Liên lạc dạng số giành giải nhất cuộc thi công nghệ 'cứu ngư dân'

Liên lạc dạng số giành giải nhất cuộc thi công nghệ 'cứu ngư dân'
TPO - Với giải pháp liên lạc dạng số, nhóm tác giả đến từ Phòng nghiên cứu không gian FSpace, Trường Đại học FPT giành giải nhất Cuộc thi tìm kiếm giải pháp công nghệ cứu ngư dân trước thảm họa bão.

Đây là cuộc thi tìm kiếm giải pháp công nghệ của Tập đoàn Hàng không Vũ trụ và Quốc phòng Châu Âu (EADS) lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Tham gia cuộc thi gồm các đơn vị đến từ các trường đại học, viện nghiên cứu trong cả nước.

Cuộc thi được khởi động từ tháng 10-2011. Các đội tham gia phải trải qua hai vòng thi: vòng một viết đề án gửi qua mạng cho ban tổ chức duyệt; vòng hai thuyết trình và bảo vệ ý tưởng tại văn phòng EADS tại Hà Nội.

Chủ đề cuộc thi đưa ra khuyến khích các tác giả tìm kiếm giải pháp công nghệ để giảm thiểu thiệt hại về người cho ngư dân trước thảm họa bão.

Sau khi tìm hiểu, phân tích thông tin, dựa trên các kết quả thực nghiệm về liên lạc tầm xa trên băng tần HF (dựa vào phản xạ tầng điện li) và qua phản xạ bề mặt Mặt Trăng, nhóm nghiên cứu không gian FSpace (Viện nghiên cứu công nghệ FPT) đưa ra giải pháp liên lạc dạng số (digital communication) cho các tàu cá với các trạm bờ trên băng tần HF và kênh liên lạc dự phòng thông qua chùm vệ tinh nhỏ trên băng tần VHF/UHF.

Điểm độc đáo của giải pháp công nghệ này là việc tận dụng tối đa các trang thiết bị liên lạc hiện có trên tàu cá, duy trì phương thức đàm thoại SSB truyền thống và bổ sung phương thức điều chế tín hiệu số tiên tiến có độ tin cậy cao (có thể giải điều chế tín hiệu với hệ số SNR rất thấp tới -29dB), sử dụng băng thông rất nhỏ (cỡ 6Hz) đồng thời hỗ trợ đa truy cập cho tối đa 30,000 tàu cá.

Thiết bị đầu cuối lắp trên tàu cá có tính năng tự động thu thập các bản tin dự báo thời tiết hay dự đoán đường đi của bão và tự động cảnh báo giúp ngư dân tránh nạn, cũng như tự động phát tín hiệu cấp cứu về bờ và các tàu xung quanh trong trường hợp khẩn cấp.

Bên cạnh đó, ý tưởng thiết kế chùm vệ tinh nhỏ (nano-satellite) với khối lượng 3kg làm nhiệm vụ trung chuyển các gói tin cũng như giám sát hoạt động tàu biển cũng được ban giám khảo đánh giá cao.

Quan trọng hơn cả chính là các kỹ sư trẻ và sinh viên Việt Nam có thể tự đứng ra đảm nhận công việc thiết kế và triển khai ý tưởng.

Nhóm FSpace và Ban tổ chức
Nhóm FSpace và Ban tổ chức.

Ngày 7-2 nhóm tác giả đến từ Phòng nghiên cứu không gian FSpace, Viện Nghiên cứu Công nghệ FPT, Trường Đại học FPT giành giải thưởng cao nhất của cuộc thi lần này gồm 4.000 USD, quà tặng đặc biệt của EADS và một chuyến đi Singapore cho cả nhóm để tham dự Lễ trao giải diễn ra trong khuôn khổ Triển lãm hàng không (airshow) Singapore vào ngày 14-2 tới.

Nhóm có 3 thành viên là anh Vũ Trọng Thư – Trưởng nhóm và hai thành viên còn rất trẻ là Phạm Quang Hưng (sinh viên năm cuối ngành Kỹ nghệ phần mềm Trường ĐH FPT) và Đào Văn Thắng (sinh viên năm thứ 3 ngành Kinh tế đối ngoại Trường ĐH Ngoại Thương) cũng được mời tới thăm quan trung tâm nghiên cứu “EADS Innovation Works” tại Singapore và tìm hiểu về các công việc ở đây để tìm kiếm cơ hội hợp tác trong tương lai.

Trước thực tế mỗi năm có hàng trăm ngư dân Việt Nam bị thiệt mạng sau mỗi mùa mưa bão, Tập đoàn Hàng không Vũ trụ và Quốc phòng Châu Âu (EADS) đã tổ chức Cuộc thi tìm kiếm giải pháp công nghệ cứu ngư dân trước thảm họa bão như một trong những nỗ lực dùng công nghệ để giảm thiểu thảm kịch này mỗi năm.

Tháng 10-2011, lần đầu tiên cuộc thi chính thức được khởi động tại Việt Nam, mở đầu cho chuỗi 3 cuộc thi về chủ đề này mà EADS sẽ tổ chức liên tiếp trong 3 năm 2011, 2012, 2013.

Cuộc thi đầu tiên nhằm vào các giải pháp giúp cảnh báo sớm ngư dân về các cơn bão. Cuộc thi thứ hai (năm 2012) hướng tới các giải pháp nhằm giúp ngư dân tránh bão sau khi đã có cảnh báo. Cuộc thi thứ ba (năm 2013) sẽ đưa ra các thử nghiệm thực tế dựa vào các giải pháp tích hợp từ các cuộc thi trước đó.

Theo Viết
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.