Nguồn phóng xạ thất lạc đang ở bãi rác?

Nguồn phóng xạ thất lạc đang ở bãi rác?
TP - Một nhân viên bãi chôn lấp chất thải công nghiệp ở tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khẳng định từng vứt thiết bị giống nguồn phóng xạ vào bãi rác; ngày 7/4, máy dò không phát hiện ra vì “nghi can” đang nằm dưới khối rác cao hơn 10m. Luật sư cho rằng, có thể xem xét xử lý hình sự người quản lý chất phóng xạ.

Mở rộng tìm kiếm

Ngày 7/4, Đoàn công tác của Bộ KH&CN, do ông Vương Hữu Tấn, Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và Hạt nhân dẫn đầu, cùng các cơ quan chức năng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đến bãi chôn lấp chất thải công nghiệp Kbec Vina tại xã Tóc Tiên, huyện Tân Thành để tìm kiếm thiết bị phóng xạ thất lạc mà nhân viên bãi rác Trần Văn Toàn báo tin trước đó.

Anh Toàn nói rằng, khoảng tháng 10/2014, anh thấy một thiết bị như ruột phích nước (bình thủy) bình thủy tinh, nặng khoảng 6-7 kg, có kíp nổ và trên thân có hình tam giác màu vàng. Sau khi cơ quan chức năng xác định thiết bị này không phải là bom, anh Toàn đã ném xuống bãi chôn lấp. Hiện nơi đây bị rác phủ lấp với độ cao hơn 10 m, nên hai máy dò tìm không thể phát hiện ra. Đại diện Sở KH&CN tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, sẽ mở rộng khu vực tìm kiếm ra các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương và cả TPHCM để tìm bằng được nguồn phóng xạ bị thất lạc.

Ngày 7/4, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu làm việc với các bộ phận phụ trách an toàn bức xạ của Nhà máy Thép Pomina 3 (Khu công nghiệp Phú Mỹ I, huyện Tân Thành) để làm rõ việc thất lạc thiết bị phóng xạ. Thiết bị phóng xạ loại Co-60 này được Pomina 3 nhập về năm 2010 và lắp ráp vào hệ thống dây chuyền nhà máy lò đúc số 3 để đo mức thép lỏng.

Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TPHCM, nói: Theo quy định tại các điều 28, 29 Nghị định 107/2013/NĐ-CP của Chính phủ, đơn vị không thực hiện bảo đảm an ninh nguồn phóng xạ trong và ngoài giờ làm việc sẽ bị phạt tiền từ 4-8 triệu đồng (đối với nguồn phóng xạ thuộc mức an ninh A) hoặc sẽ bị phạt tiền từ 3-6 triệu đồng (đối với nguồn phóng xạ cố định thuộc mức an ninh B)”. Theo luật sư Hậu, tùy theo kết quả xác minh vụ việc, người có trách nhiệm quản lý chất phóng xạ để xảy ra vụ việc có thể bị xem xét xử lý hình sự về tội vi phạm quy định về quản lý chất phóng xạ theo quy định tại Điều 237 Bộ luật Hình sự.

Nguồn phóng xạ thất lạc đang ở bãi rác? ảnh 1

Thanh phóng xạ bị mất vào tháng 9/2014 tại TPHCM đã được tìm thấy. Ảnh: Văn Minh.

Chỉ 10% đơn vị sử dụng phóng xạ báo cáo

Sáng 7/4, ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ tịch UBND TPHCM, triệu tập cuộc họp khẩn với lãnh đạo các sở, ngành liên quan để kiểm soát các thiết bị phóng xạ trên địa bàn.

Tại cuộc họp, ông Nguyễn Khắc Thanh, Phó Giám đốc Sở KH&CN TPHCM, cho biết, có 83 đơn vị trên địa bàn được cấp phép sử dụng hơn 200 thiết bị chứa nguồn phóng xạ, trong đó 124 nguồn phóng xạ di động, thường xuyên được di chuyển trong quá trình sử dụng. Dù có quy định, nhưng thực tế chỉ khoảng 10% tổng số đơn vị gửi báo cáo. Hằng năm, sở thanh, kiểm tra khoảng 10 đơn vị theo định kỳ. Cộng với khoảng chục đơn vị do cục kiểm tra, chưa tới một nửa số đơn vị được cấp phép sử dụng nguồn phóng xạ ở thành phố được kiểm tra.

Tại cuộc họp, lãnh đạo TPHCM thừa nhận, cơ quan quản lý nhà nước chỉ nắm được đơn vị nào có, số lượng bao nhiêu, đặc tính từng thiết bị ra sao…, còn vận hành thiết bị thế nào, còn hay mất thì không kiểm soát được. Đây là lỗ hổng lớn, là nguy cơ đáng ngại trong quản lý thiết bị đặc thù. Việc gắn thiết bị định vị vào nguồn phóng xạ được nêu ra từ năm 2014, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai được vì thiếu chính sách, kinh phí.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà yêu cầu Sở KH&CN ngay ngày 8/4 phối hợp Trung tâm Nghiên cứu và đào tạo thiết kế vi mạch (ICDREC) khảo sát, lắp đặt thiết bị định vị tới từng thiết bị chứa nguồn phóng xạ đang được các đơn vị sử dụng. “Giờ không thể chậm trễ được nữa. Đã mất một lần rồi, giờ mất nữa thì sao? Nếu cần kinh phí thì thành phố cấp ngay, thủ tục bổ sung sau. Không thể để nguồn phóng xạ nguy hiểm phát tán trong dân cư, ảnh hưởng đến sức khỏe người dân”, ông Hà kết luận cuộc họp.

Nhiều cơ sở y tế vi phạm an toàn bức xạ

Năm 2014, lần đầu tiên Thanh tra Bộ KH&CN tổ chức thanh tra diện rộng việc sử dụng sử dụng thiết bị X-quang trong các cơ sở y tế.  Kết quả, trong 11.493 cơ sở, phát hiện vi phạm và xử lý 323 cơ sở với mức xử phạt 862,3 triệu đồng. Nhiều vi phạm bị phát hiện ở Bình Phước, Khánh Hòa, Đắk Nông, Ninh Bình, Hậu Giang, Thừa Thiên - Huế, Hà Nội, Bắc Ninh, Trà Vinh…

MỚI - NÓNG