiện hai vệt đen nằm ngang. Tivi truyền thống, muốn xem được như bình thường, phải có một bộ chuyển đổi với chi phí hàng triệu đồng mỗi chiếc.

“Chúng tôi không thể gây bất tiện cho hàng triệu khán giả trong khi chỉ làm lợi cho một số rất nhỏ khán giả có tivi màn hình hình phẳng” -TS Trị nói.

Thứ hai, khi chuyển sang tín hiệu phù hợp với tỷ lệ khuôn hình 16x9 như một số nước đang làm, các đài truyền hình phải chuyển đổi tiêu chuẩn truyền hình từ độ phân giải tiêu chuẩn (SDTV) sang độ phân giải cao (HDTV).

Cuộc cách mạng này giúp khắc phục nhược điểm hàng chục năm nay của truyền hình so với điện ảnh. Màn hình sẽ to và rộng hơn rất nhiều so với màn hình truyền thống và hình ảnh thu được sẽ nét hơn.

Tuy nhiên, để vượt qua bước ngoặt đó, để thay đổi toàn bộ công nghệ, từ kỹ thuật và thiết bị quay đến phát hình, VTV phải đầu tư hàng trăm triệu USD.

Chính vì hai trở ngại trên, đến thời điểm này, VTV chưa có bước đi cụ thể nào để chuyển sang phát hình phù hợp với tỷ lệ khuôn hình màn ảnh rộng 16x9.

Được biết, mới có Mỹ đi tiên phong phổ biến truyền hình cho tivi màn hình rộng. Kể từ năm 2007, Mỹ sẽ chấm dứt sử dụng tín hiệu truyền hình với công nghệ cổ điển analogue (tương tự) và tăng cường phát tín hiệu cho màn hình 16x9.

MỚI - NÓNG
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
Nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Gia Lai Phùng Ngọc Mỹ bị kỷ luật cảnh cáo
TPO - Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai biểu quyết, thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với ông Phùng Ngọc Mỹ (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Ủy viên Ban cán sự đảng, nguyên Phó Chủ tịch UBND tỉnh) và ông Mai Xuân Hải (nguyên Tỉnh ủy viên, nguyên Giám đốc Sở Y tế, nguyên Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh).