Chuyên gia giao thông: Cấm ngay xe máy, đừng lấy cái nghèo dọa nhau

Theo nhiều chuyên gia, xe máy là thủ phạm gây kẹt xe và kéo giảm sự phát triển của TPHCM.
Theo nhiều chuyên gia, xe máy là thủ phạm gây kẹt xe và kéo giảm sự phát triển của TPHCM.
TP - Cho rằng xe máy là thủ phạm gây ùn tắc giao thông, chiếm đất, kéo lùi sự phát triển của TPHCM, nhiều chuyên gia đề nghị cấm tiệt loại phương tiện này.

Hội thảo khoa học “Kiểm soát nhu cầu sử dụng xe cá nhân trên địa bàn TPHCM - thực trạng và giải pháp” được Sở GTVT TPHCM tổ chức sáng 20/4.

Tham luận mở đầu buổi hội thảo, PGS.TS Phạm Xuân Mai (nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật Giao thông - ĐH Bách khoa TPHCM) cho rằng, hiện nay TPHCM có lượng xe máy cao nhất thế giới, khi trung bình cứ 1.000 người dân thì có đến 910 xe máy. Trong khi đó, con số này ở Hà Nội là 653, ở Bangkok (Thái Lan) 265, ở Dehli (Ấn Độ) 175 và Jakarta (Indonesia) 160… nhiều quốc gia khác trên thế giới đã cấm xe máy vào thành phố lớn. Ở TPHCM, 98% gia đình có xe máy.

Ông Mai phân tích, để mỗi chiếc xe máy lưu thông đúng tốc độ, đảm bảo an toàn cần có diện tích 12- 48m2 chứ không phải 2m2 như thường nghĩ. Trong khi hiện TPHCM có quỹ mặt đường khoảng 26 triệu m2 là không đủ khả năng. Với diện tích chiếm chỗ khi di chuyển là 12 m2/xe nên thành phố cần đến 91,2 triệu m2 mới có thể đáp ứng đủ cho lượng xe máy hoạt động. Vì vậy, xe máy chiếm đất thành phố, gây ra ùn tắc giao thông khó kiểm soát so với ô tô, kể cả khi có CSGT điều tiết giao thông.

Ông Mai cũng cho rằng, xe máy đang gây ra nhiều bất tiện, thiệt hại đối với cộng đồng nên nhất thiết phải giảm sự lưu thông của xe máy tiến tới cấm hẳn ở TPHCM. Hiện xe máy chiếm 84% lượng phương tiện lưu thông trong nội đô TPHCM, tỉ lệ trung bình trong làn xe hỗn hợp là 79%, trong khi xe buýt chỉ có 5%. “Tuyến đường An Sương - Cộng Hòa, Bạch Đằng… xe máy chiếm trên 95%. Nguyên nhân khiến xe buýt không hoạt động được, không phát huy được tác dụng không phải lỗi của xe buýt mà hậu quả là do xe gắn máy”.

“Đừng lấy cái nghèo dọa nhau”

Theo ông Mai, xe máy còn là “thủ phạm” kéo lùi sự phát triển của TPHCM. Bởi, mỗi năm tại TPHCM, tai nạn giao thông làm chết 700 - 800 người và hàng ngàn người bị thương. Tai nạn giao thông xảy ra chủ yếu tại nội đô chiếm 65% và chủ yếu do xe máy gây ra với 71%. Thiệt hại do xe máy gây ra với thành phố là trên 6.184 tỷ đồng/năm, khoảng 15,4% GDP, cao hơn tốc độ tăng trưởng GDP của thành phố (hàng năm chỉ đạt khoảng 7-8%).

Tuy nhiên, cứ mỗi lần có đề xuất cấm xe máy là lại có nhiều ý kiến “bàn lui vì lo ảnh hưởng đến người nghèo”. “Việt Nam không còn là nước nghèo nữa, đừng lấy cái nghèo ra để dọa nhau”. Thành phố cần triển khai thu phí xe máy vào thành phố, không tổ chức chỗ đậu xe, cấm xe máy đậu trên vỉa hè, không quy hoạch khu vực đậu xe thì sẽ hạn chế được người dân sử dụng xe máy. Cần hạn chế sao cho tỉ lệ xe máy tham gia giao thông trong dòng giao thông hỗn hợp xuống dưới 40% và từ đó loại bỏ dần ra khỏi hệ thống giao thông tại TPHCM. Để loại bỏ được xe máy thì cần phát triển giao thông công cộng một cách hợp lý ở từng thời gian.

Đồng quan điểm với ông Mai, TS Lương Hoài Nam, chuyên gia kinh tế cho biết, theo quy hoạch đến năm 2020 cả nước có 36 triệu xe máy. Tuy nhiên, hiện nay đã hơn 45 triệu chiếc, mỗi năm tiếp tục tăng thêm khoảng 3 triệu xe nữa. Lý do của sự bùng nổ xe máy ở Việt Nam, TS Nam cho rằng đó là do thất bại của chính quyền trong việc phát triển giao thông công cộng. “Xe máy chưa bao giờ được coi là phương tiện giao thông an toàn và tiện nghi, nó nhanh như ôtô nhưng thô sơ như xe đạp. Xe máy là khắc tinh của xe buýt, không thể chung sống hòa bình trên một làn đường nên chỉ có thể chọn một trong hai. Thành phố muốn phát triển xe buýt trong điều kiện xe máy ngày một tăng là nhiệm vụ bất khả thi”, ông Nam khẳng định. TS Nam cho biết, việc cấm xe máy đã được thực hiện ở nhiều thành phố lớn trên thế giới như Trung Quốc, Myanmar…

Trong khi đó, TS Phạm Sanh (chuyên gia giao thông - đô thị) cho rằng, nếu cấm xe máy thì người dân sẽ không có phương tiện giao thông để đi lại trong khi có đến 80-90% dân số đi lại bằng xe máy. “Hiện tại phương tiện công cộng ở TPHCM chưa thể đủ để đáp ứng nhu cầu của người dân. Đồng thời việc di chuyển bằng xe buýt cũng có nguy cơ trễ giờ làm, giờ học… gây bức xúc cho người dân. Mặt khác, nếu cấm xe máy thì người có điều kiện sẽ đổ xô mua ô tô như vậy dẫn đến sự lộn xộn, đi từ bất cập này qua một rối loạn khác”- ông Sanh nói.

“Không nên cấm ai hết bởi không ai mua xe 2 bánh để chạy vòng vòng đi chơi. Đó là nhu cầu của 80-90% người dân. Nói cấm xe máy là xúc phạm tới người dân, đặc biệt là người dân thu nhập thấp”.

TS Phạm Sanh

MỚI - NÓNG