Nhà khoa học nữ dãi dầm với dioxin

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà hướng dẫn các nghiên cứu sinh trong phòng thí nghiệm.
PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà hướng dẫn các nghiên cứu sinh trong phòng thí nghiệm.
TP - Vùng đất nhiễm dioxin, dầu, hóa chất bảo vệ thực vật - những chốn không ai muốn tới lại là nơi PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, dãi dầm nhiều năm.

Hơn 140 công trình nghiên cứu của PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà đều hướng về mục đích làm môi trường Việt Nam sạch hơn, sức khỏe người Việt tốt hơn. Với những đóng góp ấy, ngày 6/3, bà được trao Giải thưởng Kovalevskaia.

Sáng tạo công nghệ làm sạch đất nhiễm dioxin

Hơn 40 năm nghiên cứu, PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà chủ nhiệm 30 đề tài, dự án, công bố 146 công trình khoa học và công nghệ với nhiều giải thưởng khoa học trong nước vào quốc tế. Trong số ấy, bà tâm đắc nhất với công trình Công nghệ xử lý đất nhiễm chất diệt cỏ/dioxin bằng phương pháp phân hủy sinh học (bioremediation) do Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thực hiện. Công trình bà nghiên cứu hơn 10 năm trời, được các cấp lãnh đạo ủng hộ nhưng cũng bị cản trở bởi vấn đề quá mới, đôi khi bà phải bỏ tiền cá nhân.

Việt Nam là nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi chất độc hóa học chứa dioxin. Chiến tranh đã qua đi hơn 40 năm, nhưng tại các điểm nóng như sân bay Phù Cát, Biên Hòa, Đà Nẵng và một số điểm vừa phát hiện vẫn bị ô nhiễm dioxin thuộc loại cao nhất thế giới. Với mong muốn xử lý khử độc những điểm nóng ô nhiễm, từ năm 1999, PGS.TS Cẩm Hà cùng các cộng sự bắt tay vào nghiên cứu. Bà nhớ lại: “Cả thế giới không tin là công nghệ sinh học có thể xử lý được dioxin nhưng tôi bảo họ, các bạn cứ chờ đấy, 10 năm nữa chúng tôi sẽ tìm ra”.

Bắt đầu từ năm 1999 với 12 đề tài, dự án nghiên cứu khác nhau, sau 10 năm, công nghệ phân hủy sinh học ứng dụng để khử độc đất nhiễm chất diệt cỏ/dioxin ở qui mô 3.384m3 thuộc Z1 - một trong những khu vực ô nhiễm được phát hiện sớm nhất tại sân bay Biên Hòa. Sau 27 tháng xử lý, từ hàm lượng ban đầu  10.000 ng TEQ/kg đất khô, tổng độ độc trung bình còn lại đã giảm xuống chỉ còn 52 ng TEQ/kg đất khô, hiệu quả xử lý đạt 99,48%. Kết quả này do ba phòng thí nghiệm (Hà Lan, Đức và Phòng thí nghiệm phân tích dioxin thuộc Bộ TN&MT) cùng phân tích và đánh giá. Sau 40 tháng, tổng độ độc trung bình được Hội đồng độc lập cấp nhà nước thông báo đã giảm còn 14,12 ng TEQ/kg, hiệu suất xử lý đạt 99,84%. Đất đã ở dưới mức qui định cho sản xuất nông nghiệp thường xuyên (40 ng TEQ/kg) và thấp hơn độ độc nền trong đất theo qui định ở châu Âu. Công nghệ này cũng được thực hiện với sự hợp tác của Cục Bảo vệ môi trường Mỹ với sự tài trợ của quỹ Ford Foundation ở quy mô nghiên cứu thí điểm hiện trường (11 x 2 m3) tại sân bay Đà Nẵng. Từ nồng độ ban đầu hơn 43.000 ppt, sau 6 tháng xử lý, 30% tổng độ độc trung bình đã bị loại bỏ.

Nhà khoa học nữ dãi dầm với dioxin ảnh 1

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà.

Hiện nay, Mỹ áp dụng công nghệ khử hấp thu nhiệt để xử lý đất nhiễm dioxin tại sân bay Biên Hòa và sân bay Đà Nẵng. Theo Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân, phương pháp này khi áp dụng cho vùng nhiễm dioxin tại sân bay Đà Nẵng cho kết quả hạn chế, vẫn phải dùng đến biện pháp chôn lấp hoặc xử lý tiếp tục ở công đoạn sau. Ông cho biết, với công nghệ của PGS.TS Cẩm Hà cùng cộng sự, hàm lượng dioxin trong đất giảm hàng nghìn lần, dưới mức cho phép để làm nông nghiệp, chi phí bằng 1/7 công nghệ Mỹ đang áp dụng mà hiệu quả lại lâu dài. Công trình này cũng mở ra cơ hội làm sạch những vùng đất nhiễm hóa chất khó phân hủy ở Việt Nam.

Để tìm ra công nghệ ấy, cứ vài tuần đến hàng tháng trời, PGS.TS Cẩm Hà cùng các cộng sự trẻ dãi dầm ở các điểm nóng Đà Nẵng, Biên Hòa - 2 sân bay bị ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin nặng nhất. “Có lẽ do nắm được nguyên lý của quá trình phơi nhiễm nên các nhà nghiên cứu đã hạn chế được tác động lên sức khỏe của hỗn hợp chất diệt cỏ/dioxin. Tôi và các cộng sự của mình thường uống nước gạo rang cháy thành carbon sau khi tiếp xúc trực tiếp. Đến nay, mọi người đều bình yên”, PGS.TS Cẩm Hà chia sẻ.

