Làm lộ thông tin, nhà mạng bị truy cứu trách nhiệm hình sự?

Có khoảng 120 triệu thuê bao sẽ phải gửi lại ảnh chân dung cho doanh nghiệp viễn thông. Ảnh: Hồng Vĩnh.
Có khoảng 120 triệu thuê bao sẽ phải gửi lại ảnh chân dung cho doanh nghiệp viễn thông. Ảnh: Hồng Vĩnh.
TP - Tất cả các thuê bao di động đều phải gửi lại ảnh chân dung cho nhà mạng. Đây là quy định mới trong Nghị định 49/NĐ-CP mới được ban hành đang gây tranh cãi. Nghị đinh này cũng quy định doanh nghiệp viễn thông nếu tiết lộ thông tin cá nhân của người sử dụng có thể bị truy cứu hình sự.

Ba cách thức bổ sung ảnh

Theo quy định của Nghị định 49,  trong vòng 12 tháng kể từ ngày Nghị định có hiệu lực (24/4/2018), doanh nghiệp viễn thông di động có trách nhiệm rà soát các thuê bao di động đang sử dụng dịch vụ của mình. Với thuê bao đăng ký thông tin không chính xác sẽ phải thực hiện lại việc đăng ký thông tin thuê bao gồm số thuê bao, hình thức thanh toán, họ và tên nhân viên giao dịch, các thông tin như họ và tên, ngày tháng năm sinh, quốc tịch, ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng…

Đối với các thuê bao di động mà doanh nghiệp viễn thông đã đăng ký chính xác thì doanh nghiệp phải bổ sung ảnh chụp và có trách nhiệm trích xuất, tự cập nhật lại thông tin thuê bao cho phù hợp với quy định.

Theo bà Lê Thị Ngọc Mơ, Phó cục trưởng Cục Viễn thông, Bộ TT&TT, với các trường hợp này, dù có ảnh trong chứng minh thư nhân dân đã đăng ký trước đây cũng phải bổ sung ảnh mới. Trong trường hợp đã đăng ký đầy đủ thông tin thuê bao gồm cả ảnh chân dung khi đăng ký thuê bao đầu tiên thì khi đăng ký thêm thuê bao khác  vẫn phải chụp lại ảnh.

Cũng theo bà Mơ, doanh nghiệp sẽ có 3 cách thức lấy ảnh gồm việc đến gặp trực tiếp khách hàng để bổ sung thông tin, tổ chức các điểm lưu động tại các khu dân cư đông người, tòa nhà chung cư, ủy ban nhân dân xã phường, trường học, bệnh viện, chợ phiên. Ba là khách hàng đến các điểm giao dịch để bổ sung thông tin.

Trong vòng 12 tháng, doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn để thuê bao di động trả trước tự kiểm tra được thông tin thuê bao của mình trên trang thông tin điện tử của doanh nghiệp hoặc nhắn tin theo cú pháp TTTB gửi 1414, gửi lại bản tin thông báo cho cá nhân, tổ chức biết tối thiểu các thông tin gồm họ tên, ngày sinh, số, nơi cấp giấy tờ tùy thân, danh sách các số thuê bao mà cá nhân đang sử dụng (đối với thuê bao là cá nhân), tên tổ chức, số giấy chứng nhận pháp nhân (đối với thuê bao là tổ chức).

Phương thức kiểm tra phải bảo đảm bí mật thông tin cho người sử dụng theo nguyên tắc là cá nhân, tổ chức chỉ kiểm tra được thông tin của số thuê bao của mình, không kiểm tra được thông tin của các thuê bao khác. Theo bà Mơ, trong trường hợp không bổ sung đầy đủ thông tin, gồm cả ảnh chân dung, thuê bao có thể bị cắt liên lạc.

Theo thống kê của Cục Viễn thông, Việt Nam có khoảng 120 triệu thuê bao. Với quy định này, tất cả các thuê bao sẽ phải gửi lại ảnh chân dung cho doanh nghiệp viễn thông.

Nhà mạng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự nếu làm lộ thông tin

Lý giải về việc vì sao thuê bao phải chụp ảnh chân dung? Cục Viễn thông cho biết, trong bối cảnh dịch vụ viễn thông di động đang có ảnh hưởng sâu rộng trong mọi hoạt động của nền kinh tế, xã hội thì việc có được một cơ sở dữ liệu thông tin thuê bao đầy đủ và đúng qui định là vô cùng cần thiết để phục vụ công tác bảo đảm an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội cũng như quyền lợi của mỗi người dân.

