Xung quanh chuyện vinh danh của Viện Tiểu sử Hoa Kỳ

Danh hiệu còn nhiều nghi vấn

Danh hiệu còn nhiều nghi vấn
TP - Trên thế giới, bên cạnh một vài báo ca ngợi nhân vật nước họ được vinh danh bởi Viện Tiểu sử Hoa Kỳ (ABI), cũng có nhiều báo khác, thậm chí cả Chính phủ Úc nghi ngờ tính chất của viện này.

>> Kỳ 1

Báo The Age của Úc đưa tin ngày 27/8/2004, một tổ chức được gọi là Viện Tiểu sử Hoa Kỳ thông báo với Nghị sỹ Đảng Lao động của Úc Tony Robinson rằng ông sẽ nhận được một bằng chứng nhận đề cử danh hiệu “Nhân vật của năm” trong năm 2004 nếu ông chịu trả 195 USD.

Ngay sau đó, Bộ trưởng Bộ Bảo vệ Người tiêu dùng Úc John Lender được yêu cầu điều tra hoạt động của viện này. Bộ trưởng John Lender nói rằng Bộ Bảo vệ Người tiêu dùng Úc biết rõ những trò kiểu này và khuyên dân Úc nên lờ đi khi nhận những bức thư mời bầu chọn như vậy.

WA ScamNet, website của Cục Bảo vệ Việc làm&Người Tiêu dùng của Úc, cũng cảnh báo nhân dân đừng làm “kẻ ngốc của năm” (chơi chữ, đối lập với tên giải thưởng “nhân vật của năm” của ABI) khi tin vào những luận điệu của ABI.

Ủy viên của bộ phận bảo vệ người tiêu dùng (Consumer Protection Commissioner) Patrick Walker được viện này yêu cầu trả 395USD cho huân chương tưởng niệm cho danh hiệu “Huân chương thế giới vì tự do” (The World Medal of Freedom). “Huân chương này không nên miễn phí sao? Sao lại phải trả tiền để nhận huân chương của mình?” - WA ScamNet bình luận.

Tờ báo Tribune của Ấn Độ cũng đồng tình với ý kiến trên trong bài phân tích “Giải thưởng gã khờ của năm”. Bài báo cho rằng, ABI mang tính chất thương mại hơn là nghiên cứu học vấn (scholarly).

Danh hiệu còn nhiều nghi vấn ảnh 1 Danh hiệu, huy chương ấy làm gì có nơi nào thừa nhận. Theo tôi được biết, ở Việt Nam, chỉ có hai Bộ là Bộ GD&ĐT và Bộ Khoa học & Công nghệ có quyền công nhận. Và cho đến nay, hai bộ này vẫn chưa có phát biểu gì. ABI và IBC tôi đã biết từ lâu. 

Bạn bè tôi nhận được rất nhiều thư mời nhận danh hiệu của hai tổ chức này, cũng có một số ít đã nhận. Tôi cho rằng những người nhận danh hiệu bầu chọn không chú ý và bị mắc lừaDanh hiệu còn nhiều nghi vấn ảnh 2 - Ông Lê Văn Giạng

Bình luận về việc này, báo Kẻ Hoài nghi (The Skeptic) của Úc, số 2 mùa đông năm 2007, cho biết : “Hai tổ chức này (Viện Tiểu sử Hoa Kỳ (ABI) và Trung tâm Tiểu sử Quốc tế Anh (IBC) – PV) không đưa ra một danh sách giải thưởng cố định và cũng không xuất bản tiêu chí giải thưởng.

Không thể không nghi ngờ chúng tồn tại để nuôi dưỡng sự cả tin và danh hão (vanity)”.

ABI có số lượng giải thưởng khá lớn và giá mỗi kỷ niệm cho một giải đều không nhỏ. Giá cuốn sách “Những trí tuệ lớn thế kỷ 21” dày 444 trang (tính cả trang bìa), vị giáo sư hàng đầu trong lĩnh vực răng - hàm - mặt ở Việt Nam, cho biết: “Hồi ấy tôi mua gần 200 USD nhưng không nhớ con số chính xác. Tôi không thấy cái giá này là quá đắt”.

Nếu tạm tính mỗi người vinh danh chỉ mua sách chứ không mua kỷ niệm chương, huy chương như giáo sư, với riêng danh sách này, ABI có thể thu hơn 90.000 USD/năm.

