Dân buôn Việt, Trung tranh iPhone 6 trên đất Singapore

Nhân viên của Epicentre, một đại lý của Apple, đang giải quyết mâu thuẫn xảy ra trong lúc xếp hàng.
Nhân viên của Epicentre, một đại lý của Apple, đang giải quyết mâu thuẫn xảy ra trong lúc xếp hàng.
“Biển người”, “biển tiền” là hai chiến thuật được nhóm buôn iPhone người Việt và Trung Quốc sử dụng để thu gom hầu hết số iPhone đợt đầu bán ra tại Singapore.

Là nơi bán ra iPhone đầu tiên ở châu Á, Hong Kong và Singapore từ vài năm nay đã trở thành nguồn cung iPhone xách tay đợt đầu cho các nước trong khu vực. Theo nhận xét của nhiều người dân bản xứ, lô hàng iPhone đầu tiên dường như chỉ là sự tranh chấp giữa hai nhóm thương gia đến từ Việt Nam và Trung Quốc.

Hai nhóm dân buôn lớn này có nhiều cách thức để gom hàng, và "trận chiến" để sở hữu những chiếc iPhone 6 không đến nỗi gay gắt nhưng chứa đựng nhiều câu chuyện thú vị.

Chen lấn và tranh cãi

Quay ngược lại thời điểm một ngày trước khi iPhone 6 chính thức được bán ra, lối vào Bugis Junction ồn ào hơn thường lệ. Ngay từ sáng sớm 18/9, hàng trăm người đã đến khu mua sắm hạng trung này để bắt đầu xếp hàng chờ iPhone 6.

“Very long queue!”, một du khách Tây thốt lên, rút điện thoại ra quay lại cảnh đoàn người đang ăn ngủ vạ vật với những mền, gối, chiếu nhựa, ghế nhỏ hay chỉ đơn giản là những tờ báo khổ lớn trải vội.

“Họ ngang nhiên chen lên trước mặt mình mà không chịu xếp hàng đúng thứ tự, thái độ rất khó chịu” chị Diệu Vân, ngụ quận Hai Bà Trưng, Hà Nội, bực tức chỉ tay về phía những người nói tiếng Trung Quốc cách đó vài mét.

“Dân buôn thì hơi kém thân thiện và ít khi chịu nghe mình nói, nhưng cũng có những bạn trẻ sinh viên Trung Quốc xếp hàng lịch sự”, anh Võ Trọng Khoa, ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM cho biết.

Dân buôn Việt, Trung tranh iPhone 6 trên đất Singapore ảnh 1

Nhân viên của Epicentre, một đại lý của Apple, đang giải quyết mâu thuẫn xảy ra trong lúc xếp hàng.

Đến giữa trưa, một nhóm người Việt khác cũng đã phát sinh tranh cãi với một nhóm người Trung Quốc xếp ở sau. Đôi bên cho rằng cần “chốt” lại danh sách xếp hàng của cả hai nhóm, tránh tình trạng các nhóm tự thêm người bên ngoài vào, ảnh hưởng đến những người đã xếp hàng từ trước.

“Nhóm anh thêm một người, nhóm tôi cũng phải được thêm một người”, một thanh niên đến từ Quảng Châu bập bẹ tiếng Anh phân bua trước khi nhân viên của EpiCentre đến vãn hồi trật tự.

Cách Bugis Junction tầm 5km, trung tâm thương mại hạng sang Somerset ở số 313 Orchard dường như “nóng” hơn gấp bội phần. Gần 100 người được bảo vệ tòa nhà “quy hoạch" lại trong một khu vực rộng chừng 80 mét vuông.

Vì đã chăng dây rõ ràng nên tại đây không diễn ra tình trạng tranh cãi, nhưng không gian tù túng khiến những người ở đây dường như đang trải qua một cực hình.

Vỏ chai nước nằm lăn lóc bên cạnh những gương mặt ngái ngủ, thất thần sau nhiều giờ vạ vật ở vỉa hè, và chỉ chợt bừng tỉnh khi nhân viên của cửa hàng đọc loa thông báo phát số thứ tự.

Nắm chắc tờ giấy ghi số rõ ràng trong tay, Nguyễn Minh Phong, một du học sinh tại Singapore, mới dám rời khỏi chỗ nằm của mình, chạy đến một nhà vệ sinh gần đó để “giải tỏa”. Số khác tỏa ra những cửa hàng thức ăn nhanh bên kia đường để tiếp thêm năng lượng cho đến sáng ngày hôm sau.

“Việc xếp hàng nhằm đảm bảo ‘chắc suất’ mua iPhone. Bao nhiêu người xếp được hàng là bấy nhiêu cái iPhone nên nhóm buôn nào cũng cố gắng cài cắm càng nhiều người càng tốt”, anh Trịnh Thanh Tâm, ngụ Q.10, TP.HCM cho biết.

