Muốn sống khi túi khí nổ, hãy cài dây an toàn

Một bài thử an toàn va chạm của xe Toyota tại Nhật Bản
Một bài thử an toàn va chạm của xe Toyota tại Nhật Bản
Túi khí và dây an toàn hoạt động độc lập nhằm cứu người trên xe, nhưng nếu không cài dây an toàn, bạn đã tự đóng lại một con đường sống của mình khi xảy ra tai nạn giao thông.

Ô tô được coi là phương tiện an toàn hơn rất nhiều so với xe máy, phương tiện chiếm tỉ lệ rất lớn tại Việt Nam. Cũng một phần vì lý do này, nên sau khi sở hữu được 1 chiếc ô tô thay cho xe máy, nhiều người tỏ ra chủ quan, nghĩ rằng mình đã ở trong 1 phương tiện an toàn nhất, vì thế thường xuyên bỏ qua việc cài dây an toàn.

Đối với người Việt, cài dây an toàn là không cần thiết ở tốc độ thấp, là làm mất đi vẻ sang trọng khi lái ô tô, là khiến chiếc áo sơ mi hay áo vest bị nhăn nhàu, là hàng trăm lý do khác. Nếu chiếc xe có hệ thống báo cài dây an toàn, nhiều người sẽ ngay lập tức “cài đểu” trước khi ngồi vào ghế xe, hoặc vắt ra phía sau ghế và chỉ kéo lên khi cần che mắt lực lượng CSGT để tránh phạt.

Không chỉ ở Việt Nam, mà ở hầu hết các nước trong khu vực Đông Nam Á này, tỉ lệ đeo dây an toàn khi ngồi trên xe hơi vẫn là rất thấp. Theo thống kê của Tập đoàn ô tô Toyota Nhật Bản, ông lớn trong làng ô tô khu vực Đông Nam Á, toàn khu vực này có tỉ lệ cài dây an toàn chỉ 25%, quá thấp so với con số trên 90% tại Nhật Bản.

Muốn sống khi túi khí nổ, hãy cài dây an toàn ảnh 1

Khi lực tác động đủ lớn để ảnh hưởng tới người lái, túi khí sẽ nổ để bảo vệ mạng sống cho những người trong xe

Trong đó, cao nhất khu vực là Thái Lan và Indonesia với tỉ lệ cài dây an toàn là 30%, còn Việt Nam nằm trong số những nước ít cài dây nhất với tỉ lệ chỉ 20%. Tâm lý chủ quan, ý thức tham gia giao thông chưa tốt, chưa được trang bị đủ kiến thức lái xe an toàn và hệ thống luật pháp còn chưa được triển khai triệt để, là lý do khiến những người cài dây an toàn còn thấp, và tỉ lệ tăng rất chậm.

Đáng chú ý, thống kê này của Tập đoàn Toyota là cho mọi vị trí ngồi trên xe, tức là ở Việt Nam, 5 người lên xe thì chỉ có 1 người sẽ cài dây an toàn, còn 4 người thậm chí không nghĩ tới việc phải cài dây. Điều này là hết sức nguy hiểm, vì khi tai nạn xảy ra, vị trí nào không cài dây sẽ có nguy cơ tử vong cao hơn rất nhiều so với vị trí có thắt dây an toàn.

Phóng viên báo Tiền Phong đã có buổi trao đổi với ông Hiroyuki Fukui - Giám đốc điều hành Tập đoàn Toyota Nhật Bản, CEO phụ trách khu vực Châu Á, Trung Đông và Bắc Phi – để tìm hiểu thêm thông tin về vấn đề trên.

Muốn sống khi túi khí nổ, hãy cài dây an toàn ảnh 2

Túi khí và dây an toàn hoạt động độc lập, nhưng không cài dây an toàn sẽ khiến thương tích nặng hơn nếu túi khí nổ sau va chạm

Theo ông Hiroyuki Fukui, tai nạn giao thông là thứ xảy ra bất ngờ, chỉ 1 giây phút lơ đễnh là người trên xe đã có thể đối mặt với tử thần không báo trước. Chính vì thế, các chức năng an toàn trên xe nhằm bảo vệ con người, cần được sử dụng, chứ không phải chỉ để “trang trí”. Tỉ lệ người thắt dây an toàn tại khu vực Đông Nam Á nói chung và Việt Nam nói riêng vì thế rất đáng báo động, đặc biệt trong bối cảnh giao thông đang chuyển mình từ xe 2 bánh sang ô tô, tốc độ lưu thông sẽ ngày càng nhanh hơn và tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn hơn.

Khi được hỏi trực tiếp về vấn đề túi khí và dây đai an toàn có liên quan tới nhau không, câu hỏi mà nhiều người Việt Nam vẫn thường hỏi nhau, bởi trong nhiều vụ tai nạn có sự xuất hiện của xe Toyota tại Việt Nam, người ta không thấy túi khí nổ, ông Hiroyuki Fukui cũng trả lời rất thẳng thắn.

Theo ông Hiroyuki Fukui, túi khí và dây đai an toàn là 2 hệ thống an toàn độc lập. Nếu tai nạn xảy ra và người ngồi trên xe không cài dây an toàn, túi khí vẫn hoàn toàn có thể nổ khi có lực va chạm đủ mạnh. Mỗi loại xe đều có cảm biến túi khí với lực va chạm khác nhau, bởi cảm biến này sẽ đo lực tác động lên khung xe, và khi nào lực đó đủ để phần khung xe biến dạng và có thể gây tổn thương người lái, túi khí sẽ nổ để cứu mạng người trong xe.

Như vậy, túi khí là vũ khí cuối cùng cứu mạng người lái, trước đó là hệ thống hấp thụ lực va chạm, khung xe, đai an toàn. Túi khí nhằm bảo vệ mạng sống người ngồi trong xe, khi túi khí nổ, bạn sẽ bị thương, nhưng quan trọng nhất là giữ được mạng sống.

Nhiều người vẫn lầm tưởng, túi khí sẽ nổ khi va chạm xảy ra, và nếu va chạm xảy ra khiến đầu xe nát bét mà túi khí không nổ, tức là chiếc xe gặp vấn đề về kỹ thuật. Thực tế không đơn giản như vậy, nếu cảm biến đo được lực tác động có thể phá nát phần đầu xe, nhưng chưa đủ để ảnh hưởng đến sinh mạng của người trên xe (nếu cài dây an toàn), túi khí sẽ không nổ, vì các cấp bảo vệ khác đã hoàn thành nhiệm vụ cứu mạng rồi.

Nếu túi khí nổ sau khi xảy ra va chạm mà người lái không thắt dây an toàn, túi khí không những không phải là vị cứu tinh, mà còn có thể khiến người trong xe thương tích nặng nề hơn, đó là lý do mỗi khi lên xe, việc đầu tiên bạn cần làm là thắt dây an toàn. Túi khí nổ với tốc độ trên 55 m/s, với lực nổ lớn như đại bác, nếu người trên xe không cài dây an toàn hay chỉ cần ngồi lệch tư thế thôi, thương tích sẽ lớn hơn nhiều so với túi khí không nổ.

Vì vậy, nếu túi khí không nổ sau va chạm, bạn có thể sống sót ra khỏi xe, hãy đừng trách móc chiếc xe của mình, nó đã hoàn thành nhiệm vụ bảo vệ sinh mạng cho bạn và không tặng cho bạn 1 quả đại bác vào mặt mang tên “túi khí”.

MỚI - NÓNG