Cuộc 'giao duyên' kỳ lạ giữa bò tót và bò nhà

Bò tót thường xuyên sống cùng với bò nhà. Ảnh: Vườn quốc gia Phước Bình.
Bò tót thường xuyên sống cùng với bò nhà. Ảnh: Vườn quốc gia Phước Bình.
Kết quả của cuộc "giao duyên" giữa bò tót sống hoang dã với bò nhà ở Ninh Thuận là hơn 20 con bê có những tính năng vượt trội như: tăng trưởng nhanh, chịu được điều kiện khắc nghiệt và to gấp ba lần bò nhà.

Sở Khoa học và Công nghệ hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Phước đang trăn trở với đề tài khoa học tạo ra thế hệ F2 từ đàn bò lai giữa bò tót và bò nhà. Nếu thành công, Việt Nam rất có thể nhân rộng đàn bò có đặc tính vượt trội của bò tót. 

Cuộc giao phối kỳ lạ

Năm 2008, một con bò tót đực (Bos gaurus) màu đen, nặng gần một tấn ở Vườn quốc gia Phước Bình (Ninh Thuận) đã tách đàn, thường xuyên đến phá nương rẫy, hoa màu của người dân ở thôn Bạc Rây, xã Phước Bình (Bác Ái, Ninh Thuận). Con bò húc tan hoang cả chòi rẫy, đâm chết một con bò đực và làm bị thương nhiều con khác, mục đích là chiếm những con bò cái. 

Lực lượng chức năng của Vườn quốc gia Phước Bình, công an và kiểm lâm đã nhiều lần đuổi bò tót về rừng, nhưng nó vẫn quay lại và tiếp tục "ve vãn" bò nhà. Người dân kiến nghị lên Vườn quốc gia, rồi huyện, tỉnh tìm cách đuổi đi. Một thời gian sau, những con bò cái của người dân thôn Bạc Rây lần lượt đẻ ra hơn 20 bê mang hình dáng bò tót. Chúng lớn gấp ba bò nhà, bốn chân và đuôi màu đen, không có bờm, trên lưng và bụng có sọc đen chạy dài.

Nhiều cuộc tranh cãi nổ ra, một số cho rằng những đàn bê là con của bò tót. Theo các nhà khoa học, việc bò tót có con lai có thể xảy ra, bởi tất cả loài đều có thể lai tạo. "Đây là món quà của thiên nhiên ban tặng nên cần nghiên cứu tìm hiểu để lưu giữ nguồn gene", tiến sĩ Lê Huy Hàm (Viện Di truyền nông nghiệp) nói.

Xét nghiệm nhiễm sắc thể bò lai

Giải đáp khúc mắc trên và để duy trì nguồn gene, năm 2013, Sở Khoa học và Công nghệ hai tỉnh Lâm Đồng, Ninh Thuận thực hiện đề tài "Nghiên cứu giám định di truyền và đánh giá khả năng phát triển của bò lai F1 giữa bò tót (Bos gaurus) với bò nhà (Bos taurus) tại vùng rừng giáp ranh giữa Ninh Thuận và Lâm Đồng" với kinh phí trên 2 tỷ đồng do hai địa phương bỏ ra.

Nhóm nhà khoa học đã mua 10 con bò lai của người dân. Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt đã lấy mẫu máu của bò đực, bò cái và bê để giám định nhiễm sắc thể (NST). Theo đó, bộ NST bò nhà 2n là 60; bò tót rừng 2n là 56; còn toàn bộ số cá thể nghi lai đều có số lượng 2n bằng 58. Từ kết quả này, tiến sĩ Trần Quế, thành viên nhóm nghiên cứu kết luận: "Bò lai ở vườn quốc gia Phước Bình là con lai khác loài". 

10 con bê lai đang được nuôi tại Vườn quốc gia và sẽ tiếp tục phục vụ cho nghiên cứu bảo tồn nguồn gene. Bởi đó là những cá thể có nhiều tính năng vượt trội, như: khỏe mạnh, chịu đựng được điều kiện khí hậu khắc nghiệt và tăng trưởng nhanh. Bê lai to gấp 3 lần so với bê nhà. 

Cuộc 'giao duyên' kỳ lạ giữa bò tót và bò nhà ảnh 1

Con bò đực lai, kết quả của "tình yêu" giữa bò tót và bò nhà.

Dự án hơn 4 tỷ đồng cho thế hệ bò lai kế tiếp

Tiến sĩ Lê Xuân Thám, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lâm Đồng cho biết, nhóm sẽ tiếp tục nghiên cứu khả năng lai tạo của bê lai, để tạo ra nguồn gen quý hiếm. Dự án là đề tài nghiên cứu cấp nhà nước được phê duyệt hơn 4 tỷ đồng.

Theo đó, các nhà khoa học sẽ cho giao phối thử nghiệm giữa bò tót lai F1 với nhau; con đực F1 lai với bò cái nhà và con cái F1 lai với bò đực nhà. Nếu thành công, đó sẽ là thế hệ tiếp theo với những đặc tính vượt trội và sẽ được nhân rộng trong chăn nuôi. 

Về khả năng này, theo tiến sĩ Trần Quế, F1 có hữu thụ hay không phụ thuộc vào tính tương đồng của các cặp NST, nếu không có tương đồng thì sẽ không hình thành giao tử được, vì thế con lai khác loài thường không có khả năng sinh sản.

"Thực tế đến nay chưa thấy xuất hiện F2 ở Phước Bình và nếu có thì F2 cũng sẽ rất đa dạng do quy luật phân ly độc lập của các NST tương đồng để hình thành giao tử", ông Quế nói.

Tháng 3 vừa qua, bò tót đực duy nhất (bố của con bê lai) đã chết do "quà già và kiệt sức".

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG