Hybrid - Xe xanh được ưa chuộng nhất thế giới

Công nghệ hybrid tiên tiến giúp xe tái sử dụng năng lượng dư thừa, vận hành tiết kiệm nhiên liệu đến 50%, giảm lượng khí xả, góp phần “Tăng trưởng xanh”.
Công nghệ hybrid tiên tiến giúp xe tái sử dụng năng lượng dư thừa, vận hành tiết kiệm nhiên liệu đến 50%, giảm lượng khí xả, góp phần “Tăng trưởng xanh”.
TP - Xe xanh đang được nhiều nước phát triển trên thế giới chào đón và coi như “người hùng bảo vệ môi trường”, đặc biệt là tại các thành phố lớn. Trong đó, xe xanh hybrid được ưa chuộng hơn cả nhờ giảm thải CO2  vào không khí, thích ứng với thực tiễn; người dùng được hưởng lợi nhờ chính sách ưu đãi về thuế.

Thế giới công nhận các loại xe xanh nào?

Trên thế giới hiện có bốn loại xe xanh được công nhận gồm: Xe điện, xe lai, xe lai có thể cắm sạc (plug-in) và xe dùng pin nhiên liệu. Mỗi loại có ưu, nhược điểm khác nhau nên tại mỗi quốc gia và từng thời kỳ sẽ có chính sách ưu tiên phát triển các loại xe xanh khác nhau, phụ thuộc vào hạ tầng, đặc điểm nền kinh tế cũng như nhu cầu người tiêu dùng.

Xe điện (electric vehicle) có cơ chế hoạt động 100% từ điện và được cung cấp năng lượng bởi pin sạc. Pin này có thể sạc từ nguồn điện gia đình hoặc tại các trạm sạc. Xe hoàn toàn không tạo ra khí thải  nhưng nhược điểm là quãng đường vận hành ngắn.

Xe lai hay còn gọi là xe hybrid (hybrid electric vehicle). Loại xe này sử dụng hai nguồn năng lượng gồm động cơ xăng và mô tô điện, trong đó ưu tiên sử dụng nguồn điện khi xuất phát hoặc tại những địa điểm chạy tốc độ thấp. Xe hybrid tái sử dụng nguồn năng lượng dư thừa từ các chuyển động như phanh, xuống dốc… để vận hành. Nhờ đó, tiết kiệm nhiên liệu và lượng phát thải CO2 rất thấp.

Để tránh nhầm lẫn với các loại hybrid thông thường, loại xe lai có thể cắm sạc (plug- in hybrid electric vehicle) ra đời. Về bản chất, Plug-in Hybrid có những đặc điểm chung với các loại Hybrid, bởi cũng kết hợp động cơ đốt trong với một hoặc hơn một động cơ điện. Vì vậy,  xe lai có thể cắm sạc chính là “trường hợp mở rộng” của loại hai được trang bị thêm bộ cắm sạc ngoài để có thể sạc tại các trạm sạc. Năng lượng của ắc quy được nạp thông qua ổ cắm sạc ngoài khi xe đỗ để làm đầy pin trước hành trình tiếp theo. Sau khi khởi hành, ắc quy cạn đi, Plug-in Hybrid lại hoạt động như những xe Hybrid thông thường, động cơ đốt trong lúc này hoạt động như động cơ chính. Vì vậy, xe lai “plug–in” có giá thành cao hơn và cần phải có hạ tầng đồng bộ với các trạm sạc thuận tiện.

Với xe dùng hoàn toàn pin nhiên liệu (fuel-cell) thì sử dụng chủ yếu khí hydro nạp từ các trạm sạc. Fuel-cell có một máy bên trong sẽ chuyển hóa khí hydro thành nguồn điện cho xe hoạt động. Lượng khí phát thải của xe này hầu như không có. Tuy nhiên để vận hành xe này đường dài  đòi hỏi phải có các trạm sạc hydro và phụ thuộc vào giá thành khí hydro.

Tại Việt Nam, xe hybrid vẫn chưa được công nhận là xe xanh, do các cơ quan chức năng của Việt Nam định nghĩa xe xanh “khác” so với thế giới và rất khó xác định được tỷ lệ 70% xăng, 30% điện như yêu cầu.

Tiến sĩ Vũ Đình Ánh, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Nên hiểu theo thông lệ quốc tế, nghĩa là quốc tế định nghĩa thế nào thì mình theo như thế, vì Việt Nam không sáng tạo ra xe xanh. Hơn nữa, đất nước đã mở cửa hội nhập rồi, không thể tự chúng ta đặt ra tiêu chuẩn riêng về xe xanh. Thậm chí về nguyên tắc, nước đang phát triển như Việt Nam, kể cả phát triển về kinh tế cũng như phát triển về phương tiện giao thông thì chuẩn mực đưa ra có thể thấp hơn chuẩn mực quốc tế do hạ tầng của chúng ta còn chưa phát triển và chưa đồng bộ”.

“Công nghệ” Hybrid

Được gọi dễ hiểu là “động cơ lai”, xe Hybrid được biết đến như là bước nhảy vọt về công nghệ của ngành công nghiệp ô tô.  Xe Hybrid sử dụng một động cơ đốt trong, nhưng có dung tích xi lanh và công suất nhỏ hơn xe chạy xăng thông thường. Điều này giúp tiết kiệm nhiên liệu và giảm khí thải độc hại ra môi trường. Ngoài động cơ xăng, xe Hybrid được trang bị một hoặc nhiều động cơ điện để hỗ trợ động cơ xăng, giúp xe tăng công suất khi cần tăng tốc trên đường hay leo dốc... Cùng với đó xe có một pin Hybrid lớn để tích và cung cấp điện cho động cơ điện hoạt động.

Nhà sản xuất có thể cho ra đời các loại Hybrid với những loại động cơ khác nhau. Với xe Series Hybrid, mô-tơ điện dẫn động trực tiếp tới bánh xe trong khi động cơ xăng được dùng để tạo ra nguồn điện cung cấp cho động cơ điện. Trong khi đó, ở xe lai Parallel Hybrid, động cơ xăng chỉ có nhiệm vụ cung cấp năng lượng cho xe, động cơ điện sẽ hỗ trợ động cơ xăng khi cần gia tốc lớn. Hệ thống tái tạo năng lượng phanh ở đây sẽ đóng vai trò chủ đạo trong việc “sạc pin” chứ không phải động cơ điện xăng. Series-parallel Hybrid - kết hợp giữa Series Hybrid và Parallel Hybrid - sử dụng đồng thời cả 2 loại động cơ đốt trong và động cơ điện, liên tục bổ trợ nhau. Mặc dù vậy, cả 3 dòng Hybrid này đều có đặc điểm chung là không cần nạp điện từ nguồn bên ngoài, không bị giới hạn về quãng đường như xe điện và cũng không bị phụ thuộc vào hệ thống cung cấp nhiên liệu hydro hoá lỏng.

Với ưu điểm nổi trội như trên, xe hybrid đã được thừa nhận rộng rãi là dòng xe vừa mang lại hiệu quả bảo vệ môi trường lớn, vừa có tính thực tiễn cao, đặc biệt tại các nước đang phát triển. Đồng thời, nhiều nước phát triển trên thế giới như Anh, Pháp vẫn coi việc sử dụng xe hybrid là một trong những biện pháp đem lại hiệu quả giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong các thành phố lớn.

MỚI - NÓNG