Quỹ Phát triển KH&CN: Sinh lực mới cho nghiên cứu ứng dụng

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai hàng đầu từ phải qua) và lãnh đạo thành phố Hà Nội thăm gian trưng bày về hoạt động KHCN của Hà Nội tại triển lãm kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (thứ hai hàng đầu từ phải qua) và lãnh đạo thành phố Hà Nội thăm gian trưng bày về hoạt động KHCN của Hà Nội tại triển lãm kỷ niệm 60 năm giải phóng Thủ đô
TP - Thành phố Hà Nội đầu tư 100 tỷ đồng cho hoạt động của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ (KHCN) với phương thức hỗ trợ linh hoạt, kịp thời cho các nghiên cứu ứng dụng mang lại giá trị cao, đáp ứng sự phát triển của thành phố…

“Cởi trói” cho nghiên cứu ứng dụng

Sở KHCN Hà Nội cho biết, việc Quỹ được thành lập và đưa vào hoạt động ngay trong năm 2015 sẽ góp phần đáng kể cho quá trình đổi mới tổ chức và phương thức thực hiện nhiệm vụ KHCN, đổi mới cơ chế tài chính trong hoạt động KHCN. Hoạt động của Quỹ theo cơ chế mới tiếp cận các chuẩn mực quốc tế, minh bạch hóa, đơn giản hóa quy trình, thủ tục quản lý sẽ tạo môi trường thuận lợi nâng cao năng lực nghiên cứu của các nhà khoa học. Huy động nguồn lực cho phát triển KHCN bên cạnh nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước cấp.

Phương thức tổ chức thực hiện các nhiệm vụ KHCN của Quỹ rút ngắn thời gian của quá trình đề xuất ý tưởng, tổ chức nghiên cứu, giúp đẩy nhanh quá trình cấp phát kinh phí, tăng hiệu quả đầu tư. Đồng thời cơ chế này góp phần đơn giản hóa thủ tục thanh toán, tạo động lực tích cực cho các nhà khoa học. 

Quỹ ra đời cũng góp phần mở ra phương thức tài trợ, đầu tư mới, tạo cơ hội cho các nhà khoa học theo đuổi các công trình nghiên cứu và doanh nghiệp đầu tư đổi mới, nâng cao trình độ công nghệ, đáp ứng yêu cầu sản xuất kinh doanh; đồng thời đáp ứng kịp thời kinh phí thực hiện các nhiệm vụ đột xuất, phát sinh theo yêu cầu của thành phố và các sở, ngành với thủ tục đơn giản, hiệu quả, thẩm định nhanh, cấp kinh phí ngay.

Quỹ phát triển KHCN thực hiện hỗ trợ phát triển các ngành nghề mới, tạo ra các sản phẩm mới để hình thành và phát triển các doanh nghiệp KHCN, vườn ươm công nghệ. Thúc đẩy thực hiện các chính sách ưu đãi, hỗ trợ theo Nghị quyết 04/2013/NQ-HĐND của HĐND thành phố trên các lĩnh vực đầu tư xây dựng, hạ tầng, dịch vụ KHCN; phát triển công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng, bảo vệ môi trường, tiết kiệm năng lượng; hỗ trợ triển khai thực hiện các nhiệm vụ nghiên cứu do tổ chức, cá nhân tự bỏ vốn thực hiện; triển khai các chương trình KHCN trọng điểm của Thủ đô.

Theo Điều lệ hoạt động, Quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận, có chức năng tài trợ, cho vay, bảo lãnh vốn vay, cấp kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ KHCN đột xuất theo yêu cầu của thành phố, các sở ngành, quận huyện. Quỹ cũng hỗ trợ các dự án sản xuất thử nghiệm nhằm triển khai ứng dụng kết quả nghiên cứu có triển vọng. Cho vay với lãi suất ưu đãi hoặc tài trợ không thu hồi để triển khai các nhiệm vụ KHCN.

Quỹ có thể xem xét cho vay bằng 80% tổng mức đầu tư của dự án với lãi suất bằng 30% lãi suất vay tín dụng đầu tư của nhà nước cho giai đoạn thực hiện dự án, bằng 50% lãi suất vay tín dụng đầu tư của nhà nước cho giai đoạn chạy thử nghiệm và bằng 70% lãi suất vay tín dụng đầu tư cho giai đoạn sản xuất trong 3 năm đầu tiên.

Lấy hiệu quả làm thước đo

Với phương châm lấy hiệu quả ứng dụng làm thước đo đánh giá các đề tài nghiên cứu, những năm qua, Sở KHCN Hà Nội đã siết chặt thẩm định các đề tài và đã đạt được nhiều chuyển biến mạnh mẽ. Hầu hết các kết quả nghiên cứu đã được hoàn thiện để triển khai ứng dụng thành công vào thực tế.

Điển hình như đề tài Nghiên cứu, ứng dụng kỹ thuật kết xương bằng đinh đàn hồi Metaizeau điều trị gãy xương cánh tay với đường mổ ít xâm nhập và màn tăng sáng. Đơn vị thực hiện là Bệnh viện Đa khoa Đức Giang. Đây là phương pháp điều trị ít xâm lấn, không làm tổn thương các thành phần xung quanh ổ gãy, hạn chế tối đa nguy cơ nhiễm khuẩn do không phải mở ổ gãy.

