Mùa Voi Yêu

Hẹn nhau về chốn rừng già.
Hẹn nhau về chốn rừng già.
TP - Sau bao tháng năm dài chờ đợi, tới nay gần chục 'anh ả' trong 44 thớt voi nhà còn lại của tỉnh Ðắk Lắk mới được tạo cơ hội kết đôi, yêu đương. Hy vọng sự kiện này sẽ cho ra đời vài bé voi như mong ước của rất nhiều người không muốn Tây Nguyên thất truyền nghề nuôi voi hấp dẫn, độc đáo.

Hậu duệ 2 gia tộc voi hội ngộ!

Chúng tôi vào huyện Lắk. Dọc quốc lộ 27, những ruộng lúa chín vàng rực dưới cái nắng cuối đông trong vắt đang được gặt, chất lên xe cày chở về buôn. Càng vòng vào sâu quanh mặt hồ rộng ngót nửa nghìn hécta, tầm nhìn càng thoáng đãng, bát ngát. Dừng bên căn nhà sàn có đài bước lên lưng voi, gắn tấm biển “Ðiểm bán cà phê voi” có hàng chục du khách Tây lưu trú. Chúng tôi chứng kiến cuộc hội ngộ đầu tiên giữa hậu duệ của 2 gia tộc lớn gắn liền với lịch sử nghề săn voi, buôn voi, nuôi voi, thuần dưỡng voi Việt: ông Ðàng Năng Long con trai ông Ðàng Nhảy, và ông Khăm Phết Lào con trai Vua voi Ama Kông.

Cú bắt tay thật chặt. Thì ra 2 gã trung niên có tiếng cười giòn ha hả sảng khoái này cùng tuổi Dần (1962), cùng tôn vinh đệ nhất Vợ, trong khi bố 2 ông đều đào hoa lẫy lừng. Thì ra thuở bé, có thời Khăm Phết được chăm sóc tại nhà bà Sao Thoong Chăn biệt danh “mỹ nữ buôn voi”- vợ Ba ông Nhảy. Ama Kông mang 3 dòng máu M’Nông-Êđê-Lào, dũng sĩ săn voi có 4 vợ, từng tặng voi cho bộ đội vận chuyển quân lương, được trao Huân chương Kháng chiến hạng Nhất. Ông Ðàng Nhảy người Chăm có 3 vợ thuộc 3 dân tộc Việt-Chăm-Lào, chuyên thuần dưỡng và buôn voi, từng được Bộ Nông nghiệp giao mua voi, áp tải 4 con voi xuống tàu vượt biển sang châu Mỹ, tặng Chính phủ Cu Ba, được Chủ tịch Phiđen Catxtrô ôm vai chụp ảnh, cảm ơn.

Chuyện voi càng kể càng giòn. Khăm Phết rót rượu ngâm thuốc chính hiệu Ama Kông đem theo mời gia chủ, còn Long Voi pha cà phê voi mời khách. Khăm Phết vang danh với nghề làm thuốc. Ông Long vẫn cần mẫn gắn bó với 7 con voi nhà, những dịp lễ hội được giao tổng quản đàn voi của huyện và tỉnh, mở công ty du lịch trên lưng voi, chuyên gia duy nhất sản xuất được cà phê voi thương hiệu Việt.

Mùa Voi Yêu ảnh 1

Khăm Phết Lào và Long Voi mời nhau rượu Ama Kông và cà phê voi.

Mai mối cho voi

Ông Long tiết lộ: tổng đàn voi Lắk hiện còn 19 con, có 3 đôi trẻ đẹp hơn cả được ông chọn để xe duyên. Trong đó 2 đôi đã “chịu đèn”. Còn đôi thứ ba... Ông ra hiệu cho chúng tôi rời bàn, đi theo.

Tít xa gần chân núi, voi đực Y Mâm tuổi gần bốn mươi có cặp ngà to tròn đứng thõng vòi, dáng vẻ cô độc. Voi cái Pắk Nang 29 tuổi được nài dẫn ra, thả quanh quẩn gần Y Mâm. Một nghệ sĩ nhiếp ảnh chạy băng đồng, cách Y Mâm một quãng thì quỳ xuống đưa ống kính lên ngắm chụp. Phát hiện, Khăm Phết và Long Voi ra sức hú vẫy mà y không nghe, khiến cả hai dậm chân tức tối. Khăm Phết gầm lên: “Thằng điên! Không biết con voi đang động dục rất hung dữ ! Lạng quạng nó giẫm mày nát bét!”. Tôi bấm điện thoại gọi hối hả, y tiu nghỉu quay vào…

Voi là loài vật thông minh, tế nhị. Chuyện yêu đương của chúng vốn kín đáo giữa đại ngàn, nên khi bị săn bắt, thuần dưỡng để phục vụ con người, quanh năm bị xiềng xích và phơi trần trước những cái nhìn tọc mạch, thì việc voi nhà giao phối và sinh đẻ tự nhiên trở nên rất hiếm. Nhưng có lần, một nài voi của ông Long đang đứng dưới hào sâu nghe động dữ dội, ngước lên thì thấy đôi voi tựa vào gốc kơ nia cổ thụ giao phối ràn rạt như bão tố. Khi yêu, chúng chẳng còn để ý gì xung quanh. Nài voi rút điện thoại quay được một đoạn phim rõ dài. Ông Long chiếu cho chúng tôi xem, thích thú bảo “Hàng hiếm đấy!”.

