Về mẫu cá bống Việt Nam trong luận văn của Nhật Hoàng

Về mẫu cá bống Việt Nam trong luận văn của Nhật Hoàng
TP - Những năm 70 của thế kỷ 20, Hoàng Thái tử Akihito làm luận án tiến sĩ nghiên cứu về cá ở miền Nam Việt Nam. Ông thu được chín mẫu vật của một loài cá bống trắng ở Tân Châu, tỉnh Bến Tre.

Qua nghiên cứu, Hoàng Thái tử phát hiện đây là loài cá mới cho khoa học thế giới, bèn mô tả và đặt tên khoa học là Glosssogobius sparsipapillus Akihito and Meguro.

Ngày 1/3/1974, Bảo tàng Động vật trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (nay là trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Hà Nội) tổ chức buổi lễ long trọng tiếp nhận mẫu con cá bống trắng là tiêu bản Paratype của Hoàng Thái Tử Akihito – nay là Nhật hoàng Akihito.

Trong buổi lễ, Đại sứ Nhật Bản phát biểu: Mẫu vật này là quà tặng của Hoàng Thái tử Akihito cho Bảo tàng Động vật Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội.

GS. Võ Quý trân trọng cảm ơn Hoàng Thái tử và tiếp nhận mẫu vật quý giá này. Kết thúc buổi lễ, Đại sứ Nhật Bản còn vào tận phòng trưng bày để biết nơi tiêu bản được trưng bày. Sau đó ông nói: Ngay chiều nay chúng tôi sẽ điện về báo cáo công việc mà Nhật hoàng giao phó chúng tôi đã hoàn thành.

Tiêu bản cá bống trắng quý này mang ký hiệu: No: 137 Glosssogobius sparsipapillus sp. Nov.

Trong buổi đến chào Nhật hoàng Akihito của nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười nhân chuyến thăm Nhật Bản tháng 4/1995, Tổng Bí thư Đỗ Mười cảm ơn Nhà vua và Hoàng hậu quan tâm thúc đẩy mối bang giao giữa hai nước, mà biểu hiện là tình cảm nhân ái dành cho hai cháu song sinh Việt - Đức và việc Nhà vua gửi tặng trường Đại học Tổng hợp Hà Nội mẫu cá bống quý” (Nhân Dân số: 14533 ngày 20/4/1995).

Nhật Hoàng ân cần hỏi thăm sức khỏe của hai cháu Việt - Đức và xúc động được biết mặc dù Việt Nam trong hoàn cảnh nhiều khó khăn vẫn quan tâm bảo quản mẫu cá bống quý mà ngài đã gửi tặng (Hà Nội mới số: 9417 ngày 20/4/1995).

Tiêu bản cá bống quý này được bảo quản hết sức cẩn thận và được đặt trong hộp kính đặt tại một vị trí trang trọng trong Bảo tàng.

MỚI - NÓNG