Bồn cầu công nghệ nano không cần nước hoạt động ra sao?

Bồn cầu công nghệ nano không cần nước hoạt động ra sao?
TPO - Bồn cầu công nghệ hiện đại không cần sử dụng nước đang phát triển tốt, sau khoản tài trợ gần 1 triệu USD từ quỹ của Bill Gates, nó sẽ sớm được ứng dụng trong cuộc sống để tiết kiệm nguồn tài nguyên thiên nhiên.  

Nước sạch là nguồn tài nguyên thiên nhiên quý giá và cần thiết nhất cho cuộc sống, có lẽ chỉ sau không khí. Nhiều nơi nước là nguồn tài nguyên dư thừa, tuy nhiên không ít nơi trên thế giới, nước là nguồn tài nguyên vô cùng quý giá và khan hiếm.

Loại bồn cầu phổ biến hiện nay trên thế giới, sử dụng nước để rửa sạch, và khóa không cho mùi hôi thối bốc ra từ bể chứa chất thải phía dưới, nên nó được gọi là WC – water closet. Loại bồn cầu này sử dụng nước để đẩy chất thải xuống bể chứa bên dưới, đồng thời giữ lại 1 phần nước để khóa mùi, là phát minh “vĩ đại” của loài người, so với việc trước đây khu vệ sinh luôn ô nhiễm.

Bồn cầu không cần nước có thể sẽ là phát minh vĩ đại tiếp theo, nếu như nó được ứng dụng rộng rãi, bởi nó sẽ khiến những bồn cầu vẫn luôn sạch, thơm, mà không cần sử dụng tới nước, và còn có thể tạo ra nhiên liệu rắn, hoặc nước sạch để tưới cây, thậm chí để nấu ăn hay nước uống.

Bồn cầu công nghệ nano không cần nước hoạt động ra sao? ảnh 1

Bồn cầu không cần nước ứng dụng công nghệ nano, một trong những công nghệ tiên tiến nhất của loài người, vì vậy nó có tên Nano Membrane Toilet. Bồn cầu đã thật sự thành hình và hoạt động hoàn hảo, tuy nhiên nó cần thời gian để tiếp tục phát triển sao cho dễ dàng sử dụng ở những nơi xa xôi, thiếu nước sinh hoạt. Hiện tại, loại bồn cầu này đang được thử nghiệm ở một số thành phố.

Nano Membrane Toilet hoạt động sử dụng khá nhiều ứng dụng từ công nghệ nano. Sau khi người sử dụng hoàn thành việc đi vệ sinh (dù nặng hay nhẹ), thao tác duy nhất không phải là xả nước, mà là đóng nắp bồn cầu, việc còn lại sẽ là do hệ thống tự hoạt động.

Chất thải của bồn cầu được chứa trong 1 bát, bát này sẽ lật úp khi nắp bồn cầu được đóng lại, khiến toàn bộ hỗn hợp chất thải cả rắn và lỏng rơi xuống ngăn chứa phía dưới. Tại đây, chất thải được ngưng đọng để tách phần chất lỏng và chất rắn. Bát chứa được phủ nano để không bám dính chất thải, đồng thời được 1 chổi quét sạch những chất thải nếu có. Bát chứa sau khi đổ chất thải xuống sẽ quay trở về vị trí ban đầu, khóa mùi hôi.

Chất thải rắn sau khi được ngưng đọng sẽ được chuyển sang 1 khoang chứa khác, khử mùi hôi và để khô. Thành phẩm của quá trình này là nguồn nhiên liệu rắn, có thể sử dụng để xử lý tạo ra nhiệt, cung cấp năng lượng tái sử dụng.

Chất thải lỏng sẽ được làm bốc hơi, sau đó ngưng tụ lại tạo thành nước sạch. Nước sạch này được chứa ở 1 bồn chứa khác, có thể sử dụng để tưới cây, lau nhà, hay thậm chí tắm rửa, nấu ăn.

Nhìn chung, hệ thống của chiếc Nano Membrane Toilet đã hoạt động tương đối hoàn hảo, và có thể ứng dụng tốt ngoài thực tế. Tuy nhiên, việc không thể xử lý được giấy vệ sinh, thứ vẫn thường được thả vào bồn cầu sau khi sử dụng để tan trong nước, khiến Nano Membrane Toilet sẽ gặp khó khăn khi cần thùng chứa bên cạnh, thứ này cũng gây ô nhiễm và bốc mùi và cần dọn dẹp thường xuyên. Nano Membrane Toilet cũng cần được bảo dưỡng định kỳ, lấy nước và chất thải rắn ra ngoài hay sạc pin cho sản phẩm, và việc này khiến nó chưa thể sử dụng ở các vùng sâu vùng xa.

Nano Membrane Toilet là sản phẩm rất cần thiết cho tương lai, đặc biệt khi con người tiếp tục muốn khám phá những vùng đất xa xôi và thiếu nước. Công nghệ nano chính là điểm mấu chốt để sản phẩm này có thể tồn tại, cũng như nhiều ứng dụng quan trọng khác.

MỚI - NÓNG