Tôi không màng lên Wikipedia

Tôi không màng lên Wikipedia
TP- Hôm qua (5/4), cùng với nhiều nhà khoa học trên thế giới, một nhà khoa học Việt Nam - TS Nguyễn Hữu Ninh nhận được bằng chứng nhận đóng góp vào công trình đoạt giải thưởng Nobel Hòa bình năm ngoái.
Tôi không màng lên Wikipedia ảnh 1
TS Nguyễn Hữu Ninh

Bằng chứng nhận do Ủy ban Liên Chính phủ của Liên Hợp Quốc về Biến đổi Khí hậu (IPCC), tổ chức nhận giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2007, cấp.

Sự kiện xảy ra trong bối cảnh đang diễn ra tranh luận sôi nổi trên Wikipedia, một trong những diễn đàn học thuật lớn nhất trên thế giới internet về việc báo cáo 38 trang của ông có thực sự có giá trị khoa học đáng ghi nhận không và tên ông có đáng được đưa lên Wikipedia hay không.

Nhà khoa học có vinh dự nhận bằng chứng nhận hiếm hoi đó, TS Nguyễn Hữu Ninh – Chủ tịch Hội đồng Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục&Phát triển (CERED) trả lời Tiền phong về những vấn đề nhạy cảm liên quan đến ông.

Thưa TS Nguyễn Hữu Ninh, ông có thể cho biết đóng góp cụ thể của ông vào báo cáo của IPCC là gì?

Trước hết, xin nói thẳng rằng tôi không màng đến việc lên Wikipedia. Tôi chịu trách nhiệm nhiều hơn về Đông Nam Á và nhóm tác giả chính Chương châu Á viết khoảng 38 trang. Châu Á có hơn 40 nước nhưng IPCC không phải mời tất cả.

Nhóm châu Á có hai chuyên gia Trung Quốc chủ trì về Trung Quốc và Đông Á, hai chuyên gia Nhật Bản chủ trì về Nhật và Đông Á, một chuyên gia Nga và một Mông Cổ về Nga và Bắc Á, một chuyên gia Philippines về Đông Nam Á, tôi – đại diện cho Việt Nam. Tổng cộng có khoảng 600-700 nhà khoa học là tác giả chính trực tiếp viết sách. Trung bình, mỗi chương có 10-12 người, mỗi quyển 20 chương.

TS có thể cho biết về quy trình mà IPCC chọn chuyên gia?

Dựa trên trên cơ sở đóng góp quốc tế của nhà khoa học, các nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực biến đổi khí hậu (CC). Tôi từng tham gia viết một số cuốn sách quốc tế, và nhiều công trình khoa học đã công bố, trong đó có cuốn Sống với Môi trường Thay đổi – Tổn thương Xã hội, Thích nghi, và Phục hồi ở Việt Nam xuất bản năm 2001 tại London (Living with Environmental Change, Social Vulnerability, Adaptation and Resilience in Vietnam) cùng với các nhà khoa học nổi tiếng W.Neil Adger, P. Mick Kelly.

Để ra cuốn sách này, chúng tôi phải nghiên cứu 10 năm, từ 1991, hợp tác với Đại học East Anglia, và trường Đại học Tổng hợp. Và IPCC biết đến tôi cũng nhờ tôi là một trong vài người Việt Nam đứng ra tổ chức hội nghị quốc tế đầu tiên về CC và mực nước biển dâng ở Việt Nam cách đây 17 năm cùng với Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) và Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục Môi trường&Phát triển (CERED), trong đó có sự tham gia của chuyên gia từ IPCC. Gần đây nhất, tôi còn được mời tham gia viết báo cáo phát triển con người của Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) năm 2007-2008 cũng về chủ đề CC. Đóng góp của tôi trong ấn phẩm mới nhất ấy là về lũ lụt ở Sông Mekong, không chỉ ở Việt Nam.

