Nobel Kinh tế cho cha đẻ thuyết hợp đồng

Nhà kinh tế học Phần Lan Bengt Holmstrom đang làm việc tại Mỹ. Ảnh: AP.
Nhà kinh tế học Phần Lan Bengt Holmstrom đang làm việc tại Mỹ. Ảnh: AP.
TP - Hôm qua, hai nhà kinh tế học đang làm việc tại Mỹ giành giải Nobel Kinh tế vì đóng góp của họ làm sáng tỏ cách tốt nhất để soạn hợp đồng, những thỏa thuận ràng buộc giữa người sử dụng lao động và công nhân hoặc giữa công ty với khách hàng.

Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển vinh danh nhà kinh tế học sinh ra ở Anh Oliver Hart và nhà kinh tế học Phần Lan Bengt Holmstrom với công trình được gọi là lý thuyết hợp đồng. Công trình phân tích rất nhiều vấn đề trong thiết kế hợp đồng. 

“Những nền kinh tế hiện đại chịu ràng buộc với nhau bởi vô số hợp đồng. Những công cụ lý thuyết mới mà Hart và Holmstrom tạo nên rất có giá trị để hiểu những hợp đồng trong thực tế cuộc sống và các thể chế, cũng như những cạm bẫy tiềm tàng trong thiết kế hợp đồng”, Viện Khoa học Hoàng gia Thụy Điển nhận xét.

Hợp đồng tối ưu

Từng là thành viên lâu năm trong ban giám đốc của hãng thiết bị viễn thông Phần Lan Nokia, ông Holmstrom năm nay 67 tuổi, đang làm việc tại Viện Công nghệ Massachusetts (Mỹ). Từ những năm 1970, ông bắt đầu nghiên cứu mô hình trả lương theo năng suất lao động và làm thế nào một hợp đồng tối ưu có thể giảm thiểu rủi ro và tăng động lực. 

Sau đó, nhà kinh tế học này bổ sung những động lực khác đối với người lao động, như cơ hội thăng tiến, chứ không chỉ vấn đề trả lương. Còn ông Hart, nhà kinh tế học năm nay 68 tuổi đang làm việc tại ĐH Harvard, đạt được bước đột phá vào giữa những năm 1980 với phân tích về những hợp đồng không hoàn thiện. 

Ông cho rằng, trên thực tế không thể lường hết mọi khả năng trong soạn thảo hợp đồng và ai nên giữ mức độ kiểm soát ra sao. Hai ông Hart và Holmstrom đã “đưa ra lý thuyết về hợp đồng để trở thành một lĩnh vực màu mỡ cho nghiên cứu cơ bản”, Ủy ban Nobel nhận xét.

Nobel Kinh tế cho cha đẻ thuyết hợp đồng ảnh 1

Nhà kinh tế học Oliver Hart mang hai quốc tịch Anh-Mỹ. Ảnh: EPA.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn Ủy ban Nobel, hai nhà kinh tế học hôm qua nói rằng, họ rất ngạc nhiên và vui mừng vì nhận được giải thưởng. Hai người chiến thắng sẽ chia nhau giải thưởng 8 triệu kronor Thụy Điển (925.000 USD) do Ngân hàng trung ương Thụy Điển tài trợ. Hai nhà kinh tế học này đã đánh bại tân Giám đốc Ngân hàng Thế giới Paul Romer - người nhận được nhiều dự đoán sẽ thắng giải Nobel năm nay.

Trường Kinh doanh Stern thuộc ĐH New York, nơi ông Romer đang giảng dạy, gây ra một cuộc tranh cãi hồi tuần trước khi vô tình đưa ra một thông cáo báo chí nói rằng, ông Romer chiến thắng giải Nobel Kinh tế 2016. 

Trường này nhanh chóng gỡ bản thông cáo xuống và nói rằng đó chỉ là sự chuẩn bị cho khả năng chiến thắng. Một ứng viên sáng giá khác cho giải Kinh tế năm nay là ông Olivier Blanchard - cựu lãnh đạo Quỹ Tiền tệ Quốc tế và ông Edward Lazear - nhà nghiên cứu tại Viện Hoover thuộc ĐH Stanford.

Nobel Kinh tế là giải Nobel duy nhất không phải do Alfred Nobel lập ra mà ra đời năm 1968, khá lâu sau khi nhà khoa học này qua đời. Đến nay, người Mỹ thống trị giải thưởng này với 55 trên tổng số 76 người giành giải là người mang quốc tịch Mỹ, trong đó bao gồm những người mang hai quốc tịch.

Kinh tế là lĩnh vực thứ 5 được trao giải trong mùa Nobel này. Giải Nobel Văn học sẽ được công bố ngày 13/10.

Theo Theo New York Times, BBC
MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.