Chúng tôi mang những nghi vấn trên hỏi ông Carol Mitchell, người đại diện cho J.M.Evans - Chủ tịch ABI - trả lời email của BS Đỗ Gia Cảnh. Hơn ba tháng trôi qua, không rõ do trục trặc khâu nào mà chúng tôi vẫn chưa nhận được hồi âm.

Tìm tên ABI trong Raleigh.com - website hướng dẫn thành phố Raleigh, nơi đặt trụ sở của ABI, thì thấy viện này được xếp vào danh sách doanh nghiệp, dịch vụ marketing.

Còn những danh hiệu do ABI bầu chọn, ở một số website trong và ngoài nước, phần nhiều được sử dụng vào việc đánh bóng chủ nhân website nhằm tạo thuận lợi trong kinh doanh. Nghiên cứu trên mạng về giải thưởng của ABI, những tấm huy chương kỷ niệm hay chứng chỉ từ ABI hầu hết được dùng để khuếch trương thương hiệu cho doanh nghiệp.

Trong website http://www.esdlt.com quảng bá dịch vụ môi trường của Daniel L. Theobald, ông này cũng đưa lên giấy ghi nhận đóng góp cho môi trường từ Trung tâm Tiểu sử Quốc tế Anh (IBC), chứng nhận đề cử “Nhân vật của năm 2004” của ABI…

Ở Việt Nam, nhiều trí thức đã lên tiếng về việc loạn danh hiệu kiểu này và cho đó là “nghệ thuật kinh doanh học vị”. Nhưng dường như ít người chú ý. GS.TS Nguyễn Lân Dũng, Đại biểu Quốc hội Khóa XII, đánh giá: “Các viện này chẳng có uy tín gì đâu. Bạn nộp tiền sẽ được vinh danh thôi”.

Các danh hiệu trích ngang của BS Lai Công Hiệp, vị bác sỹ thu phí phẫu thuật 4.000 USD và làm biến dạng khuôn mặt một phụ nữ Nhật, bao gồm “Huy chương danh dự nước Mỹ” (American Medal of Honor), có tên trong danh sách “Những trí tuệ lớn thế kỷ 21” do Viện Tiểu sử Hoa Kỳ (ABI) bầu chọn vì “Những đóng góp vô giá đối với kho tàng tri thức và khoa học của nhân loại”; có tên trong từ điển tiểu sử quốc tế (Dictionary of International Biography) - đã xuất bản lần thứ 34 và được chào giá 335 USD; được nhà xuất bản Hoa Kỳ Maquis Who’s Who ghi tên vào cuốn sách danh nhân thế giới 2004 (Who’s Who in the World 2004) - cuốn sách mới đến vần H đã dài đến trang 989.

Những danh hiệu này được trưng trên website của thẩm mỹ viện Việt – Mỹ (http://www.vcosmeticsurgery.com) - thẩm mỹ viện của BS Hiệp.

ABI, IBC và Maquis Who’s Who - những tổ chức vinh danh BS Lai Công Hiệp, đều từng bị báo chí nước ngoài lên tiếng phê phán, nhiều nhất là ABI và IBC. Hai tổ chức này có cách thức hoạt động bình bầu và kinh doanh sách, kỷ niệm chương khá giống nhau.

Theo thống kê chưa đầy đủ trên Wikipedia, “Những trí tuệ lớn thế kỷ 21”, “Huy chương vàng vì nước Mỹ” hay “Nhân vật của năm” chỉ là ba trên tổng số 39 danh sách bình bầu thường niên hoặc không thường niên của ABI. Với Trung tâm IBC, con số này lên tới 65.

MỚI - NÓNG
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPHCM 24/7: Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn bị tịch thu bao tiền? Thuận An nói về 2 gói thầu ở TPHCM
TPO - Người tự nhận có thể cầu mưa cho TPHCM nhận lỗi; Cựu cục trưởng Đỗ Thị Nhàn phải nộp thêm 400.000 USD và 100 triệu đồng; Nam thanh niên trộm chó trong tích tắc; Siêu tàu cao tốc từ TPHCM - Côn Đảo chính thức hoạt động; Đốn hạ hơn 400 cây xanh để làm tuyến Metro số 2,... là những tin tức đáng chú ý tại TPHCM tuần qua.