Tôi được IPCC, hoạt động theo cơ chế độc lập do UNEP và Tổ chức Khí tượng Thế giới (WMO) thiết lập, mời trực tiếp. Tóm lại, đội ngũ các nhà khoa học tham gia viết đều trên tinh thần tự nguyện cống hiến và, nhất là, phải có trình độ.

Ngoài Việt Nam, ông còn được giao viết phần cụ thể nào của Đông Nam Á?

Tôi viết cả về Myanmar, Lào, Campuchia, Thái Lan, Malaysia, và Indonesia. Đầu năm 2005, tôi nhận thư của Ban Thư ký IPCC do GS Martin L. Parry, đồng chủ tịch quyển hai, mời tôi tham gia viết chương châu Á của quyển hai. Giáo sư người Anh này là một trong những khoa học gia hàng đầu thế giới về CC.

Chủ đề của quyển hai là Biến đổi khí hậu - Tác động, thích nghi, và sự nhảy cảm (tổn thương). Chương 10 là chuyên về châu Á. Năm 1991, UNEP xuất bản ấn phẩm “Những tác động kinh tế-xã hội tiềm tàng của biến đổi khí hậu” (The Potential Socio-Economic Effects of Climate Change: a summary of three regional asessment) do TS.Antonio Magalhaes (nghiên cứu về Brazil), tôi (nghiên cứu về Việt Nam) và GS Martin L. Parry của Đại học Oxford - Vương quốc Anh (nghiên cứu về Đông Nam Á) chủ biên.

Việc điều phối các nhà khoa học tham gia viết được thực hiện thế nào, thưa TS?

Tôi không màng lên Wikipedia ảnh 2
TS Nguyễn Hữu Ninh (thứ ba từ phải qua) cùng nhóm tác giả hiệu đính chương châu Á tại hội nghị của IPCC tại Cape Town, Nam Phi

Tổng cộng có bốn cuộc họp trực tiếp tôi có tham gia  từ  đầu năm 2005 đến khi kết thúc vào  năm 2007. Cuộc họp đầu tiên ở Úc tháng 3/2005 kéo dài bốn ngày có sự tham gia của tất cả các tác giả được mời viết trực tiếp. Tại đó, bản thảo số không (zero draft) được đưa ra bàn thảo. Mọi người thảo luận phần nào nên dài, phần nào nên ngắn, số liệu ra sao. Cả thảy có sáu - bảy bản thảo được sửa chữa rất nhiều lần và bản cuối cùng khác rất nhiều bản số không. Hai bản cuối cùng phải lấy ý kiến của chính phủ tất cả các nước thành viên Liên Hợp Quốc.

Phần viết của ông có nhận được ý kiến nào của các chính phủ không? Sự tham gia của ông với tư cách là đại diện cho phía Việt Nam, Chính phủ Việt Nam có biết không?

Chương về châu Á có khoảng trên dưới 100 câu hỏi. Chúng tôi phải tập trung ở Cape Town, Nam Phi, để trực tiếp trả lời câu hỏi của các chính phủ. Tôi không thấy bất cứ câu hỏi nào của Chính phủ Việt Nam về Chương châu Á. Có một câu hỏi của Chính phủ Trung Quốc liên quan đến  tôi. Sau khi nghe tôi giải thích, mọi người nhất trí không thay đổi nội dung.

Việc tôi tham gia viết sách là do IPCC mời trực tiếp chứ không thông qua Chính phủ. Tôi tin chắc Chính phủ, cụ thể là Bộ Tài nguyên & Môi trường (MoNRE), biết rất rõ tôi tham gia. Trong một số hội nghị về CC, một số quan chức phụ trách các dự án liên quan đến CC của MoNRE nói với mọi người rằng tôi chính là người được mời tham gia viết báo cáo của IPCC. Trong một số hội nghị khoa học do cơ quan nhà nước tổ chức và hội nghị quốc tế tại nước ngoài có đại diện của MoNRE và các bộ khác tham dự, tôi cũng  giới thiệu mình trong nhóm tác giả chính đang viết báo cáo đánh giá CC của IPCC.

Quốc Dũng (thực hiện)

MỚI - NÓNG