Theo anh Tâm, về số lượng người, nhóm Việt Nam chiếm ưu thế vì ngoài những người trực tiếp bay từ Hà Nội và TP.HCM, nhiều du học sinh người Việt tại đây cũng đến xếp hàng để bán lại cho giới buôn.

"Biển người" đấu với "biển tiền"

Nếu như trong ngày 18/9, một ngày trước khi mở bán iPhone 6, “trận chiến” chỉ diễn ra ở việc xếp hàng, thì đến sáng ngày 19/9, “chiêu trò” của giới buôn Trung Quốc mới thực sự bộc lộ.

Không xếp hàng với đám đông, Ming Chuan, một dân buôn 35 tuổi đến từ Thượng Hải rảo vòng quanh khu vực những người xếp hàng ở Orchard để tìm “con mồi”.

Đối tượng mà anh này nhắm đến là những người dân bản xứ và những du học sinh người Việt đã sở hữu tờ phiếu ghi thứ tự cùng với tên model định mua.

Dân buôn Việt, Trung tranh iPhone 6 trên đất Singapore ảnh 2

Tờ phiếu ghi rõ tên model đặt mua được phát ra cho những người xếp hàng. Nhiều người bán lại phiếu này cho giới buôn iPhone với giá lên 400 SGD (gần 7 triệu đồng).

Tùy theo iPhone 6 hay 6 Plus và các mức dung lượng, Ming Chuan ra giá từ 200 - 400 SGD cho mỗi suất (tương đương 3,4 - 6,8 triệu đồng). Đến lúc này, những người xếp hàng chỉ để bán phiếu kiếm tiền đã lộ diện. Lần lượt 1, 2 rồi đến 8, 9 tờ phiếu rơi vào tay Ming Chuan.

Người đàn ông này cùng với bạn bè ung dung bước vào EpiCentre và mang ra gần chục chiếc iPhone 6 mà không cần tốn một giọt mồ hôi xếp hàng.

Không chỉ mua lại phiếu giữ chỗ, nhóm của Ming Chuan cũng sẵn sàng mua lại iPhone 6 của những người Việt với giá ít nhất là 1.400 SGD (khoảng 23 triệu đồng).

Theo Chuan, nhiều người ở Trung Quốc sẵn sàng trả cái giá rất cao cho những chiếc iPhone đầu tiên về nước. “Họ cần iPhone 6 để tặng những nhân vật quan trọng”, Chuan tiết lộ.

Chưa nói dứt câu, Ming Chuan vội vã bắt taxi chạy ra sân bay Changi và bắt đầu cuộc “chạy đua” về Thượng Hải với những đồng hương khác.

Dân buôn Việt, Trung tranh iPhone 6 trên đất Singapore ảnh 3

Một du học sinh tại Singapore giao iPhone 6 cho một cửa hàng ở TP.HCM ở ga tàu điện ngầm Bugis.

Không “đấu" được giá cao như các lái buôn Trung Quốc, giới buôn Việt Nam sau khi gom đủ iPhone 6 nhờ cài người xếp hàng, lập tức "tung quân" tỏa ra nhiều địa điểm khác để tìm mua lại những chiếc iPhone 6 được rao trên các diễn đàn du học sinh.

Những cuộc hẹn được sắp đặt chớp nhoáng ở các ga tàu điện ngầm. Có người mang đến 1,2 chiếc, có người mang đến cả 4-5 chiếc mỗi lần. “Người dân ở Singapore đa phần không mấy hứng thú với iPhone 6.

Mình xin suất của các bạn người Sing trong lớp để đặt hàng iPhone 6 nên mới lấy được nhiều máy đến vậy”, một du học sinh theo học ngành Quản trị khách sạn du lịch ở Học viện Kaplan cho biết.

Tuy có một sự cạnh tranh giữa các nhóm buôn iPhone người Việt và người Trung Quốc, nhưng mối quan hệ giữa hai nhóm thương gia này không hẳn là đối đầu.

Anh Lộc, một chủ cửa hàng ở Bình Dương, TP.HCM cho biết khi anh sang đây đã gặp và đi gom hàng chung với một lái buôn người Trung Quốc. "Người ta dẫn mình đi mua lại iPhone 6, bù lại mình giúp họ có nguồn tiêu thụ iPhone cũ từ Trung Quốc về Việt Nam", anh Lộc tiết lộ.

Theo Duy Tín

Theo Zing
MỚI - NÓNG
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
Chu Thanh Huyền đeo vàng trĩu cổ
TPO - Trong ngày trọng đại, Chu Thanh Huyền và Quang Hải được gia đình nhà gái và nhà trai trao tặng nhiều quà cưới. Theo ghi nhận, cặp đôi nhận được những món quà giá trị từ gia đình 2 bên gồm nhiều kiềng vàng và nhẫn.