Phát hiện khu vực “vô danh” ở Quảng Bình có lượng lớn linh trưởng quý hiếm

Linh trưởng quý hiếm tại vùng khe nước trong do Bảo tồn thiên nhiên Việt cung cấp
Linh trưởng quý hiếm tại vùng khe nước trong do Bảo tồn thiên nhiên Việt cung cấp
TPO - Các chuyên gia Bảo tồn thiên nhiên Việt cho biết, vừa phát hiện tại khu vực rừng rậm Khe Nước Trong, huyện Lệ Thủy (Quảng Bình), còn tồn tại nhiều quần thể linh trưởng quý hiếm, hơn cả Phong Nha – Kẻ Bàng, đứng đầu khu vực Bắc Trung bộ.

Theo chuyên gia Lê Trong Trãi, Giám đốc Bảo tồn thiên nhiên Việt: Đây là một phát hiện bất ngờ về chuyến điều tra, khảo sát mới đây của đoàn tại vùng rừng rậm Khe Nước Trong.

Kết quả đợt điều tra này đã ghi nhận 58 đàn vượn đen má trắng siki ở 7 tiểu khu của dự án điều tra, và 2 đàn nằm ngoài ranh giới khu vực điều tra. Ông Trãi khẳng định, vùng Khe Nước Trong có số lượng đàn và cá thể Vượn đen má trắng siki nhiều hơn cả khu vực Phong Nha – Kẻ Bàng và đứng đầu Bắc Trung bộ.

Ngoài ra, đoàn khảo sát còn ghi nhận 9 đàn chà vá chân nâu với khoảng từ 98 đến 108 cá thể trong khu vực rừng Khe Nước Trong. Hai loài linh trưởng quý hiếm này xuất hiện nhiều nhất tại khu vực dọc đường Hồ Chí Minh nhánh tây từ Cầu Khỉ lên Cổng Trời.

Ông Trãi lo ngại, mặc dù những quần thể linh trưởng này nằm trong sách đỏ Việt Nam và thế giới, tuy nhiên trong quá trình khảo sát, điều tra các chuyên gia phát hiện chúng cũng như những loài động vật khác đang bị săn bắn vô tội vạ. Đồng thời nạn phá rừng và các tác động khác của con người làm cho môi trường sống của động vật hoang dã bị suy giảm.

Đoàn điều tra đã phát hiện 15 cá thể động vật bị đánh bẫy gồm: 3 Lợn rừng, 2 Sơn dương, 2 Cầy vòi mướp, 2 Chồn bạc má, 1 Cầy gấm, 2 Khỉ mặt đỏ, 1 Khỉ đuôi lợn, 1 Cheo cheo và Gà lôi trắng.

Được biết, khu vực rừng Khe Nước Trong còn tồn tại nhiều động vật hoang dã quý hiếm khác, trong đó có bò tót. Ngành Lâm nghiệp Quảng Bình đã từng trình UBND tỉnh này đề án thành lập khu bảo tồn thiên nhiên. Tuy nhiên, lãnh đạo UBND tỉnh Quảng Bình đã không đồng ý với lí do “lỡ có chuyện gì (phá rừng, săn bắt động vật hoang dã số lượng lớn. PV) thì mang tiếng tỉnh”.

MỚI - NÓNG