Bên trong nhà máy sản xuất muỗi

Bên trong nhà máy sản xuất muỗi ở Quảng Châu.
Bên trong nhà máy sản xuất muỗi ở Quảng Châu.
TP - Trong nhà máy sản xuất muỗi rộng hơn 1.000 m2 ở thành phố Quảng Châu, Trung Quốc có hàng trăm chiếc khay, mỗi khay có khoảng 6.000 con muỗi. Căn phòng sặc mùi gan bò được băm nhuyễn như bột để làm thức ăn cho chúng.

Nhà máy sản xuất muỗi đặt trong khuôn viên Đại học Tôn Dật Tiên thực chất là một phòng thí nghiệm lớn trong khuôn khổ hợp tác giữa Đại học Tôn Dật Tiên và Đại học Michigan (Mỹ). Chủ nhiệm dự án này là nhà côn trùng học Zhiyong Xi hiện công tác tại Đại học Michigan. Ông hy vọng, dự án thành công sẽ giúp Trung Quốc và nhiều nước khác thoát khỏi bệnh dịch Zika và sốt xuất huyết. Về công việc của mình, ông Xi nói ngắn gọn: “Công việc của tôi là sản xuất những con muỗi tốt chống lại những con muỗi xấu”. Muỗi tốt ở đây là những con muỗi được cấy vi khuẩn Wolbachia khiến chúng vô sinh và được thả vào môi trường tự nhiên để dần dần làm triệt tiêu khả năng sinh sôi nảy nở của muỗi truyền virus gây bệnh Zika và sốt xuất huyết. Tại nhà máy sản xuất muỗi ở Quảng Châu, các kỹ thuật viên đang nuôi cấy 5 triệu con muỗi mỗi tuần để tung ra môi trường tự nhiên.

Làm việc tại nhà máy đa số là người trẻ. Họ là các kỹ sư sinh học, côn trùng học và dược học. Chen Chunping, người đứng đầu chương trình nuôi dưỡng muỗi của nhà máy, cho biết, ban đầu cô cũng sốc khi nhìn thấy nhà máy này với  nhiều phòng dành riêng cho nghiên cứu và sản xuất muỗi hàng loạt. Cô cho biết, việc sản xuất hàng loạt muỗi là một nhiệm vụ không dễ chút nào. Các nhà nghiên cứu bắt đầu bằng việc dùng kính hiển vi để cấy vi khuẩn Wolbachia vào trứng muỗi để tạo nên thế hệ muỗi nhiễm khuẩn đầu tiên. Những con muỗi này được nuôi lớn, đẻ trứng, rồi trứng đó được nuôi trong các khay chứa nước cho đến khi chúng biến thành ấu trùng. Sau đó, các nhà nghiên cứu tách riêng ấu trùng đực và ấu trùng cái. Ấu trùng cái sẽ được lọc bỏ, còn ấu trùng đực được đựng trong hộp nhựa và nuôi lớn.

Ba tuần một lần, các kỹ sư phòng thí nghiệm sẽ mang muỗi đực ra thả ở đảo Shazai - một làng 1.900 dân cách nhà máy 60km. Một số chuyên gia sẽ sống cùng dân làng để quản lý và đánh giá việc sinh sôi nảy nở của muỗi. Muỗi vô sinh được nhốt trong các lồng được đặt khắp đảo. Khi muỗi đực mang Wolbachia cặp đôi với muỗi cái không mang Wolbachia, trứng sẽ không nở được. Muỗi mang Wolbachia sẽ chiếm ưu thế trong các thế hệ sau và dần thay thế quần thể muỗi không mang Wolbachia trong tự nhiên.

Ban đầu, người dân trong làng không chào đón các nhà khoa học vì họ khó chịu với việc mang muỗi tới đây. Khi hiểu ra, họ đã có cái nhìn thông cảm với các nhà khoa học. Nhóm của ông Xi thông báo, loài muỗi mới (không mang virus gây bệnh) đã thay thế 96% muỗi trên đảo. Họ mong muốn nhân rộng mô hình này. Với 1 triệu USD hỗ trợ từ Cơ quan Phát triển quốc tế của Mỹ, ông Xi có kế hoạch xây dựng nhà máy muỗi tương tự ở Mexico vào tháng 3 năm tới. Tuy nhiên, Raman Velayudhan, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm công tác tại Tổ chức Y tế Thế giới, nói rằng, muỗi trong tự nhiên có sức chống chịu cao, không dễ bị áp chế trên diện rộng.

Theo Theo CNN
MỚI - NÓNG