Thị trường thiết bị công nghệ cao: Sẽ có sàn giao dịch

Thị trường thiết bị công nghệ cao: Sẽ có sàn giao dịch
TP - Theo Bộ Khoa học&Công nghệ (KH&CN), sau năm 2015, nhiều sàn giao dịch khoa học công nghệ cấp quốc gia sẽ đi vào hoạt động. Đây sẽ là các đầu mối thúc đẩy các giao dịch, mua bán công nghệ trong nước và quốc tế.
Đại học Bách khoa TPHCM chuẩn bị sản phẩm trưng bày tại Techmart 2012. Ảnh: Nguyễn Hoài
Đại học Bách khoa TPHCM chuẩn bị sản phẩm trưng bày tại Techmart 2012. Ảnh: Nguyễn Hoài.

Công ty Cổ phần Công nghệ Sinh học chuyên nghiên cứu, sáng chế, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

TS Lê Văn Trí, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc kể, mỗi lần có nhu cầu tìm mua một sản phẩm công nghệ, ông lại mất rất nhiều thời gian.

Tra cứu, tìm hiểu thị trường sản phẩm, có khi mất nhiều tháng trời, lại tiềm ẩn nhiều rủi ro. “Nguy cơ mua phải thiết bị thải loại, lạc hậu không nhỏ bởi thị trường trên mạng vàng thau lẫn lộn” - ông Trí lưu ý.

Ông Nguyễn Tăng Cường, Giám đốc Xí nghiệp Cơ khí Quang Trung (Ninh Bình) cũng thừa nhận: “Trong thị trường thiết bị công nghệ cao, bên cạnh việc tìm hiểu thị trường, doanh nghiệp phải nhờ đến những cò chuyên nghiệp. Chi phí cho những đối tượng này không hề nhỏ. Do đó việc có một “sân” mua bán theo ông Cường là điều rất cần cho doanh nghiệp.

Từ năm 2005, Bộ KH&CN đã tổ chức nhiều Techmart (Chợ công nghệ và thiết bị Quốc tế) ở các quy mô địa phương, vùng và quốc gia, quốc tế.

Một số sàn Techmart ảo cũng đã được hình thành và đi vào hoạt động. Tuy nhiên, vẫn cần có thêm các sàn giao dịch KHCN thường xuyên, chuyên nghiệp và đủ tầm làm đầu mối thúc đẩy giao dịch mua bán công nghệ.

Ông Tạ Bá Hưng, Cục trưởng Cục Thông tin Khoa học Công nghệ (KHCN), Bộ KH&CN, cho hay, nhu cầu đổi mới, chuyển giao thiết bị công nghệ của các doanh nghiệp hiện nay là rất lớn bởi phần lớn vẫn sử dụng công nghệ lạc hậu, cần thay thế.

“Thực tế không ít các doanh nghiệp đang rất cần đổi mới công nghệ, khi tìm thấy một công nghệ tiên tiến hơn công nghệ mình đang sử dụng là lập tức mua ngay nhưng kỳ thực công nghệ ấy không phải là hiện đại” - ông Hưng nói.

Cái hay của sàn giao dịch KHCN, vẫn theo ông Hưng, là với các cơ sở dữ liệu quốc gia về KH&CN, đội ngũ các chuyên gia tư vấn độc lập sẽ hỗ trợ hiệu quả cho cả bên mua và bên bán công nghệ để xúc tiến các dự án đổi mới công nghệ, chuyển giao công nghệ thiết thực, khả thi cho các doanh nghiệp.

TS Trần Minh Trí, Viện Kỹ thuật Nhiệt đới & Bảo vệ Môi trường, cho biết Viện hiện có nhiều công trình nghiên cứu mới nhưng không biết mang đi đâu để bán vì các chợ techmart mỗi năm mới họp một lần. “Thành lập sàn giao dịch KHCN đáp ứng đúng mong đợi của chúng tôi”, TS Trí nói.

Hơn 1.200 hợp đồng và bản ghi nhớ mua bán công nghệ cùng hàng ngàn giao dịch công nghệ đã được ký kết trong bốn ngày diễn ra Hội chợ Công nghệ & Thiết bị Quốc tế 2012 (Techmart 2012).

Một số sàn giao dịch thí điểm đã xuất hiện như sàn giao dịch do Cục Thông tin KH&CN Quốc gia tổ chức tại 24 Lý Thường Kiệt, TPHCM; sàn của Trung tâm Thông tin KHCN tại 79 Trương Định, Hà Nội. Mới đây, Sở KHCN Hải Phòng và Sở KHCN Quảng Ninh cũng đưa hai sàn giao dịch KHCN vào hoạt động.

Sắp tới, Bộ KHCN sẽ cho thành lập ba sàn giao dịch KHCN tầm quốc gia, đặt tại TP HCM, tại Hà Nội, và Đà Nẵng. Vốn đầu tư xây dựng mỗi sàn dự kiến là hàng trăm tỷ đồng. Dự kiến sau năm 2015, các sàn này sẽ đi vào hoạt động.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
Hà Nội đề xuất có 4 thành phố trực thuộc
TPO - Theo định hướng đến năm 2050, Thủ đô có hai TP trực thuộc là Khoa học & Đào tạo Hòa Lạc với TP phía Bắc bao gồm địa giới hành chính huyện Sóc Sơn, Mê Linh và một phần Đông Anh; nghiên cứu hình thành thêm TP Du lịch ở khu vực Sơn Tây – Ba Vì và TP sân bay phía Nam ở Phú Xuyên – Ứng Hòa.