Trên thế giới, hầu hết các quốc gia đều rất coi trọng và có những qui định quản lý nghiêm ngặt công tác quản lý thông tin thuê bao. Những quốc gia đã phát triển như Mỹ, Đức, Nhật đã thiết lập hệ thống cơ sở dữ liệu thông tin cá nhân điện tử. Mỗi khi thực hiện đăng ký thông tin thuê bao, người dân cần xuất trình giấy tờ để doanh nghiệp đối chiếu, xác nhận trên hệ thống này.

Ở các nước đang phát triển như Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan, Ả rập Xê út, Bangladesh đã yêu cầu triển khai hệ thống nhận diện vân tay của người đến đăng ký thông tin thuê bao. Một số quốc gia như Nigeria, ngoài áp dụng hệ thống nhận diện vân tay thì cũng yêu cầu chụp ảnh các cá nhân đến đăng ký thuê bao.

Một lý do khác được Cục Viễn thông nêu ra là ở nước ta những năm qua mặc dù đã có các qui định quản lý thông tin thuê bao rất chặt chẽ. Tuy nhiên, tính đến đầu năm 2016 thì thông tin của hơn 80 triệu thuê bao di động trong tổng số gần 120 triệu thuê bao di động là sai.

Thông tin sai ở rất nhiều dạng khác nhau, từ tên tuổi ngày tháng năm sinh hoặc số CMND sai, cho đến bản chụp CMT giả và đặc biệt rất nhiều CMTND của người này được gán cho số điện thoại của người khác. Vì vậy, việc bổ sung thêm ảnh chụp người trực tiếp đến giao kết hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.

 Ảnh chụp người đến trực tiếp sẽ là bằng chứng xác thực nhất để bảo đảm đúng người, đúng thời gian thực hiện, tránh được tình trạng các điểm cung cấp dịch vụ viễn thông cố tình sử dụng giấy tờ của một cá nhân để đăng ký thông tin thuê bao cho các SIM thuê bao khác (mà cá nhân đó không biết) trong khi doanh nghiệp chưa có đủ công cụ để phát hiện như đã xảy ra trong thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh Nghị định 49/2017/NĐ-CP đã bỏ quy định về giới hạn số SIM thuê bao.

Nói về tính khả thi của quy định, Cục Viễn thông cho biết, so với yêu cầu lấy vân tay của một số nước, thì qui định này tạo điều kiện cho doanh nghiệp và người dân rất nhiều, vì  việc đầu tư thiết bị và qui trình lấy, lưu trữ dấu vân tay phức tạp hơn nhiều so với việc chụp ảnh. Từ góc độ doanh nghiệp, qui định này là hoàn toàn khả thi vì việc chụp ảnh rất dễ dàng, đơn giản và nhanh gọn, chỉ cần sử dụng điện thoại thông minh, iPad, webcam, hoặc camera phù hợp.

Quy định này có gây phiền hà cho người dân? Theo Cục Viễn thông, đây là một qui định mới, có thể bước đầu một số người có thể phản ứng vì nói rằng có liên quan đến quyền riêng tư.  Tuy nhiên trong thực tế, việc xuất trình CMTND để làm thẻ và ảnh chụp để kiểm soát cũng đã và đang được xã hội dần dần chấp nhận. Tất cả chỉ là thói quen và nếu được truyền thông tốt thì người dân sẽ  hợp tác.

Vậy bí mật thông tin của người dùng sẽ được đảm bảo như nào? Theo Cục Viễn thông, trách nhiệm của doanh nghiệp viễn thông trong việc bảo đảm an toàn và bí mật thông tin thuê bao trong đó có ảnh chụp đã qui định trong Nghị định 49 này, trong Luật An toàn thông tin mạng và trong Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13/11/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện.

Doanh nghiệp viễn thông nếu tiết lộ thông tin cá nhân của người sử dụng dịch vụ viễn thông sẽ bị phạt tiền từ 30-50 triệu đồng; nếu mua bán hoặc trao đổi thông tin cá nhân sẽ bị phạt tiền từ 50-70 triệu đồng, và tùy theo mức độ vi phạm, có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo qui định của Bộ luật Hình sự.

Theo thống kê của Cục Viễn thông, Việt Nam có khoảng 120 triệu thuê bao. Với quy định này, tất cả các thuê bao sẽ phải gửi lại ảnh chân dung cho doanh nghiệp viễn thông.

Nghị định 49/2017/NĐ-CP là Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 15 của Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông và Điều 30 của Nghị định số 174/2013/NĐ-CP ngày 13 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện. Nghị định do Cục Viễn thông (Bộ Thông tin và Truyền thông) phối hợp với các đơn vị liên quan chắp bút.

MỚI - NÓNG