Voi cái mang thai tới 22 tháng. Trước đây voi nhà bị tận dụng sức lực để kéo cây, chở khách, để voi cái mang thai sẽ mất cả khoản tiền lớn thu nhập trong suốt hơn 2 năm, rồi rủi ro chửa đẻ khiến nhiều chủ voi không muốn chúng kết đôi. Bây giờ, phía xa kia Pắk Nang và Y Mâm đang dùng vòi rà hít, thăm dò lẫn nhau, ngúng nguẩy kiểu “Tình trong như đã, mặt ngoài còn e!”. Ông Long thở phào : Chắc ổn! Lỡ kết không hợp, tụi nó đánh nhau chí chết, phải tìm cách lôi voi cái chạy cho mau. Chúng phải tâm sự, tán tỉnh nhau cả buổi, chuyện đó mới xảy ra.

Vào nhà hồi lâu, tôi hé cửa dòm. Ðôi voi xa xa đang vươn vòi theo nhau hướng về phía núi. Hôm sau ông Long mừng rỡ báo tin: Hai đứa nó giao phối rồi. Vậy là voi Lắk đã kết được 3 đôi...

Mùa Voi Yêu ảnh 2

Âu yếm.

Voi được yêu nhờ có... nghị quyết!

Theo thống kê của Trung tâm bảo tồn voi Ðắk Lắk, tổng đàn voi nhà Ðắk Lắk tới thời điểm này chỉ còn 44 con, trong đó 25 voi cái, 19 voi đực. Khoảng phân nửa còn trong độ tuổi có thể sinh sản.

Tháng 12/2012 Hội đồng Nhân dân tỉnh Ðắk Lắk ban hành Nghị quyết số 78 (NQ) “Quy định một số chính sách bảo tồn voi”, đồng ý chi ngân sách cho việc đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực bảo tồn voi; quy hoạch đất đai tạo nơi chăn thả, chăm sóc voi nhà; quy hoạch bảo tồn sinh cảnh cho đàn voi hoang dã sinh sống; phòng chống voi hoang dã phá hoại hoa màu và hạn chế xung đột voi với người. Về “Chính sách hỗ trợ Voi nhà sinh sản”, NQ ghi cụ thể mức bồi dưỡng cho các chủ voi tự nguyện đưa voi vào khu chăn thả, để chúng có cơ hội gặp gỡ giao phối, Nhà nước hỗ trợ kinh phí từ 200-600 nghìn đồng/ngày, tùy thời kỳ voi động dục, mang thai, trước hoặc sau sinh, voi đực hoặc voi cái... Nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương và ngân sách tỉnh, vốn của các tổ chức Quốc tế và các nguồn hợp pháp khác.

Tháng 5/2014, Chủ tịch UBND tỉnh Ðắk Lắk cũng đã ban hành quyết định số 13, cụ thể hóa trình tự, thủ tục thực hiện các chính sách về bảo tồn voi trên địa bàn.

Ông Nguyễn Công Chung- Phó giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Ðắk Lắk chủ trì đề tài “Nghiên cứu khả năng sinh sản trên đàn voi nhà”, cho biết đề tài vừa hoàn tất phần đề cương, chờ có kinh phí. Năm 2016, Trung tâm sẽ tiến hành lấy mẫu máu, huyết thanh của số voi chưa già đi xét nghiệm để xác định chu kỳ động dục, khả năng sinh sản của voi thông qua chỉ số hocmon proestrogen và estrogen.

Phóng viên tò mò: Các anh được đào tạo về voi ở đâu? Ông Chung bật cười: Tôi là thạc sĩ thú y, nhưng nước mình làm gì có trường nào dạy thú y voi? Sách vở tài liệu tham khảo không có, cán bộ Trung tâm hiện 15 biên chế, trong đó 3 thạc sĩ thú y phải tự suy luận, vừa làm vừa học. Cả Trung tâm chỉ mới có thạc sĩ Phạm Văn Thịnh được cử sang Srilanca học tập 1 tuần, được cấp chứng chỉ hoàn thành khóa đào tạo thực tế về quản lý dinh dưỡng, sinh sản, chăm sóc sức khỏe voi.

Trò chuyện với chúng tôi thạc sĩ Thịnh cho biết điều anh tâm đắc là Srilanca đã xác định được chu kỳ rụng trứng của các voi cái, tạo điều kiện cho voi giao phối tự nhiên trong vòng 3-5 ngày để thụ tinh. Sau chuyến “đi một ngày đàng, học một sàng khôn” của anh Thịnh, cán bộ Trung tâm đã xuống buôn làng vận động các chủ có voi còn khả năng sinh sản đồng ý cho voi bắt cặp, giao phối. 

Ông Huỳnh Trung Luân, giám đốc Trung tâm bảo tồn voi Ðắk Lắk cho biết ngân sách trung ương mới bố trí nguồn được 15 tỷ đồng cho Dự án Bảo tồn Voi tỉnh Ðắk Lắk trong 2 năm 2015-2016 để xây dựng khu làm việc và nghiên cứu hỗ trợ voi sinh sản. Hiện mới thực hiện các bước khảo sát hiện trường, lập hồ sơ quy hoạch tỉ lệ 1/2000 trên 200 hecta vùng đệm Vườn Quốc gia Yok Ðôn được khoanh làm khu Bảo tồn voi, trong đó có bệnh viện voi, dự kiến khởi công tháng 3/2016. 
MỚI - NÓNG