Mùa săn lùng đông trùng hạ thảo trên cao nguyên Tây Tạng

Chịu khó lùng sục trong vòng 1 tháng, anh Pubu cùng vợ và con cái đảm bảo một nửa thu nhập cả năm.
Chịu khó lùng sục trong vòng 1 tháng, anh Pubu cùng vợ và con cái đảm bảo một nửa thu nhập cả năm.
Nửa thực vật nửa động vật, đông trùng hạ thảo (ĐTHT) được y học cổ truyền cho là có mọi dược tính quý giá. Đã từ lâu, việc thu lượm loại nấm ký sinh quý hiếm và có giá cực đắt này làm giàu cho người Tây Tạng.

Giống như những thứ đắt giá, từ rượu ngon cho tới đồng hồ Thụy Sĩ, kể cả việc chơi golf, ĐTHT dần dần trở thành đối tượng săn lùng của giới doanh nhân và các quan chức tham nhũng, vì có món quà nào quý hơn bằng một lời hứa trường thọ?

Việc thu hoạch làm đảo lộn kinh tế địa phương

Trong vùng Yushu, buổi sáng thường chẳng có ai ở nhà. Các trường học cũng đều đóng cửa. Các bậc phụ huynh bỏ bê cả việc chăm sóc trâu bò hằng ngày. Thành phố nhỏ này trở nên vắng vẻ, và các làng mạc xung quanh cũng vậy. Đây là khoảng thời gian mà đa số người dân Tây Tạng trên các cao nguyên dẹp các sinh hoạt hằng ngày sang một bên để dành cho một việc khác có lợi hơn, đó là lên các ngọn đồi trong vùng để tìm ĐTHT, một loại nấm có giá ngang với vàng. Họ lùng sục các bụi cỏ mọc ở độ cao hơn 5.000m, và chỉ nhờ vào kinh nghiệm họ mới nhận dạng được loại cỏ có tên khoa học là Ophiocordyceps sinensis nhú đầu lên khỏi mặt đất.

Anh Pubu 44 tuổi, sau một lúc im lặng quan sát, anh mừng rỡ kêu lên: "Tôi kiếm được một cây rồi này!". Anh vớ lấy cuốc, bổ vài nhát và bẻ cục đất khô để lấy ra thứ nấm quý hiếm. Con trai anh là Gayong 15 tuổi, cũng vừa mới tìm được một cây khác. Cô gái Jomu 20 tuổi cũng tìm thấy một cây nữa. Mỗi người đều yên tâm: hôm nay "đủ sở hụi" rồi.

Loài nấm lai kỳ lạ giữa thực vật và động vật chỉ mọc trên một vài vùng của cao nguyên Tây Tạng. Chính vì quý hiếm mà một cây chỉ bằng ngón tay có thể bán được cả chục euro, tức là 20.000euro/kg. Thậm chí giá còn cao hơn thế tại các hiệu thuốc có uy tín nhất ở những thành phố lớn phía đông Trung Quốc, cách đó 3.000km, nơi những khách hàng giàu có đang đợi hàng.

Mùa săn lùng đông trùng hạ thảo trên cao nguyên Tây Tạng ảnh 1

Nấm được sấy khô trước khi đem bán.

Thị trường ĐTHT bùng nổ vào những năm 2000, khi có một giai cấp trung lưu nổi lên tại Trung Hoa đại lục, cộng thêm với các tay nhà giàu mới nổi tại Hồng Kông và Đài Loan, đã tạo ra một nhu cầu chưa từng có. Tính chất rất riêng biệt của loại nấm này đủ để cho giá trị thương mại của nó tăng cao. Đầu tiên, cây nấm hình thành trong các ấu trùng của sâu bướm, và các dược tính của nó phát xuất từ việc nó được nuôi bằng chính con ấu trùng đó cho tới tận não bộ. Ban đầu là động vật, ĐTHT trở thành thực vật, loại nấm này đặc biệt lại… có hai mắt. Hiện tượng này giải thích cho tên gọi "Đông trùng hạ thảo", nghĩa là "mùa đông là sâu, mùa hè là cỏ".

Với việc giá cả tiếp tục đẩy lên cao trong khoảng 15 năm nay, cư dân tất cả các vùng phụ cận của thành phố Yushu đều chuyển sang việc lùng kiếm ĐTHT vào giai đoạn duy nhất trong năm có thể tìm được nó, tức là từ giữa tháng 5 tới giữa tháng 6, khi mà khí hậu ấm lên và thảo mộc có thể nảy mầm. Đa số công việc mua bán được thực hiện ngay trên đường phố. Để thống nhất với nhau về giá cả mà không lộ ra cho kẻ tò mò, người bán kẻ mua phải ra hiệu bằng tay giấu trong chiếc túi vải.

Việc thu lượm ĐTHT làm đảo lộn nền kinh tế khu vực và làm bùng lên những mối bất hòa, vì các vùng khác nhau của miền núi không có giá trị ngang nhau. Chẳng hạn như người dân vùng Xiaosumang, họ tìm cách sang vùng đất của dân vùng Batang để tìm nấm. Sự đố kị đôi khi sinh ra bạo lực. Anh Pubu nhớ lại: "Cách đây gần 10 năm, tại Zadoi, có một người đàn ông bị đánh đến chết vì đất đai và vì tiền bạc”.

