Năng lượng tái tạo tại Việt Nam: Cẩn trọng công nghệ cũ, ô nhiễm thứ cấp

Dự án điện gió Hướng Linh 2 tại tỉnh Quảng Trị đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia. Ảnh: H. Thành.
Dự án điện gió Hướng Linh 2 tại tỉnh Quảng Trị đã chính thức hòa vào lưới điện quốc gia. Ảnh: H. Thành.
TP - Sử dụng năng lượng tái tạo ra sao trong bối cảnh năng lượng hóa thạch ngày càng cạn kiệt? Làm thế nào để Việt Nam không trở thành “bãi rác” nhập khẩu công nghệ sản xuất năng lượng lỗi thời ? Đó là hai chủ đề chính tại Diễn đàn công nghệ và năng lượng Việt Nam 2017 do Bộ Khoa học và Công nghệ (KHCN) tổ chức, hôm qua 8/9.

Tiềm năng lớn

Tại diễn đàn, TS. Nguyễn Anh Tuấn (Viện Năng lượng, Bộ Công Thương) cho biết Việt Nam có tiềm năng về năng lượng tái tạo rất dồi dào. Nguồn năng lượng này bao gồm  sinh khối, sinh khí, rác thải rắn, gió, năng lượng mặt trời, thủy triều. Tổng tiềm năng lý thuyết lên đến trên 9,1 triệu MW. Nhưng từ tiềm năng lý thuyết đến tiềm năng kỹ thuật là một khoảng cách không hề nhỏ. Do đó, tính về tiềm năng kỹ thuật thì tất cả các loại năng lượng nói trên còn khoảng trên 385.000 MW.

Theo ông Tuấn, hiện trạng khai thác các dự án năng lượng tái tạo tính đến tháng 7/2017, năng lượng điện mặt trời đang chiếm công suất đăng ký lớn nhất là  hơn 17.000 MW với 110 dự án. Tiếp đến là năng lượng gió với hơn 7.000 MW của 100 dự án. Sinh khối có 40 dự án đạt hơn 600MW. 

Ông Trần Đăng Khoa đến từ Tập đoàn Điện lực Việt Nam cho biết, trong số các năng lượng tái tạo thì năng lượng điện mặt trời đang được quan tâm. Mục tiêu của Chính phủ đối với điện mặt trời giai đoạn 2016-2020 là 3.603 MW, giai đoạn 2021-2025 là 6.290 MW.  Ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, nước ta có tiềm năng lớn đối với điện năng lượng mặt trời. “Nếu chúng ta cho  sản xuất  pin mặt trời tại Việt Nam, phụ kiện tại Việt Nam… thì giá sẽ rất rẻ, người dân có thể mua được. Và như vậy câu chuyện pin mặt trời cho từng gia đình là hoàn toàn có thể” - ông Trần Viết Ngãi cho hay.

Tuy  nhiên, để phát triển năng lượng tái tạo, Việt Nam có nhiều rào cản và thách thức như: vốn đầu tư ban đầu lớn, chi phí sản xuất, quy dẫn của năng lượng tái tạo còn cao, khó khăn trong việc đấu nối vào hệ thống lưới điện quốc gia, thiếu kỹ sư và nhân công lành nghề cho các dự án năng lượng tái tạo.

Còn đại diện Hiệp hội Đường mía Việt Nam thì cho rằng, việc sử dụng bã mía để cung cấp năng lượng còn một số bất cập. “Giá điện của các công ty mía đường hiện nay được mua là 5,8 cent/KWh, giá khá thấp nên các nhà máy không mặn mà”- ông Hà Hữu Phái, Hiệp hội Mía đường Việt Nam nói.

Phải có tiêu chuẩn cho công nghệ tái tạo

Một nội dung được đưa ra tại diễn đàn lần này đó là áp dụng công nghệ mới, tiên tiến thân thiện với môi trường vào sản xuất năng lượng. Theo nhận định của Bộ KHCN, Việt Nam đang chuyển từ nước  xuất khẩu thành nước nhập khẩu năng lượng và mức độ phụ thuộc vào năng lượng nhập khẩu ngày một tăng. Cung cầu năng lượng nói chung và cung cầu điện nói riêng ở nước ta đang gặp nhiều khó khăn. Hiện nay nước ta đang nỗ lực xây dựng cơ chế chính sách theo nhiều hướng tiếp cận như sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, đa dạng hóa các nguồn năng lượng và áp dụng công nghệ mới, tiên tiến và thân thiện với môi trường.

Tuy nhiên, đại diện đến từ Bộ Công Thương đã đưa ra cảnh báo về việc nhập khẩu công nghệ sản xuất năng lượng tái tạo về Việt Nam. “Nếu không cẩn thận, chúng ta có thể trở thành nơi nhận rác từ các nước do công nghệ đã cũ. Do đó, phải có tiêu chuẩn cho từng công nghệ tái tạo” - ông Phạm Trọng Thực, Vụ Năng lượng mới và năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương cho hay. Ngoài ra, ông Thực cũng đặt câu hỏi, công nghệ đó có phát sinh ô nhiễm thứ cấp không. Rác thải, than từ công nghệ tái tạo có thể gây ô nhiễm thứ cấp. Vấn đề này còn nguy hại và khó xử lý  hơn rất nhiều so với ô nhiễm sơ cấp.

Trong khi đó, việc xử lý pin năng lượng mặt trời cũng đang nhận được sự quan tâm của tất cả các nước có sử dụng nguồn năng lượng này. Bên lề hội thảo, trao đổi với báo chí, ông Phạm Hoàng Lương, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, nguồn năng lượng tái tạo khác với nguồn năng lượng hóa thạch là nguồn không ổn định. Do đó, để sử dụng ổn định thì phải lưu trữ. Việc sản xuất năng lượng  tái tạo như năng lượng gió, sinh khối không tạo ra khí CO2 nhưng trong quá trình sản xuất phải sử dụng các nguyên vật liệu sẽ có tác động tới môi trường.

“Một số nước trên thế giới đã đặt vấn đề nghiên cứu chu trình vòng đời  để đánh giá quá trình tác động đến môi trường từ việc sử dụng và khai thác công nghệ tái tạo. Nhìn vào tấm pin năng lượng mặt trời, sẽ không thấy có CO2, nhưng  việc sử dụng các nguyên vật liệu để sản xuất pin sẽ có tác động đến môi trường, rồi khi thu  hồi các pin này, xử lý như thế nào cũng là vấn đề cần bàn tới” - ông Phạm Hoàng Lương cho hay. Theo ông Lương, trong điều kiện của Việt Nam, các nhà khoa học và Chính phủ rất cần phải lưu tâm đến vấn đề này.

“Nhìn vào tấm pin năng lượng mặt trời, sẽ không thấy có CO2 ,  nhưng  việc sử dụng các nguyên vật liệu để sản xuất pin sẽ có tác động đến môi trường, rồi khi thu  hồi các pin này, xử lý như thế nào cũng là vấn đề cần bàn tới”.

 Phó Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội Phạm Hoàng Lương

MỚI - NÓNG
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
Tiền công đức: Đã dần minh bạch thu, chi
TP - Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, đến nay có khoảng 40 địa phương gửi báo cáo thu chi tiền công đức. Theo đó, điểm nhấn là nhiều địa phương có số thu tiền công đức rất cao, lên tới 200-400 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, việc chi tiền công đức cũng đang cho thấy có khá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm theo một kiểu. Trong khi có nơi xin giữ lại để tu bổ di tích, có chỗ nguồn thu lại được để dùng cho từ thiện.