Lơ là quản lý nguồn phóng xạ: Trộm cắp, bán đồng nát

Ông Cấn Văn Minh - Phó Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân. Ảnh: Nguyễn Hoài.
Ông Cấn Văn Minh - Phó Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân. Ảnh: Nguyễn Hoài.
TP - Ông Cấn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân - Bộ KH&CN cho biết, Việt Nam hiện có gần 8.000 nguồn phóng xạ, sắp tới sẽ được gắn chip định vị. Theo ông, khi nguồn phóng xạ thất lạc, lỗi lớn nhất là ở các cơ sở sử dụng.

Thưa ông, Việt Nam hiện có bao nhiêu nguồn phóng xạ, chúng được quản lý như nào?

Theo thống kê của Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân có hơn 6.000 nguồn phóng xạ các loại đã được cấp phép sử dụng tại Việt Nam. Ngoài ra, còn 1.867 nguồn không còn sử dụng đang được lưu giữ tại cơ sở hoặc được chuyển đến cơ sở làm dịch vụ để lưu giữ lâu dài.

Các nguồn phóng xạ ở Việt Nam được quản lý rất chặt chẽ theo Thông tư 23/2010 của Bộ KH&CN hướng dẫn bảo vệ an ninh nguồn phóng xạ. Muốn sử dụng nguồn phóng xạ, phải lập hồ sơ xin cấp phép lên Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân. Với các nguồn phóng xạ lớn, phải thành lập hội đồng đánh giá, thẩm định, sau đó cấp phép sử dụng. Nhân viên sử dụng nguồn phóng xạ cũng phải được cấp phép. Cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ phải thực hiện các yêu cầu trong giấy phép từ vận chuyển, lưu trữ, sử dụng, bảo quản theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật. Mỗi năm, thanh tra của Cục An toàn Bức xạ và Hạt nhân thanh tra, kiểm tra khoảng 100 cơ sở có nguồn phóng xạ. Một số cơ sở vi phạm đã bị xử lý với những lỗi như: vi phạm về vận chuyển, bảo quản, tháo dỡ.

Sẽ gắn chip định vị

Quản lý chặt vậy, sao những năm qua xảy ra nhiều vụ thất lạc như ở Cty Cổ phần Xi măng Việt Trung, Cty Cổ phần Xi măng Sông Đà, Cty TNHH APAVE châu Á - Thái Bình Dương và nay là vụ thất lạc tại Nhà máy Thép Pomina ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu?

Lỗi lớn nhất là ở các cơ sở sử dụng nguồn phóng xạ. Họ thực hiện chưa nghiêm các quy định của Nhà nước về an toàn phóng xạ, nhất là các cơ sở ở xa. Một mặt họ cam kết thực hiện nhưng mặt khác lại làm ẩu, như vụ thất lạc ở TPHCM. Lẽ ra khi di chuyển phải đặt trong thùng kẽm. Hết giờ làm việc phải cất trong hòm nhưng lại để tơ hơ, kẻ trộm tưởng máy nước nên ăn cắp bán cho đồng nát với giá 250.000 đồng trong khi giá của nguồn phóng xạ này là 300 triệu đồng. Rất may là tìm lại được.

Ngoài trách nhiệm của cơ sở sử dụng, có trách nhiệm của cơ quan quản lý khi để thất lạc những nguồn phóng xạ nguy hiểm?

Cơ quan quản lý cũng phải chịu trách nhiệm liên đới trong việc để thất lạc. Chúng tôi đang tăng cường quản lý nguồn phóng xạ như sửa đổi Thông tư 23. Trong đó có quy định mới như lắp đặt chip vào các nguồn phóng xạ. Chip có khả năng định vị và đo nồng độ phóng xạ và di chuyển ra sao sẽ nắm được. Dự kiến, Thông tư 23 sửa đổi sẽ được ban hành trong tháng 4. Bộ KH&CN vừa có văn bản báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ về vụ thất lạc nguồn phóng xạ tại Nhà máy Thép Pomina, tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu. 

Cảm ơn ông.

Người buôn đồng nát nộp một thanh phóng xạ

Theo nguồn tin của Tiền Phong, cách đây một năm, một thanh niên kinh doanh đồng nát (ve chai) đã tự nguyện giao nộp một thanh uranium nghèo, hoạt độ thấp. Đại diện Sở KH&CN TPHCM cho biết, người này phát hiện trong đống phế liệu có thanh sắt với dấu hiệu khác lạ nên đem đến phòng thí nghiệm của một trường thử. Phát hiện đó là thanh uranium nghèo nên anh này chủ động giao nộp.

 Trường Điền

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.