90% trang web trọng yếu có khả năng bị tấn công

Cùng với việc gia tăng sự tấn công, tội phạm mạng thâm nhập vào hệ thống mạng thông tin trọng yếu để thu thập, đánh cắp thông tin bí mật nhà nước và doanh nghiệp của Việt Nam. Ảnh: Minh họa
Cùng với việc gia tăng sự tấn công, tội phạm mạng thâm nhập vào hệ thống mạng thông tin trọng yếu để thu thập, đánh cắp thông tin bí mật nhà nước và doanh nghiệp của Việt Nam. Ảnh: Minh họa
TP - Mất an toàn thông tin (ATTT) đang là mối nguy, đe dọa tới các tổ chức, cá nhân, cộng đồng và nền kinh tế. Các vụ tấn công mạng liên tiếp xảy ra gần đây đối với hàng không, ngân hàng đã báo động nghiêm trọng về thực trạng này...

Ngày 27/9/2016, Câu lạc bộ Nhà báo Công nghệ thông tin Việt Nam tổ chức tọa đàm “An toàn thông tin và mối đe dọa tới nền kinh tế”. Đây là vấn đề “nóng” đang được nhiều người quan tâm.

Thống kê của Trung tâm ứng cứu khẩn cấp máy tính Việt Nam (VNCERT) cho thấy, chỉ trong nửa đầu năm 2016, tổng số sự cố an ninh mạng được VNCERT ghi nhận đã là 127.630 sự cố (gồm 8.758 sự cố Phishing; 77.160 sự cố Deface và 41.712 sự cố Malware), gấp hơn 4  lần so tổng sự cố an ninh mạng được Trung tâm này ghi nhận trong cả năm 2015 và gấp gần 6,5 lần số sự cố của cả năm 2014. Đến lúc này, không chỉ người dùng, doanh nghiệp mà cả Chính phủ đã phải nhìn nhận vấn đề một cách nghiêm túc về vấn đề ATTT.

Cùng với việc gia tăng sự tấn công, tội phạm mạng thâm nhập vào hệ thống mạng thông tin trọng yếu để thu thập, đánh cắp thông tin bí mật nhà nước và doanh nghiệp của Việt Nam trong bối cảnh CNTT và viễn thông phát triển mạnh mẽ. Các nhóm tội phạm cũng đang không ngừng câu kết với nhau, chia sẻ hạ tầng để triển khai các chiến dịch tấn công. Năng lực tấn công của các băng nhóm tội phạm mạng ngày càng được nâng cao, sự thiếu hụt về nhân lực quản trị CNTT cao cấp, sự phát triển tốc độ của điện toán đám mây, di động và IoT (Internet kết nối vạn vật) cùng với sự chủ quan của doanh nghiệp trước các cảnh báo bảo mật… chính là những lý do lớn dẫn đến những sự cố liên quan đến bảo mật thông tin của doanh nghiệp và cơ quan nhà nước.

Trả lời thắc mắc của dư luận về những vụ mất tiền trong tài khoản liên tục trong thời gian gần đây, ông Nguyễn Hưng, Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TienPhong Bank) cho biết, những vụ mất tiền vừa qua kẻ xấu đều nhắm vào khách hàng chứ không phải tấn công vào hệ thống ngân hàng. Tuy vậy, ngay khi những vụ mất tiền đầu tiên xảy ra, tất cả các ngân hàng đã rà soát lại quy trình, giao dịch điện tử. Đặc biệt đối với thẻ tín dụng và thẻ ATM. “Không thể nói bất cứ hệ thống điện tử nào an toàn 100% nhưng ngân hàng luôn có hệ thống sao lưu, cùng các hệ thống đối chiếu khác nhau, đảm bảo an toàn cho khách hàng”, ông Hưng nói. Lãnh đạo TienPhong Bank cũng lưu ý, khách hàng nên có ý thức bảo mật thông tin tốt hơn, do hiện nay việc cho mã pin nhờ rút tiền hộ, đọc mã PIN… hết sức phổ biến.

Tại Hội thảo, Phó Chủ tịch phụ trách an ninh mạng của BKAV Ngô Tuấn Anh đưa ra thông tin khiến nhiều người giật mình: Cứ 10 website ở Việt Nam thì có 4 trang web dễ bị tin tặc tấn công, trong đó có những website của Chính phủ (sử dụng đuôi gov.vn). Trên các trang mạng của cộng đồng tin tặc, mỗi tháng có đến 300 website của Việt Nam là con mồi của tin tặc. “Đây là những trang web được đưa lên mạng, thực tế con số trang mạng bị tấn công còn cao hơn rất nhiều”, ông Ngô Tuấn Anh khẳng định. Đáng lưu ý, tin tặc đang chuyển từ mục tiêu kinh tế sang chính trị. Vẫn theo thống kê của BKAV, trong hơn 2.000 trang web của Chính phủ, có hơn 10% những website đã bị tấn công xâm nhập. Còn gần 90% trang web của các cơ quan trọng yếu nằm trong khả năng bị tấn công.

Nhìn nhận về ATTT, ông Nguyễn Thanh Hải, Cục trưởng Cục An toàn thông tin, Bộ Thông tin & Truyền thông khẳng định: Bởi hệ thống dù hiện đại đến đâu cũng là do con người vận hành, không có hệ thống nào là an toàn tuyệt đối. Do đó, để đảm bảo ATTT, nhận thức là yếu tố quan trọng số một.

MỚI - NÓNG