Mạng xã hội phải có cơ chế cảnh báo trước về nguy cơ lừa đảo

Người dùng phải được cảnh báo trước về các nguy cơ lừa đảo, tin nhắn lừa đảo họ có thể gặp trên mạng xã hội và trong game online. Ảnh minh họa: BangkokPost.
Người dùng phải được cảnh báo trước về các nguy cơ lừa đảo, tin nhắn lừa đảo họ có thể gặp trên mạng xã hội và trong game online. Ảnh minh họa: BangkokPost.
Các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội và game online sẽ phải cảnh báo người dùng ngay từ khi đăng nhập về những hình thức lừa đảo họ có thể gặp phải.

Đây là một phần trong Chỉ thị số 82/CT-BTTTT về việc ngăn chặn tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo và tăng cường quản lý thông tin trên mạng do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son mới ký ngày 24/12.

Các tin nhắn lừa đảo hay những thông tin trên mạng có nội dung không lành mạnh, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân đang có dấu hiệu bùng phát trở lại, gây ảnh hưởng lớn đến người sử dụng và gây bức xúc trong dư luận. Nhằm ngăn chặn tình trạng này, Bộ TTTT đã ra chỉ thị để tăng cường quản lý thông tin trên mạng thời gian tới.

Cụ thể, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ mạng xã hội, trò chơi điện tử trực tuyến (game online) và các tổ chức, doanh nghiệp thiết lập trang thông tin điện tử phải triển khai cơ chế cảnh báo tự động (hiển thị bắt buộc) tới người sử dụng ngay khi vừa đăng nhập về các hình thức, dấu hiệu tin nhắn, thông tin lừa đảo có thể xảy ra trên môi trường mạng xã hội hay trong các trò chơi điện tử.

Đồng thời, các đơn vị này phải hướng dẫn người dùng cách xử lý và thông báo đến doanh nghiệp cung cấp dịch vụ khi phát hiện thông tin lừa đảo, không lành mạnh và vi phạm pháp luật. Khi phát hiện hoặc nhận được cảnh báo từ người dùng, doanh nghiệp cần nhanh chóng kiểm tra, ngăn chặn và có biện pháp xử lý kịp thời.

Trong khi đó, các nhà mạng cũng cần xây dựng hệ thống kỹ thuật có khả năng chặn tin nhắn rác theo tần suất, nguồn gửi và từ khóa trong nội dung theo quy định, chủ động thống kê, thu thập các từ khóa thường xuyên xuất hiện trong tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo để cập nhật cho hệ thống.

Ngoài ra, nhà mạnh cũng phải triển khai các đợt tin nhắn tới các thuê bao trong mạng nhằm nâng cao nhận thức về phòng chống tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo, mạnh tay xử lý, thậm chí có thể chấm dứt hợp đồng với các doanh nghiệp nội dung phát tán tin nhắn rác, tin nhắn lừa đảo.

Mạng xã hội phải có cơ chế cảnh báo trước về nguy cơ lừa đảo ảnh 1

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Hội nghị tổng kết năm của Bộ TTTT. Ảnh: Mạnh Vỹ.

"Tin nhắn rác là câu chuyện xung đột giữa lợi ích của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ với cộng đồng. Trong cộng đồng lại có những doanh nghiệp muốn quảng bá sản phẩm, dịch vụ của mình tới người dân. Bộ phải là người đứng ra rà soát lại trên tinh thần đặt lợi ích của số đông người dân lên trên", Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh tại Hội nghị trực tuyến Tổng kết công tác năm 2014 và triển khai nhiệm vụ năm 2015 của Bộ TTTT sáng ngày 25/12 tại Hà Nội.

Cũng trong năm 2014, Bộ TTTT đã ban hành 125 quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với các doanh nghiệp, tổ chức trong lĩnh vực báo chí, thông tin điện tử, xuất bản, phát hành, viễn thông và CNTT với tổng số tiền xử phạt gần 3,8 tỷ đồng.

Theo Châu An

Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG