Chặn công nghệ lạc hậu, ô nhiễm vào Việt Nam

Từ nay, các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như nhà máy Formosa sẽ buộc phải có hội đồng thẩm định công nghệ. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Từ nay, các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường như nhà máy Formosa sẽ buộc phải có hội đồng thẩm định công nghệ. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi đang được trình Quốc hội, dự kiến sẽ xem xét thông qua vào 19/6 tới. Một trong những điểm mới của dự thảo Luật là ngăn chặn làn sóng công nghệ lạc hậu vào Việt Nam cũng như thẩm định chặt chẽ các dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Hai nhóm dự án bắt buộc phải thẩm định công nghệ

Ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thẩm định, Đánh giá và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ chia sẻ với báo chí những điểm mới của dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi. Ông Nam cho biết, dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ sửa đổi nhằm giải quyết các bất cập, tồn tại của Luật Chuyển giao công nghệ năm 2006. Trong đó, để ngăn chặn, hạn chế công nghệ, thiết bị lạc hậu chuyển giao vào Việt Nam, dự thảo Luật quy định hai nhóm đối tượng phải thẩm định công nghệ gồm dự án có nguy cơ tác động xấu đến môi trường và dự án có công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao. Hiện nay, Luật Đầu tư chỉ quy định thẩm định công nghệ của dự án có công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế.

Ngoài ra, dự thảo Luật cũng đề xuất, các công nghệ, máy móc, thiết bị, dây chuyền không còn sử dụng ở quốc gia phát triển, không đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ở Việt Nam sẽ bị cấm nhập về.

Dự thảo Luật cũng quy định, ý kiến về công nghệ của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền là một nội dung bắt buộc trong văn bản thẩm định dự án đầu tư  khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chủ trương đầu tư. Đồng thời, dự thảo Luật cũng quy định về việc kiểm tra, giám sát công nghệ trong các dự án đầu tư, chuyển giao công nghệ, trong đó quy định rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước về KH&CN và cơ quan có liên quan trong kiểm tra, giám sát việc ứng dụng và chuyển giao công nghệ trong dự án đầu tư.

Một điểm mới nữa là tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý nhà nước trong công tác thẩm định công nghệ dự án đầu tư, ngăn chặn, hạn chế nhập khẩu công nghệ lạc hậu vào Việt Nam cũng như ngăn ngừa hiện tượng chuyển giá trong hoạt động chuyển giao công nghệ.

Cụ thể, việc thẩm định công nghệ sẽ được thực hiện như nào, thưa ông?

Hiện nay có nhiều luật điều chỉnh nội dung này như Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công và Luật Xây dựng. Trong Dự thảo Luật Chuyển giao công nghệ, chúng tôi đề xuất, với dự án đầu tư  sử dụng vốn đầu tư công sẽ thực hiện theo Luật Đầu tư công. Với dự án có công nghệ thuộc danh mục công nghệ hạn chế chuyển giao và dự án có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường thì Hội đồng thẩm định Nhà nước sẽ thẩm định các dự án do Quốc hội phê duyệt chủ trương đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì phối hợp với các bộ ngành thẩm định dự án do Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư. Với dự án do UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư thì Sở Khoa học và Công nghệ phối hợp với cơ quan liên quan cho ý kiến.

Dự thảo Luật cũng quy định rõ trách nhiệm của các cơ quan quản lý, của Hội đồng thẩm định công nghệ trong quá trình thẩm định công nghệ của các dự án.

Chặn công nghệ lạc hậu, ô nhiễm vào Việt Nam ảnh 1 Ông Đỗ Hoài Nam.

Tạo cơ chế thương mại hóa kết quả nghiên cứu

Ngoài vấn đề thẩm định công nghệ, luật có những điểm mới nào khác?

Dự thảo Luật đã đưa vào một loạt biện pháp tạo cơ chế phát triển nguồn cung, thúc đẩy nguồn cầu và phát triển các tổ chức trung gian của thị trường KH&CN như xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hỗ trợ hoạt động của sàn giao dịch công nghệ quốc gia, trung tâm hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về thông tin công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho tổ chức trung gian.

Dự thảo Luật cũng tạo cơ chế thúc đẩy thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ như giao quyền đối với kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, phân chia lợi nhuận thu được từ kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, hỗ trợ hoạt động liên kết giữa tổ chức KH&CN sở hữu kết quả hoạt động khoa học và công nghệ với tổ chức ứng dụng.

Một điểm mới nữa là khuyến khích, hỗ trợ hoạt động ứng dụng, đổi mới công nghệ của doanh nghiệp. Cụ thể như đề xuất cơ chế hỗ trợ vốn, bảo lãnh vay vốn và hỗ trợ lãi suất cho doanh nghiệp có hoạt động đầu tư hạ tầng kỹ thuật cho giải mã công nghệ, mở rộng nội dung chi của Quỹ phát triển KH&CN của doanh nghiệp.

Với mong muốn thúc đẩy hoạt động chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ, thương mại hóa và ứng dụng các thành tựu KH&CN hiện đại, lành mạnh hóa thị trường công nghệ và môi trường kinh doanh ở Việt Nam, dự thảo Luật được kỳ vọng sẽ góp phần nâng cao năng lực công nghệ của quốc gia và doanh nghiệp, thúc đẩy chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế đi đôi với kiểm soát công nghệ chuyển giao, bảo đảm môi trường xanh và phát triển bền vững đất nước.

Xin cảm ông!

“Dự thảo Luật cũng đề xuất, các công nghệ, máy móc, thiết bị, dây chuyền không còn sử dụng ở quốc gia phát triển, không đáp ứng được các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật ở Việt Nam sẽ bị cấm nhập về”.

Ông Đỗ Hoài Nam, Vụ trưởng Vụ Thẩm định, Đánh giá và Giám định công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ

MỚI - NÓNG