Giao thông thông minh kém thông minh

TP - Được đầu tư hàng nghìn tỷ đồng, hầu hết các đèn tín hiệu giao thông (THGT) tại TPHCM mất kết nối, phải điều khiển thủ công, camera chủ yếu phục vụ nhu cầu riêng còn các thiết bị thu phí điện tử lắp tuyến đường nào thì chỉ sử dụng được trên tuyến đó, ứng dụng công nghệ thông tin rời rạc, chưa hỗ trợ lẫn nhau.

Điều khiển thủ công

Sáng 14/6, tại nút giao Xa lộ Hà Nội dẫn lên cầu vượt Cát Lái (quận 2), các phương tiện lưu thông hỗn loạn. Trên làn đường xe hai bánh đông nghẹt.

 Phương tiện dừng chờ đèn THGT kéo dài qua cầu Rạch Chiếc. Trong khi đó, làn dành cho ô tô vắng hoe. Nhiều người liều lĩnh cho xe máy chạy chen vào làn ô tô để cố ra khỏi đám đông vì tại chốt đèn THGT không có lực lượng thanh niên xung phong (TNXP), cảnh sát giao thông (CSGT).

Làn xe ô tô ít phương tiện lưu thông nhưng mỗi pha đèn xanh được điều chỉnh đến 70 giây, còn làn xe máy đang ùn ứ mỗi pha chỉ có 40 giây đèn xanh để các phương tiện di chuyển qua giao lộ. 

Một số người dân địa phương cho biết, giao lộ này hay xảy ra tình trạng ùn ứ vào giờ cao điểm (từ 6 giờ 30 đến 8 giờ 30). Lực lượng CSGT, TNXP thường xuyên có mặt điều tiết giao thông, điều chỉnh pha đèn trên mỗi làn xe căn cứ tình hình thực tế. Toàn bộ các thao tác đều thủ công, dù đèn tín hiệu tại đây thuộc thế hệ đèn THGT thông minh.  

Tại hội thảo khoa học “Mô hình phát triển trung tâm điều hành giao thông thông minh TPHCM” ngày 14/6, Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải TPHCM (GTVT) Trần Quang Lâm cho biết, các chốt đèn THGT trên địa bàn thành phố được đầu tư từ nguồn vốn vay ODA của Pháp năm 2002, vốn vay ODA của Ngân hàng Thế giới năm 2004 và từ vốn ngân sách địa phương qua nhiều năm. Đến nay, hầu hết đèn THGT đều hoạt động độc lập. Chỉ có một số chốt được thử nghiệm kết nối về trung tâm điều khiển chiếu sáng công cộng bằng công nghệ ADSL.

Đầu tư thiếu đồng bộ

TS Mai Văn Dự (bộ môn Điều khiển học, trường ĐH Giao thông Vận tải) cho biết, hệ thống camera giao thông được lắp đặt tại nhiều vị trí, khu vực tình hình giao thông phức tạp, trong đó hệ thống camera của kênh VOV giao thông quốc gia chiếm đa số, còn lại là thuộc hệ thống của Công an TPHCM, Sở GTVT và một số cơ quan, đơn vị.

Đường Võ Văn Kiệt cũng được gắn camera quan sát giao thông kết nối về trung tâm điều khiển đèn THGT của Công an TPHCM và trung tâm điều khiển chiếu sáng công cộng phục vụ công tác kiểm tra, xư phạt, điều khiển hoạt động và quản lý vận hành.

Tuy nhiên, các hệ thống camera chủ yếu hoạt động độc lập, phục vụ nhu cầu riêng của từng ngành. Trong khi đó, trung tâm điều khiển giao thông của Công an TPHCM hầu hết bị mất kết nối với các chốt đèn THGT, camera giám sát giao thông nên không điều khiển được hệ thống đèn THGT.

“Khả năng nhận biết, thu thập lưu lượng xe của đầu dò rất không chính xác, dẫn đến chu kỳ đèn không phù hợp với tình hình thực tế, chưa đáp ứng nhu cầu điều khiển giao thông hiện nay” – TS Mai Văn Dự cho biết.

Theo ông Trần Quang Lâm, từ nay đến năm 2017, TPHCM sẽ cơ bản hoàn thành trung tâm giám sát và điều khiển giao thông thông minh dựa trên hạ tầng sẵn có của trung tâm điều khiển đặt tại trung tâm quản lý đường hầm sông Sài Gòn theo mô hình trung tâm tích hợp dữ liệu. Dự án này đã thông qua chủ trương đầu tư công.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.