Giống tốt nhờ kỹ thuật hạt nhân

Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt cung cấp nguồn giống cho trang trại của Cty Nấm Hoa Sen.
Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt cung cấp nguồn giống cho trang trại của Cty Nấm Hoa Sen.
TP - Ngày càng có nhiều công trình nghiên cứu khoa học trong lĩnh vực hạt nhân ở Việt Nam được đưa vào ứng dụng phục vụ sự phát triển của ngành nông nghiệp, đặc biệt là tạo ra những giống năng suất cao.

Thành tựu nổi bật về chọn tạo giống

TS Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử cho biết, thời gian qua nhiều ứng dụng kỹ thuật hạt nhân được ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp,  nhất là đột biến tạo ra các giống lúa mới có năng suất, chất lượng tốt và có khả năng chống chịu sâu bệnh để trồng trên diện rộng góp phần nâng cao sản lượng nông sản xuất khẩu và đảm bảo an ninh lương thực. Một trong 5 giống lúa phục vụ xuất khẩu chủ lực hiện nay của Việt Nam là được tạo ra từ đột biến phóng xạ. Nhiều giống đậu tương và hoa cũng được chọn tạo từ phương pháp này.

Các giống lúa đột biến hiện được gieo trồng trên 3,5 triệu ha và đã làm tăng thu nhập cho người nông dân hàng trăm triệu USD mỗi năm. Năm 2014, các nhà khoa học Việt Nam giành 3 giải thưởng trong lĩnh vực đột biến tạo giống của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), trong đó có 1 giải “Thành tựu xuất sắc” cho Viện Di truyền nông nghiệp Việt Nam. Việt Nam được IAEA đánh giá là nước đứng hàng thứ 8 trên thế giới trong lĩnh vực nghiên cứu về đột biến tạo giống.

Phương pháp kỹ thuật hạt nhân kết hợp với các phương pháp khác của ngành nông hóa thổ nhưỡng sẽ tạo ra giải pháp tránh xói mòn, giữ cho được lớp đất màu mỡ cho canh tác, giúp bà con giảm thiểu phân bón hóa học, cải tạo đất, duy trì việc sản xuất. 

Tạo giống đột biến giúp rút ngắn quá trình chọn tạo giống: Trước đây phải 8 năm mới làm ra một giống, bây giờ có thể sớm hơn. Dùng công nghệ bức xạ tạo ra chế phẩm để kích thích tăng trưởng thực vật hoặc tăng sức đề kháng của thực vật với một số loại bệnh; biến các vật liệu thông thường thành những vật liệu sử dụng tốt cho canh tác như giữ ẩm, tăng trưởng thực vật, chống sâu rầy.

PGS.TS Nguyễn Nhị Điền, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, cho biết, trong lĩnh vực Sinh học phóng xạ, Viện đã nghiên cứu và thành công trong việc sử dụng bức xạ gamma gây đột biến tạo các loại giống cây và hoa mới phục vụ xuất khẩu. Công nghệ trồng nấm, đặc biệt là một số loại nấm dược liệu quý đã được nghiêu cứu hoàn thiện và chuyển giao quy trình nuôi trồng cho nông dân áp dụng. Công nghệ nhân giống in-vitro được thực hiện đối với một số cây hoa và cây trồng đặc sản quý hiếm để cung cấp giống sạch bệnh cho nông dân. Viện cũng đang tham gia vào việc bảo tồn giống, bảo tồn đa dạng tài nguyên sinh học thực vật của tỉnh Lâm Đồng nói riêng và khu vực Tây Nguyên nói chung.

Theo TS Nguyễn Trọng Ngọ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt, bằng kỹ thuật bức xạ gây đột biến, Viện nghiên cứu chọn tạo giống bưởi đường lá cam ở tỉnh Đồng Nai, chanh Lâm Đồng và sắp tới là nho Ninh Thuận theo hướng triệt tiêu hạt để nâng cao khả năng cạnh tranh. Viện đang sản xuất và cung cấp các loại chế phẩm kích thích tăng trưởng thực vật T&D, phòng và trị nấm bệnh thực vật Olicide. Chẳng hạn, Viện đã nghiên cứu xây dựng qui trình chế tạo chế phẩm Oligochitosan cắt mạch bằng bức xạ Gamma để ứng dụng trong phòng bệnh và tăng trọng cho gà; nghiên cứu khả năng đột biến và chọn lọc các dòng biến dị có triển vọng của giống hoa lan Nhện hoang dại bằng phương pháp chiếu xạ Gamma kết hợp kỹ thuật nuôi cấy Invitro.

Chống xói mòn, ứng phó biến đổi khí hậu

Ngoài ra, Viện Nghiên cứu Hạt nhân Đà Lạt còn nghiên cứu ứng dụng đồng vị phóng xạ môi trường để xác định tốc độ xói mòn trên quy mô lưu vực rộng lớn ở Tây Nguyên và ứng dụng công nghệ bức xạ trong việc chế tạo các chế phẩm sinh học thân thiện với môi trường. “Thói quen lâu đời của nông dân là dùng hóa chất diệt sâu bệnh khiến đất bị thoái hóa, tạo rắn làm cho cây trồng khó hấp thu. Để khắc phục tình trạng này, Viện tạo ra sản phẩm cải tạo đất bằng vi sinh nhằm giữ độ phì”, TS Ngọ cho biết.

Cục trưởng Cục Năng lượng Nguyên tử Hoàng Anh Tuấn cũng cho rằng phương pháp kỹ thuật hạt nhân kết hợp với các phương pháp khác của ngành nông hóa thổ nhưỡng sẽ tạo ra giải pháp tránh xói mòn, giữ cho được lớp đất màu mỡ cho canh tác, giúp bà con giảm thiểu phân bón hóa học, cải tạo đất, duy trì việc sản xuất.

TS Hoàng Tuấn Anh nhận định nước ta có nguy cơ lớn về biến đổi khí hậu, ví dụ như xâm nhập mặn và hạn hán gây ảnh hưởng đến nông nghiệp. Kỹ thuật hạt nhân có thể kết hợp với một số kỹ thuật khác giúp cho việc nghiên cứu giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, ví dụ, nghiên cứu những giống mới chịu hạn, chịu mặn tốt hơn chất lượng hơn. “Các chuyên gia IAEA đánh giá cao thành tích ban đầu của Việt Nam về phương pháp thổ nhưỡng. Tuy nhiên diện tích đất canh tác ở địa hình đồi núi của ta rất lớn, do đó phải ứng dụng rộng rãi các giải pháp này tại Tây Nguyên và Tây Bắc”, TS Tuấn Anh nói.

Trước tình trạng nhiều tỉnh miền Trung và Tây Nguyên đang thiếu nước trầm trọng, nhiều chuyên gia cho rằng các phương pháp kỹ thuật hạt nhân như đánh dấu, đồng vị… có thể áp dụng để hỗ trợ các nhà khoa học thuộc lĩnh vực nông nghiệp tìm biện pháp giữ lượng nước mưa. Từ đó cung cấp cho các nguồn nước ngầm dưới đất nhằm đảm bảo an ninh nguồn nước cho sinh hoạt và tưới tiêu.

MỚI - NÓNG