Trước đó, năm 1998, công nghệ làm sạch dầu ô nhiễm ở các môi trường sinh thái khác nhau bằng công nghệ phân hủy sinh học của bà được áp dụng tại 5 kho dầu lớn nhất của khu vực miền Bắc thuộc Cty Xăng dầu B12 (2 kho ở Quảng Ninh, 1 kho ở Hải Phòng, 1 kho tại Hải Dương và kho K99 của quân đội tại Hải Phòng). Do công nghệ được thực hiện có hiệu qủa trong xử lý được nước, chất thải rắn nhiễm dầu luôn đạt qui chuẩn về môi trường nên sau 17 năm hoạt động liên tục, qui trình công nghệ và các chế phẩm (Oilcleancer 1 và Oilcleancer 3) vẫn được duy trì. Từ chỗ Cty B12 nhận được quyết định phải di dời khỏi vịnh Hạ Long nhưng do nước và các chất rắn ô nhiễm dầu khác đã được kiểm soát cẩn thận bởi công nghệ phân hủy sinh học nên doanh nghiệp đã không phải rời đi và còn được mở rộng và đứng vững cho đến ngày nay. Bà kể: “Gần đây tôi mới có dịp quay trở lại sau nhiều năm thăm Cty B12, những cán bộ kỹ sư trẻ đã chào đón tôi ấm áp và  đưa ra nguyện vọng muốn triển khai rộng hơn. Với người làm khoa học, có gì vui hơn thế”.

Một vài đề tài nghiên cứu khác của PGS.TS Cẩm Hà cũng hướng đến làm sạch những vùng đất ô nhiễm hóa chất khó phân hủy POPs. Bà tâm sự: “Sức khỏe muốn đảm bảo thì môi trường phải trong sạch. Hiện tại, tôi đang thực hiện một nghiên cứu cũng nhằm giải quyết một vấn đề môi trường bức xúc ở Việt Nam”.

Nhà khoa học nữ dãi dầm với dioxin ảnh 2

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà (thứ 2 từ phải sang) trong chuyến khảo sát thực địa vùng nhiễm dioxin.

Tranh thủ từng ngày cống hiến cho khoa học

PGS.TS Cẩm Hà là nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Trưởng phòng Công nghệ sinh học môi trường, Viện Công nghệ Sinh học thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Bà tốt nghiệp Trường Đại học Tổng hợp Azerbaijan, chuyên ngành sinh học năm 1975, làm việc tại Viện Sinh học - Viện Khoa học Việt Nam, nhận bằng tiến sỹ thuộc khoa học sinh học tại Viện Hàn lâm khoa học Hungary năm 1990, nghiên cứu và giảng dạy tại Hungary và Áo giai đoạn 1985-1995. Từ 1995 đến nay, bà công tác ở Viện Công nghệ Sinh học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.

Ở tuổi 64, PGS.TS Cẩm Hà vẫn làm nhiều công việc. Bà đang chủ trì đề tài Nghiên cứu metagenome của vi sinh vật vùng đất ô nhiễm chất diệt cỏ/dioxin nhằm tìm kiếm các gene, enzyme mới có khả năng phân hủy dioxin. Ngoài ra, bà làm tư vấn cho Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, đào tạo cán bộ trẻ. Bà say sưa kể về hướng đi mới của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam - cơ quan nghiên cứu lớn nhất cả nước. Bà cho biết, Viện đang kết nối  nhiều  nhóm nghiên cứu công nghệ để cùng đưa cả chuỗi công nghệ lõi cho một số địa phương với sự gắn kết cùng doanh nghiệp để tạo sản phẩm có sức cạnh tranh. Viện Hàn lâm, doanh nghiệp và địa phương sẽ cùng  tạo ra một số sản phẩm đảm bảo chất lượng làm cơ sở vững chắc khi gia nhập TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương).

Tuổi đã khá cao nhưng PGS.TS Cẩm Hà thường xuyên có những chuyến đi rừng, biển để tìm nguồn vi sinh vật phục vụ nghiên cứu. Bà bảo: “Tôi đi rừng không thua gì những thanh niên 30 tuổi. Có được sức khỏe ấy là nhờ áp dụng khoa học trong ăn uống, giữ gìn sức khỏe”. Nhà khoa học tâm sự, hằng ngày, bà ngủ không nhiều; mỗi ngày chỉ có 24h nên bà phải phân phối thời gian hợp lý cho nhiều công việc, cả nghiên cứu và gia đình. “Tuổi già không biết thế nào nên tôi phải tranh thủ từng ngày để làm nốt những việc còn dang dở”, bà tâm sự. 

Hai chủ nhân giải Kovalevskaia 2015

PGS.TS Đặng Thị Cẩm Hà (Viện Công nghệ sinh học, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo - Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy là chủ nhân của Giải thưởng Kovalevskaia 2015 - giải thưởng danh giá dành cho nữ nhà khoa học Việt Nam. TS.BS Phạm Thị Ngọc Thảo chủ trì và tham gia nhiều đề tài như “Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật lọc máu hiện đại trong cấp cứu, điều trị một số bệnh tại các khoa Hồi sức cấp cứu”, “Ghép gan trên người cho gan sống và người hiến tạng chết não”, “Ứng dụng lọc máu hiện đại điều trị bệnh lý cấp cứu”, “Ghép thận trên người hiến tạng tim ngừng đập”…

MỚI - NÓNG