Hộp sọ 280 triệu năm hé lộ tổ tiên 'cá mập ma'

Chimaera có mối liên hệ với loài cá cổ đại giống cá mập ở Đại Cổ sinh. Ảnh: MBARI.
Chimaera có mối liên hệ với loài cá cổ đại giống cá mập ở Đại Cổ sinh. Ảnh: MBARI.
Các nhà khoa học Mỹ truy ra nguồn gốc cổ đại của cá mập ma thông qua hộp sọ hóa thạch 280 triệu năm ở Nam Phi.

Chiếc hộp sọ 280 triệu năm tuổi giúp các nhà khoa học xác định chính xác mối liên hệ giữa chimaera, loài "cá mập ma" mũi nhọn với vây hình cánh bí ẩn dưới biển sâu, và cá mập hiện nay, theo Live Science.

Hộp sọ cổ đại thuộc về loài cá Dwykaselachus oosthuizeni dài 1,2 mét, có hình dáng giống cá mập, là một phát hiện quý hiếm, bởi bộ xương của loài này cấu tạo từ sụn nên hiếm khi để lại hóa thạch.

 Kiểm tra giải phẫu cho thấy D.oosthuizeni có nhiều đặc điểm giống loài chimaera ngày nay, còn gọi là cá mập ma do hình dáng kỳ dị và cơ thể màu trắng nhợt. Kết quả nghiên cứu được công bố hôm qua trên tạp chí Nature.

"Chimaera là sinh vật đặc biệt, có liên hệ với một nhóm rộng những loài giống cá mập phát triển mạnh ở Đại Cổ sinh", Michael Coates, giáo sư khoa Sinh học và Giải phẫu ở Đại học Chicago, Mỹ, người đứng đầu nhóm nghiên cứu, cho biết. "Giờ đây, chúng tôi có thể hình dung sơ qua những tiền đề để loài chimaera hiện đại tiến hóa, chỉ ra đôi mắt lớn của cá mập cổ xưa bị thui chột ở chimaera do môi trường ít ánh sáng dưới biển sâu".

Player Loading...

Các nhà nghiên cứu biết rất ít về chimaera. Họ không biết chắc về thức ăn, tuổi thọ và chu kỳ sinh sản của chúng. Dựa trên xác chimaera dạt vào bờ hoặc vô tình lọt lưới, họ biết loài cá này có xương sụn, chứng tỏ chúng có liên quan đến cá mập và cá đuối. Tuy nhiên, nguồn gốc tiến hóa của chimaera vẫn là một bí ẩn.

Coates cho rằng mẫu hóa thạch ở Nam Phi có thể giúp họ lý giải bí ẩn này. Roy Oosthuizen, một nhà sưu tập hóa thạch nghiệp dư, phát hiện mẫu vật tại nông trại của ông ở Cape Province, Nam Phi vào thập niên 1980. Hóa thạch được lưu giữ tại Bảo tàng Nam Phi ở Cape Town kể từ đó. Coates muốn tìm hiểu sâu hơn về mẫu vật nên đã nhờ đồng nghiệp kiêm đồng tác giả nghiên cứu Rob Gess ở Trung tâm Cổ sinh vật học Nam Phi, kiểm tra.

Gess sử dụng máy quét chụp X-quang vi tính để tạo ra hình ảnh 3D ảo của hộp sọ. Một số cấu trúc trên hộp sọ của D.oosthuizeni, bao gồm những dây thần kinh sọ chính, lỗ mũi và tai trong rất giống loài chimaera hiện đại.

"Ở mọi loài cá mập và cá đuối hiện đại, đỉnh sụn của hộp sọ hở ở mặt trước. Nhưng ở loài chimaera và Dwykaselachus, phần đỉnh này đóng kín. Chúng cũng có chung những khoang rỗng chứa ống bán khuyên màng của tai trong", Coates nói.

Phát hiện chỉ ra chimaera có nguồn gốc từ nhóm cá giống cá mập thời nguyên thủy, bao gồm D.oosthuizeni. "Trong nhiều năm, mối liên hệ giữa chimaera và hóa thạch cá mập cổ đại vẫn khiến giới nghiên cứu bối rối. Hiện nay, các nhà nghiên cứu biết rõ D.oosthuizeni chính là chimaera thời nguyên thủy", Coates chia sẻ.

Theo Theo VnExpress
MỚI - NÓNG
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
Cựu Giám đốc Trung tâm Công nghệ sinh học TPHCM bị cáo buộc nhận hối lộ 14,4 tỷ đồng
TPO - Cơ quan điều tra cáo buộc, bị can Dương Hoa Xô có trách nhiệm thực hiện đúng các quy định của pháp luật để triển khai mua sắm thiết bị, song quá trình thực hiện, ông chỉ đạo cấp dưới "thông đồng" với Công ty AIC để nâng khống giá gây thiệt hại cho Nhà nước. Đổi lại, bị can được phía AIC hối lộ 14,4 tỷ đồng.