Mỹ làm gì với tang vật tranh giả?

TP - Mỹ có nhiều cách xử lý tranh giả mà cơ quan chức năng thu được. Tuy nhiên, ngay cả Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) nhiều khi cũng lúng túng trong việc xử lý.

Cách xử lý tranh giả được xác định tùy từng trường hợp cụ thể, thường phụ thuộc việc chủ sở hữu biết tác phẩm là giả hay không. Tuy nhiên, rất khó xác định họ biết hay không biết, theo ông Lawrence Katz - tư vấn viên bộ phận thanh tra của Cục Bưu chính Mỹ (USPS). 

Ngoài ra, rất khó xin được lệnh của tòa án cho việc tiêu hủy tranh giả hoặc gây sức ép để chủ sở hữu giao nộp chúng. “Khi FBI thu giữ một tác phẩm nghệ thuật bị đánh cắp, cho dù là giả, trong hầu hết trường hợp, mọi thứ chúng tôi có thể làm là trả lại cho chủ sở hữu”, bà Lynne Chaffinch, giám đốc chương trình điều tra tranh giả qui mô lớn của FBI, cho biết.

Đánh dấu, phục vụ giảng dạy

Catherine Begley, cựu đặc vụ Văn phòng  FBI New York, cho rằng, cách tốt nhất bảo đảm rằng một tác phẩm giả mạo không trở lại thế giới nghệ thuật là phá hỏng hoặc tiêu hủy nó. “Rạch, đốt, đóng dấu nó để không có thêm ai bị lừa”, Begley nói. 

Trên thực tế, cả FBI và USPS cố gắng đánh dấu vĩnh viễn lên tranh giả. Kèm theo là giấy xác nhận mô tả các dấu hiệu của hàng giả (thông qua luật sư phụ trách vụ việc), qua đó, thẩm phán cho phép phá hỏng hoặc gây sức ép buộc nghi can từ bỏ tranh giả như một phần của thỏa thuận nhận tội.

Một số trường học thường xuyên dùng tranh giả trong các khóa học chép tranh. “Chúng tôi sử dụng những bức tranh này để giúp sinh viên phát triển khả năng cảm nhận sành sỏi, xây dựng cho họ kỹ năng xác định thật-giả, Helen Cooper, người phụ trách Hội họa Mỹ tại Phòng trưng bày nghệ thuật đặt trong Đại học Yale, cho biết. 

Giữ lại, bỏ tù

Năm 1990, Lawrence Trotter, thợ phục chế đồ cổ ở bang Pennsylvania, nhận tội vẽ giả 55 bức tranh của nhiều họa sĩ Mỹ. Hai trong số chủ sở hữu nhà đấu giá biết về độ thiếu xác thực của các bức tranh nhưng vẫn bán chúng. Có 16/55 bức tranh giả đã được bán. 

Khi vụ việc vỡ lở, chỉ có 5 người mua đồng ý ra làm chứng tố cáo “nhái sĩ” Trotter, 11 người còn lại muốn giữ tác phẩm giả mạo đó, hơn là đòi lại tiền. Bảo tàng Victoria & Albert (Anh) có một bộ sưu tập vĩnh viễn dành cho hàng giả thế kỷ 19. “Tôi không thể hình dung ra việc phá hủy chúng. Chúng có một sự quyến rũ nhất định”, Robert Cohon, người phụ trách gian nghệ thuật cổ đại tại Bảo tàng Nelson-Atkins (Mỹ), nói.

FBI và USPS, hai đơn vị phụ trách điều tra gian lận nghệ thuật những năm gần đây, không muốn đưa hàng giả trở lại tay người từng bị kết tội bán hoặc đang cố bán vì sợ rằng hàng fake sẽ được sử dụng để lừa đảo trong tương lai. Tại New York, hình phạt đối với gian lận thư chứng nhận cao nhất là 5 năm tù, trong khi người ăn cắp, làm giả có thể lĩnh án 25 năm tù.

Năm 2001, sau bốn năm bị điều tra, Dewey Lane Moore nhận tội gian lận thư tín thông qua nhà đấu giá Florida để bán gần 300 bức tranh giả được ông ta cố ý gán tên Degas, Frankenthaler, Johns, Manet, Matisse, Picasso… Dewey bị kết án sáu tháng quản thúc tại gia, bị tịch thu tất cả 294 bức tranh. Tuy nhiên, đến nay FBI vẫn chưa quyết cách thức xử lý đống tranh giả đó.

Cách đây đã lâu, Walter Chrysler mua 23 bức tranh giả với giá 1,1 triệu USD từ một người môi giới (sau này bị bắt). Sau khi Chrysler trưng bày bộ sưu tập của mình tại Mỹ và Canada, người ta phát hiện các giấy chứng nhận là giả mạo. Trong thời gian được trưng bày tại một bảo tàng nghệ thuật ở bang Virginia (Mỹ), lô tranh giả đột nhiên biến mất. Đoán tranh giả sẽ bị tịch thu, Chrysler đã giải cứu tranh trước khi triển lãm kết thúc.

Theo Theo Artnet, Huffington Post
MỚI - NÓNG