Nhà cầm quyền trước đây không làm chủ được tình hình, nhưng gần 2 năm nay đã tổ chức những cuộc tuần tra. Với gia đình anh Phubu, khi bán hàng cho vị thương gia giàu có Gejie Obozairen, thì số tiền kiếm được không phải là nhỏ. Vì lượng nấm bán được gần 100.000NDT mỗi năm. Trong một tháng làm việc cật lực, cả gia đình anh kiếm được gần một nửa thu nhập cả năm. Do đó, theo xác nhận chính thức của nhà cầm quyền thì các trường học đều phải tạm thời đóng cửa. Trong vùng đất nghèo nàn và lạc hậu này thì thời gian này cũng gần giống như việc một sòng bài ở Las Vegas mỗi năm mở cửa một tháng vậy.

Mùa săn lùng đông trùng hạ thảo trên cao nguyên Tây Tạng ảnh 2

Tại chợ Yushu, các tay lái buôn mua sỉ đông trùng hạ thảo rồi bán lại tại các thành phố lớn.

Đông trùng hạ thảo đang "hạ sốt"?

Nhà sư Nobu 40 tuổi tỏ ra lo lắng: "Người dân vùng Yushu cạn nghĩ quá. Họ bị ám ảnh bởi thu nhập quá lớn”. Một số gia đình giàu lên nhờ ĐTHT nên đã bỏ bê việc nuôi trâu bò. Nhưng sẽ ra sao nếu ĐTHT không còn thịnh hành nữa? Nhà sư này không bao giờ muốn tham gia vào việc tìm nấm. Với ông thì đây là vấn đề tín ngưỡng: Phật tử chân chính phải kiêng sát sinh dưới mọi hình thức.

Còn ông Gejie Obozairen thì chẳng bận tâm đến chuyện mình có sát sinh hay không. Ông đã trút bỏ y phục truyền thống Tây Tạng để khoác bộ đồ lính, lái chiếc xe hơi chạy trên mọi địa hình, và khi đang rảo quanh vùng núi thì ông đã nghĩ về chuyến đi Canton sắp tới. Ở đó, tay thương nhân nổi tiếng này mặc cả với các khách hàng giàu sụ của mình. Mỗi năm, riêng mình ông đã vận chuyển từ 2 - 3 tấn ĐTHT, một con số khá lớn, vì tổng số thu được không vượt quá 200 tấn. Ông đã mở một cửa tiệm với khoảng 40 nhân viên làm việc, trong một khu nổi tiếng ở Thượng Hải.

Ông giải thích: "Giá chênh lệch ở cuối đường dây là cao nhất”. Liệu giá của thứ "sâu mùa đông, cỏ mùa hè" này có tụt xuống không? Giống như những thứ đắt giá, từ rượu ngon cho tới đồng hồ Thụy Sĩ, kể cả việc chơi golf, ĐTHT dần dần trở thành đối tượng săn lùng của giới doanh nhân và các quan chức tham nhũng, vì có món quà nào quý hơn bằng một lời hứa trường thọ?

Từ 2 năm nay, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành một chiến dịch mạnh tay dẹp bỏ tham nhũng, hối lộ. Kết quả là việc mua bán ĐTHT có giảm xuống đôi chút. Ông Choa Choephel xác nhận: "Bây giờ việc tặng quà khi làm ăn buôn bán đã trở nên tế nhị”. Ông Choa là một trung gian chuyên đi lại giữa các vùng núi Yushu và các đại lộ thênh thang ở Thượng Hải và Thẩm Quyến, gần sát Hồng Kông. Năm ngoái, các tay buôn bán sỉ trao đổi các loại ĐTHT nhỏ nhất nhưng có giá tương đương với 4 euro, nhưng bây giờ chỉ bán được có 3 euro.

Với những cây nấm dài hơn, là loại đắt tiền nhất, thì nhu cầu giảm xuống còn một nửa. Đó là chưa kể Trung Quốc đang đối đầu với nạn hàng giả - ĐTHT làm bằng bột mì hoặc chất dẻo. Ông Choa Choephel nói: "Những người chẳng biết gì về ĐTHT chắc chắn mắc bẫy. Phải luôn luôn kiểm tra xem con ĐTHT có đủ hai mắt không". Tại Yushu, một số tay buôn phải dùng tới máy quét để chắc chắn là mình không bị lừa.

Tại sân bay Xining của Trung Quốc, có một cửa tiệm mang bảng hiệu Very Grass bán loại viên nhộng có chứa bột ĐTHT. Nhân viên bảo vệ đặt lên cửa ra vào tấm bảng ghi giá làm ta liên tưởng tới giá tại một tiệm vàng. Một hộp cỡ 81 phải bỏ ra 29.888NDT, tức là 4.300 euro. Với loại tốt nhất, cô bán hàng Liu Shengxiong giải thích là liều dùng cho mỗi ngày có giá 270 euro. Thời gian gần đây, việc buôn bán của cửa hàng có uy tín này đã giảm sút.

Cô Liu nói: "Doanh nhân ít tặng quà hơn trước, còn người giàu chỉ mua để dùng thôi”. Còn du khách ngoại quốc thì không chuộng ĐTHT, vì thứ này không được các nước khác biết đến. Trên các bức tường của sân bay, nhiều tấm bích chương quảng cáo nêu lên những lợi ích khi dùng ĐTHT. Nhưng nhu cầu vẫn giảm sút. Cô bán hàng giải thích: "Thứ này chủ yếu dành cho người bệnh. Rốt cuộc chỉ người bệnh giàu có mới mua nổi”.

Theo Theo An Ninh Thế Giới
MỚI - NÓNG