Đề xuất lập mạng lưới cảnh báo phóng xạ môi trường

TP - Trước thực tế một số nhà máy điện hạt nhân sát sườn Việt Nam đặt tại Trung Quốc, Thái Lan, Campuchia đang và sẽ đi vào hoạt động, Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ đề xuất, cần nhanh chóng xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường. Tiền Phong có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam về đề xuất này.

Quảng Ninh chỉ cách nhà máy điện hạt nhân 50km

Thưa ông, vì sao Việt Nam cần sớm lập mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia khi chúng ta chưa có nhà máy điện hạt nhân hoạt động?

Với những người trong ngành, ai cũng biết việc xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia là điều cần thiết. Trong sự cố Chernobyl trên lãnh thổ Ukraine năm 1986, Liên Xô không thông báo thông tin rộng rãi nhưng những đám mây phóng xạ phát tán đã bay qua Belarus tới Thụy Điển, nơi cách Chernobyl cả nghìn km. Hàng rào quan trắc phóng xạ của Thụy Điển đã phát hiện được những dữ liệu bất thường và các nhà nghiên cứu nước này là những người đầu tiên trên thế giới đo được bụi phóng xạ và truy ngược được nguồn gốc phát sinh. Chỉ tới lúc đó, thông tin về một tai nạn nghiêm trọng của nhà máy điện hạt nhân của Liên Xô mới bùng nổ trên thế giới.

Đề xuất lập mạng lưới cảnh báo phóng xạ môi trường ảnh 1

TS Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ.

Với Việt Nam, sự biến chuyển mạnh mẽ của tình hình mới khiến mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường quốc gia cần phải được triển khai sớm. Theo khuyến cáo của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA), khu vực bên ngoài nhà máy điện hạt nhân cần được phân vùng để có kế hoạch ứng phó sự cố phù hợp: vùng bảo vệ khẩn cấp (không được quy hoạch có dân cư, PAZ); vùng lập kế hoạch bảo vệ khẩn cấp (có thể có dân cư nhưng phải có kế hoạch ứng phó nhằm ngăn ngừa sự chiếu xạ đối với công chúng bên ngoài cơ sở khi xảy ra sự cố, UPZ); khoảng cách lập kế hoạch mở rộng (EPD); khoảng cách lập kế hoạch cho hàng hóa và thực phẩm (ICPD). Theo khuyến cáo của IAEA, đối với nhà máy điện hạt nhân có công suất lớn hơn 1.000 MW thì kích thước của các vùng PAZ, UPZ, EPD và ICPD tương ứng là (3-5 km), (15-30 km), 100 km và 300 km.

Như vậy, Quảng Ninh và một số tỉnh phía Bắc của Việt Nam cũng thuộc khu vực EPD và ICPD trong tương quan với nhà máy Phòng Thành, Trung Quốc. Vì thế, Việt Nam cần phải chuẩn bị kế hoạch ứng phó dự phòng dù chưa có nhà máy điện hạt nhân nào hoạt động. 

Dự kiến triển khai từ năm 2017 

Thưa ông, đến nay Việt Nam đã xây dựng mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ quan trọng này đến đâu?

Việc thiết lập một mạng lưới quan trắc và cảnh báo phóng xạ môi trường ở tầm quốc gia sẽ đòi hỏi một lượng kinh phí đầu tư lớn vào cơ sở vật chất và con người. Chúng tôi đang xây dựng dự án theo cách phân kỳ: giai đoạn một dự kiến trong năm 2017-2020, giai đoạn hai dự kiến trong năm 2021-2025. 

Để dự án được thực hiện một cách hiệu quả mà không tốn quá nhiều chi phí, giai đoạn một sẽ tập trung đầu tư thiết bị quan trắc tại những địa phương có khả năng bị ảnh hưởng nhiều nhất trong trường hợp xảy ra sự cố nhà máy điện hạt nhân từ Trung Quốc. Viện đã tiến hành khảo sát, tính toán trên cơ sở chu kỳ khí hậu trong vòng một năm, qua đó xác định được các “điểm nóng” là Quảng Ninh (Móng Cái và Bãi Cháy), Lạng Sơn, Lào Cai, Hải Phòng, Nam Định, Nghệ An và Hà Nội (nơi đặt Trung tâm điều hành mạng lưới). Đây sẽ là các trạm mà Viện dự kiến lắp đặt và đưa vào vận hành ở giai đoạn một. 

Cảm ơn ông!

“Năm 2016, tổ máy đầu tiên có công suất 1.000 MW của nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành, Quảng Tây đi vào hoạt động thương mại, các tổ máy 650 MW của nhà máy Xương Giang trên đảo Hải Nam và 600 MW của nhà máy Trường Giang, Quảng Đông đã được kết nối lưới điện quốc gia của Trung Quốc. Các nhà máy này đều ở vị trí rất gần với biên giới trên đất liền và trên biển Việt Nam. Ví dụ nhà máy điện hạt nhân Phòng Thành chỉ cách Quảng Ninh khoảng 50km” - TS Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam cho biết.

MỚI - NÓNG