Lưu ý khi cập nhật hệ điều hành smartphone

Lưu ý khi cập nhật hệ điều hành smartphone
Việc cập nhật phần mềm sẽ giúp khắc phục những điểm yếu trước đó của máy, nhưng có vẻ như các bản cập nhật gần đây đang có chiều hướng làm cho máy hoạt động tệ hơn.

Người dùng chờ đợi nhiều ngày, nhiều tuần, thậm chí là cả năm đối với một số sản phẩm chạy Android, để được cập nhật các phiên bản hệ điều hành mới. Kết quả thực tế ra sao?

Thực tế đáng buồn

Bản cập nhật đó đầy những lỗi. Và rồi, bạn ước mình có thể quay trở lại phiên bản cũ. Trong một vài trường hợp, điều này là có thể, sau khi bạn lục tung mạng Internet, truy cập diễn đàn này, website kia để tải các công cụ cần thiết. Nhưng đôi khi, đây lại là việc bất khả thi (như trường hợp của hệ điều hành iOS), và bạn phải sống chung với sự khó chịu đó một thời gian dài, trước khi xuất hiện bản cập nhật tiếp theo.

Giao diện Android 5.0 trên một chiếc Nexus 5. Ảnh: Androidpit.
Giao diện Android 5.0 trên một chiếc Nexus 5. Ảnh:Androidpit.

Phiên bản Android Lollipop mới nhất của Google, dù mới chỉ được phát hành cho các thiết bị Nexus, nhưng theo phản ánh của một số người, máy của họ chạy chậm đi trông thấy. Nhiều ứng dụng bị đóng bất thường, máy chạy kém ổn định. 

Vấn đề là, không một ai chia sẻ cho bạn trước về những thông tin này, bởi trong các màn thử nghiệm trước đó, người ta mải mê nói về thiết kế siêu phẳng Material Design của Lollipop, về thanh thông báo mới, về tất cả những tính năng hấp dẫn của nền tảng này. Họ chia sẻ sự háo hức về việc muốn cập nhật nền tảng này càng sớm càng tốt.

Những người dùng có kinh nghiệm có thể tìm ra cách để khắc phục lỗi bằng cách chỉnh sửa cài đặt, xóa các ứng dụng lỗi, nhưng khi mà các thiết bị, phần mềm hướng đến người dùng phổ thông, không phải ai cũng tìm ra những cách thức đó.

Những người dùng lớn tuổi không có xu hướng thử tắt hiệu ứng dịch chuyển trên Android Lollipop để xem chiếc Nexus 7 của họ có chạy mượt hơn hay không. Thay vào đó, họ tìm cách ném nó đi và tìm đến một sự thay thế, chẳng hạn mua một chiếc iPad.

Tuy nhiên, Apple cũng không khá khẩm hơn.

iOS 8 được coi là nền tảng tệ nhất trong lịch sử của hãng sản xuất có logo hình quả táo. Không chỉ làm các thiết bị đời cũ chạy chậm đi, nó còn ẩn chứa hàng loạt những lỗi vặt. Mới đây nhất, Apple phát hành bản iOS 8.1.1 với tuyên bố cải thiện hiệu năng cho các thiết bị đời cũ như iPhone 4S, iPad 2, nhưng qua thử nghiệm, nó chẳng cải thiện được gì.

Một người dùng iPad mini tại Việt Nam cho biết, anh ta đang rất chán nản và muốn bán chiếc máy mới mua cách đây 6 tháng, vì ai đó đã “lỡ tay” cập nhật lên iOS 8 giúp, và bây giờ, nó đang chạy chậm như rùa bò. Hẳn cũng có không ít người dùng iPhone 5S hay iPad Air, iPad mini 2 đang hết sức ngán ngẩm, bởi sau khi cập nhật lên iOS 8.1.1, máy của họ nhanh hao pin và dễ nóng hơn trông thấy.

Lỗi tại ai?

Những thông báo cập nhật phần mềm từng mang lại cảm xúc khó tả cho người dùng di động, hứa hẹn mang đến những nét mới cho các thiết bị cũ kỹ của họ. Ở thời điểm hiện tại, cập nhật đi kèm với lỗi bug, dù tất nhiên, không phải tất cả. Thiết bị đắt tiền của bạn có nguy cơ bị biến thành một sản phẩm lỗi thời do hiệu năng chậm đi chỉ sau một bản cập nhật mà bạn từng rất mong đợi.

Một chuyện tưởng như nực cười đang diễn ra ngày một phổ biến là sau hàng tiếng đồng hồ tải về và cài đặt một bản phần mềm để khắc phục một lỗi gì đó, chiếc di động của bạn lại phát sinh cả tá lỗi khác. Vậy đâu là nguyên nhân?

Các hãng công nghệ lớn như Apple, Google, Microsoft đều có những khảo sát, nghiên cứu tâm lý người dùng cực kỳ kỹ lưỡng. Họ hiểu được người dùng chờ đợi các bản cập nhật lớn như thế nào. Sức ép quá lớn từ chính người dùng đã khiến họ vội vã tung ra các bản phần mềm chưa hoàn thiện.

Cập nhật hệ điều hành smartphone - con dao hai lưỡi

Không rõ nếu Google hoãn cập nhật nền tảng Android 5.0 Lollipop thêm 1-2 tháng, những lỗi đó có được khắc phục hay không, nhưng một điều chắc chắn là gã khổng lồ ngành phần mềm này sẽ gặp phải vô số chỉ trích về sự chậm chạp, thiếu chuyên nghiệp… nếu không sớm tung ra bản cập nhật Android mới sau cả năm trời nghiên cứu, phát triển.

Tương tự là Apple. Liệu họ có dám mạnh dạn bỏ lỡ những kỳ WWDC để tạm hoãn giới thiệu nền tảng iOS mới, vốn được mặc định là sẽ phải ra mắt tại thời điểm đó? Câu trả lời có lẽ là không? Họ chọn cách giới thiệu phần mềm, sau đó “sai đâu sửa đấy” hơn là lỡ hẹn với người dùng.

Một điều nữa cần nhắc đến, tuy không thể nói là nằm trong ý đồ của các hãng lớn nhưng cũng mang lại cho họ không ít lợi ích, đó là việc, chính những lỗi khó chịu từ các bản cập nhật phần mềm sẽ khiến người dùng có xu hướng mua các thiết bị mới nhiều hơn.

Lời khuyên dành cho người dùng ở đây chỉ có thể là chờ đợi và tham khảo kỹ trước khi cập nhật một bản phần mềm mới. Nếu như bạn đang hài lòng với chiếc điện thoại, máy tính bảng hiện tại, hãy cân nhắc trước khi tiến hành nâng cấp phần mềm cho nó.

Theo Theo Zing
MỚI - NÓNG