Kỹ thuật giảm chấn trên mũi tên thời Đồ đá

Kỹ thuật giảm chấn trên mũi tên thời Đồ đá
Đường rãnh trên mũi tên đá thời cổ đại giúp chúng ít bị vỡ khi va chạm, được coi là bước đột phá công nghệ thời Đồ đá.

Nghiên cứu mới đây của Metin Eren, giáo sư 34 tuổi chuyên ngành khảo cổ học thực nghiệm tại Đại học bang Kent, Mỹ, cho thấy những đường rãnh trên phần đầu mũi tên của cư dân Bắc Mỹ thời Đồ đá là kỹ thuật chế tác vũ khí tiên tiến, AP ngày 13/7 đưa tin.

Đầu những năm 1900, các nhà khảo cổ tìm thấy nhiều mũi tên đá ở Bắc Mỹ với các đường rãnh kỳ lạ được khắc từ nửa thân kéo dài tới mũi. Nhiều giả thuyết được đặt ra để giải thích cho các đường rãnh này, trong đó một số nhà nghiên cứu cho rằng chúng chỉ là họa tiết trang trí hoặc phục vụ nghi thức tôn giáo.

Eren tạo ra bản sao của mũi tên đá cổ đại để nghiên cứu trong phòng thí nghiệm. Dùng máy nghiền kiểm tra áp lực làm vỡ đầu mũi tên kết hợp các mô hình máy tính, Eren phát hiện các đường rãnh có tác dụng như bộ phận giảm chấn, giúp mũi tên ít bị gãy khi bắn vào mục tiêu.

Kỹ thuật này cho phép đầu mũi tên khó gãy hơn do đường rãnh có thể hấp thu năng lượng từ va chạm. "Đây là phát minh đầu tiên của các cư dân Bắc Mỹ", Eren nói. "Dù sống ở thời Đồ đá, cách tư duy của họ vẫn thật hiện đại".

Kỹ thuật chế tác vũ khí này xuất hiện lần đầu tiên hơn 13.000 năm trước và nhanh chóng lan khắp lục địa Bắc Mỹ.

"Điều khiến tôi ấn tượng là phải dùng đến công nghệ của thế kỷ 21 chúng ta mới khám phá được điều những người sống cách đây 11-12 nghìn năm đã biết", Eren nói thêm.

Bằng cách cải tiến vũ khí, những cư dân cổ đại này học cách thích ứng với môi trường sống mới. "Họ biết họ đang đi vào một lãnh thổ mới và do đó được trang bị cực tốt về mặt công nghệ", Eren nói.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG