Dê thông minh nhất loài móng guốc

Dê thông minh nhất loài móng guốc
TP - Thuộc cùng nhóm vật móng guốc có vú với bò, cừu và lừa, dê được xem là loài thông minh và khéo léo hơn cả. Trí nhớ dài hạn của dê cũng rất đáng nể.

Một nghiên cứu mới đây được đăng trên Tạp chí Friontiers in Zoology (Lĩnh vực động vật học) do Ðại học Queen Mary ở London, Anh Quốc, phối hợp Viện Khoa học Nông nghiệp ở Thụy Sỹ thực hiện chỉ ra rằng dê có chỉ số thông minh (IQ) rất ấn tượng.

Nhóm nghiên cứu đã huấn luyện 12 con dê dùng mõm nhấc thanh chắn lên để lấy thức ăn từ trong một chiếc hộp. Ba con trong số đó đã bị loại khỏi cuộc chơi vì láu cá sử dụng sừng để mở. Chín con còn lại hoàn thành nhiệm vụ sau bốn lần cố gắng.

McElligott, giảng viên đại học Queen Mary, đồng tác giả nghiên cứu cho biết “Chúng tôi thách thức một quan niệm phổ biến rằng dê không phải loài vật thông minh. Thực ra, chúng có thể học những thứ rất phức tạp và nhớ rất lâu. Chúng vẫn có thể nhớ cách lấy thức ăn từ hộp ra sau 10 tháng và thực hiện chỉ trong chưa đầy một phút”.

Một nghiên cứu khác cách đây hai năm cũng chỉ ra rằng dê mẹ có thể nhớ tiếng kêu của con trong ít nhất một năm sau khi tách mẹ.

Những dê mẹ này phản ứng với tiếng kêu của dê con mạnh mẽ hơn so với tiếng kêu của cá thể dê khác.

Chuyên gia chọn đồ ăn hoang dã 

Loài dê sinh sống theo bầy đàn phức tạp. Chúng cũng là chuyên gia kén chọn và giỏi lấy thức ăn ở nơi khó lấy. Chúng có thể lựa ăn lá trong bụi gai hoặc chọn đúng lá cỏ non để ăn. Dê ở Morocco còn biết trèo cây để tìm những mầm chồi trên cành cao.

Dê sống khá lâu. Ðiều đó chứng tỏ chúng có khả năng xây dựng kho trí nhớ và kỹ năng sinh tồn giỏi hơn loài vật có vòng đời ngắn và phần nào giải thích vì sao chúng có khả năng thích nghi với những môi trường khắc nghiệt.

Nền tính hơn khi trời ấm

McElligott và một vài đồng nghiệp cũng đã tiến hành một nghiên cứu để tìm hiểu cảm xúc và hành vi của loài động vật này.

“Bạn cần biết cảm xúc vui buồn của đàn dê. Nếu loài vật mắc chứng căng thẳng kinh niên, chúng sẽ dễ bị ốm và bạn sẽ tốn tiền thuốc.” McElligott giải thích.

Họ thực hiện nghiên cứu vào các tháng hè vì loài dê vốn ghét thời tiết lạnh, nhất là mưa. Chúng thường hợp tác tốt hơn khi trời ấm.

Các nhà nghiên cứu bỏ thức ăn vào trong một cái xô và lắc nó lên trước khi cho dê ăn. Khi đó dê có biểu hiện háo hức giống như bạn sắp được ai đó mang đồ ăn cho.

Trong một thí nghiệm khác, họ cho hai cá thể vào hai lồng đối diện nhau và chỉ mang đồ ăn cho một con. Con ở lồng đối diện đứng nhìn con kia ăn trong năm phút. Họ đã ghi lại biểu hiện và hành vi của con dê đó.

Họ phát hiện ra rằng, khi vui, dê thường dỏng tai lên. Tai chúng chĩa về phía trước một chút và tiếng kêu của chúng có độ ổn định cao hơn. Khi buồn, tiếng kêu của chúng cao thấp thất thường hơn.

Ðáng yêu như trẻ nhỏ

Dê cũng là loại rất thú vị và dễ gần. Chúng khá tò mò, thích khám phá môi trường mới bằng khứu giác và thị giác.

Chúng gọi nhau, đánh hơi, nằm xuống và chạm vào nhau. Chúng cũng đánh nhau nữa.

Hiện nay, trên thế giới có khoảng 900 triệu con dê, tăng từ 600 triệu con năm 1990. Bùng nổ quần thể dê được cho là bởi giá trị kinh tế cao mà chúng đem lại.

Theo Theo smithsonianmag.com
MỚI - NÓNG