Kỹ thuật “ngủ đông” cứu sống bệnh nhân ngừng tuần hoàn

TS Hoàng Bùi Hải (bên trái) thăm bệnh nhân khi đã hồi phục. Ảnh: PV.
TS Hoàng Bùi Hải (bên trái) thăm bệnh nhân khi đã hồi phục. Ảnh: PV.
TP - Lần đầu tiên các bác sĩ khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực (Bệnh viện ĐH Y Hà Nội) vừa cứu sống một bệnh nhân ngừng tuần hoàn trước khi đến viện bằng kỹ thuật hạ thân nhiệt chỉ huy.

Bác sĩ Vũ Việt Hà, Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực cho biết, bệnh nhân nhập viện trong tình trạng ngừng tuần hoàn từ trước đó nên khi xe taxi chở bệnh nhân vừa đến bệnh viện, lập tức được ép tim ngoài lồng ngực, bóp bóng, sốc điện phá rung, dùng thuốc xylocain. Sau 20 phút cấp cứu liên tục bệnh nhân đã có tuần hoàn trở lại và tiếp tục được đặt ống nội khí quản, thở máy.

Kết quả điện tim, chụp mạch vành cho thấy, bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim trước rộng, tắc hoàn lỗ vào động mạch vành trái do huyết khối. Các bác sĩ đã hút huyết khối và đặt 1 stent cho bệnh nhân. Can thiệp tái thông mạch vành thành công, bệnh nhân có cơ hội sống nhưng não của bệnh nhân có giữ được chức năng hay không thì chưa có câu trả lời. Vì sau 6 phút ngừng tuần hoàn, não có thể bị tổn thương không hồi phục. Đây là điều làm các bác sĩ hồi sức cấp cứu trăn trở.

Các bác sĩ Bệnh viện ĐH Y Hà Nội đã xin ý kiến hội chẩn của PGS.TS Nguyễn Đạt Anh, Trưởng Bộ môn Hồi sức Cấp cứu, Trưởng khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai). PGS.TS Nguyễn Đạt Anh khuyên nên làm hạ thân nhiệt chỉ huy sớm để bảo vệ não cho bệnh nhân. Ngay sau đó một kíp bác sĩ, kỹ thuật viên của khoa Cấp cứu A9, cùng với máy đã được huy động sang hỗ trợ đặt máy và hướng dẫn theo dõi, sử dụng máy hạ thân nhiệt cho bệnh nhân. Nhiệt độ trung tâm của bệnh nhân được hạ xuống đến đích là 33 độ C (thân nhiệt bình thường là 37 độ C) với mục đích bảo vệ não bộ, tránh phù não, bảo vệ tế bào não tránh bị hủy hoại do bệnh nhân thiếu oxy do ngừng tuần hoàn.

Sau 8 ngày hồi sức tích cực bệnh nhân đã tỉnh táo hoàn toàn, dừng thuốc nâng huyết áp, bỏ máy thở hỗ trợ, rút ống nội khí quản, sức khỏe ổn định, nói chuyện bình thường. Đặc biệt bệnh nhân không có bất cứ di chứng thần kinh nào.

Bác sĩ, TS.Hoàng Bùi Hải, Trưởng khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực cho biết, bị ngừng tuần hoàn trước khi đến viện do nhồi máu cơ tim và hồi phục hoàn toàn như trường hợp này là rất may mắn, khi thời gian ngừng tuần hoàn không xác định được. Thành công của ca cấp cứu là do sự phối hợp nhuần nhuyễn kỹ thuật cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản chất lượng cao của đội ngũ nhân viên tiếp cận ban đầu, cùng với sự nỗ lực của toàn bộ kíp cấp cứu, hồi sức tích cực và sự hợp tác chặt chẽ kịp thời của các bác sĩ chuyên khoa tim mạch và đặc biệt là sự hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật hạ thân nhiệt từ khoa Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai.

TS.Hoàng Bùi Hải cho biết thêm, hạ thân nhiệt là kỹ thuật được khuyến cáo dùng để bảo vệ não cho những bệnh nhân ngừng tuần hoàn, bởi lúc này não thiếu oxy nuôi dưỡng dẫn đến bị phù, nếu như không có cách bảo vệ não tốt thì bệnh nhân nguy cơ tử vong cao. Hoặc nếu được cứu sống thì thường bị di chứng như sa sút trí tuệ, hôn mê nằm tại chỗ, sống thực vật. Kỹ thuật hạ thân nhiệt giống như cho bệnh nhân “ngủ đông” để giảm quá trình chuyển hóa của não, giúp tế bào não chịu đựng được tốt hơn tình trạng thiếu oxy não.

Trong quá trình hạ thân nhiệt phải liên tục kiểm tra các thông số để phát hiện sớm các biến cố có thể xảy ra như: rối loạn nhịp tim, tụt huyết áp, rối loạn điện giải… Sau 24 giờ hạ thân nhiệt và duy trì ổn định thân nhiệt cho bệnh nhân. Tiếp đó là quá trình nâng thân nhiệt duy trì ở mức tăng 0,15độ/giờ, và không tăng quá nhanh vì có thể gây các biến chứng như bị rối loạn nhịp tim và ngừng tuần hoàn trở lại. Kỹ thuật này cũng được khuyến cáo có thể dùng cho các bệnh nhân bị chấn thương sọ não nặng, phù não nặng nhằm giảm áp lực trong não.

Kỹ thuật hạ thân nhiệt là gì?

Sau khi bị ngừng tim, bệnh nhân đã được cấp cứu thành công, tim đã đập trở lại, có mạch và huyết áp nhưng vẫn không tỉnh. Tại khoa Cấp cứu A9 (Bệnh viện Bạch Mai), nơi đầu tiên trong cả nước ứng dụng kỹ thuật tiên tiến này, các bác sĩ đã sử dụng kỹ thuật hạ thân nhiệt nội mạch, với một thiết bị hạ thân nhiệt đặc biệt, bác sĩ sẽ đưa một ống thông chuyên biệt vào mạch máu của bệnh nhân và từ đó tiến hành hạ thân nhiệt điều trị. Thông thường quá trình điều trị sẽ đưa nhiệt độ cơ thể của bệnh nhân xuống 33 độ (ở người bình thường 36,5 - 37 độ). Sau đó máu sẽ duy trì ở nhiệt độ này trong vòng 24 giờ để giúp cho các tế bào não hồi phục. Sau 24 giờ, máy sẽ làm ấm bệnh nhân theo chương trình rất chặt chẽ nâng dần nhiệt độ bệnh nhân 0,25 độ/giờ cho tới khi đạt nhiệt độ bình thường. Khi nhiệt độ bệnh nhân hạ xuống, não sẽ bớt phù hơn, bớt viêm và tưới máu não, cung cấp oxy tốt hơn, cải thiện tình trạng độc tế bào não từ đó các tế bào não sẽ hồi phục rất ngoạn mục.

MỚI - NÓNG