Quỹ Phát triển KH&CN: Sinh lực mới cho nghiên cứu ứng dụng ảnh 1

Đoàn khảo sát của Sở KHCN Hà Nội khảo sát và tìm biện pháp xử lý ô nhiễm làng nghề

Đề tài hoàn thiện thiết kế và công nghệ chế tạo tổ máy bơm chìm-động cơ điện chìm trục đứng phục vụ tưới tiêu nông nghiệp và chống úng ngập thành phố. Đơn vị thực hiện là Trung tâm nghiên cứu tư vấn cơ điện và xây dựng. Dự án tạo ra sản phẩm là tổ máy bơm chìm có chất lượng tương đương sản phẩm của các nước trong khu vực, phù hợp với nhu cầu thực tế sản xuất trong tiêu nước thải, chống úng ngập. 

Sản xuất thử nghiệm một số loại đèn Led panel dùng trong chiếu sáng dân dụng và công cộng. Đơn vị thực hiện là Công ty CP Bóng đèn Phích nước Rạng Đông. Sản phẩm này, Công ty Rạng Đông đã ứng dụng công nghệ dẫn sáng trên tấm thủy tinh quang học theo nguyên lý phản xạ toàn phần, biến nguồn sáng điểm Led thành nguồn sáng phẳng giúp phân bổ ánh sáng đều trên bề mặt đèn, hạn chế chói lóa, cho ánh sáng tự nhiên. Do sử dụng chíp Led có chất lượng cao nên tuổi thọ đèn Led Panel đạt trên 25.000h, tiết kiệm 30% điện năng so với đèn huỳnh quang… 

Ngoài ra, còn hàng trăm đề tài khác như nghiên cứu chế tạo và ứng dụng máy gặt đập liên hợp dạng treo cỡ nhỏ; nghiên cứu chế tạo thiết bị pha chế dịch đồng bộ tự động và hoàn thiện công nghệ pha chế dịch điện giải đậm đặc để cung cấp cho điều trị thận nhân tạo; nghiên cứu xử lý nước thải cơ sở giết mổ gia súc bằng công nghệ xử lý sinh học kỵ khí kết hợp màng vi lọc…mang lại kết quả nghiệm thu rất khả quan, đóng góp thiết thực phát triển nhiều ngành sản xuất.

Hỗ trợ sản xuất, kinh doanh

Bên cạnh các nhiệm vụ KHCN lớn, trong năm qua, Sở KHCN cũng đã tăng cường hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế. Sở đã hướng dẫn, tư vấn xác lập quyền sở hữu công nghiệp cho 23 tổ chức và cá nhân trên địa bàn. Năm 2014 tiếp tục triển khai Chương trình hỗ trợ phát triển tài sản trí tuệ của địa phương.

Cụ thể đã hoàn thành báo cáo nghiệm thu 6 dự án gồm : Mộc Chàng Sơn, Chè Lam Thạch Xá, Điêu khắc tạc tượng Sơn Đồng, Tre trúc Thu Thủy, Sơn mài Hạ Thái-Duyên Thái, Bánh cuốn Thanh Trì. Trong năm 2015, Sở KHCN tiếp tục triển khai hoạt động sở hữu trí tuệ cho 6 dự án khác: Áo dài Trạch Xá-Ứng Hòa, gỗ mỹ nghệ Vân Hà-Đông Anh, Nếp cái hoa vàng Đông Anh, giày da Phú Yên-Phú Xuyên; rắn Lệ Mật-Long Biên; miến dong Minh Hồng-Ba Vì.

Sở KHCN cũng đã phối hợp với các quận, huyện, thị xã hướng dẫn xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các sản phẩm như mây tre đan Vạn Phúc-Thanh Trì; miến dong Hữu Hòa-Thanh Trì. Bên cạnh đó, ở KHCN cũng tham gia thẩm định về KHCN đối với nhiều dự án lớn của thành phố. Trong năm 2015, đồng hành với doanh nghiệp trong sản xuất kinh doanh vẫn là nhiệm vụ trọng tâm.

 Sở KHCN đẩy mạnh triển khai Chương trình nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa cho doanh nghiệp trên địa bàn giai đoạn 2010-2020 bằng cách hỗ trợ xây dựng, áp dụng hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008, ISO 14.000 về môi trường và ISO 22.000 về an toàn vệ sinh thực phẩm cho doanh nghiệp.

Giám đốc Sở KHCN Hà Nội Lê Xuân Rao cho biết, Hà Nội cũng là địa phương đi đầu trong cả nước cấp phép hoạt động cho 21 doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Những sản phẩm hình thành từ kết quả của đề tài, dự án được các doanh nghiệp khoa học và công nghệ sản xuất, thương mại hóa hiệu quả cao trên thị trường, như: giống cây trồng, hệ thống thiết bị y tế, hệ thống xử lý rác thải, nước thải, hệ thống cung cấp nước sạch, đồ chơi trẻ em, tàu thủy từ vật liệu mới, thuốc hỗ trợ cắt cơn nghiện ma túy từ thảo dược, gạch không nung, trạm trộn bê tông tự động, thiết bị lọc bụi tĩnh điện… 

Một số nhiệm vụ trọng tâm của năm 2015:

Trình UBND thành phố phê duyệt và triển khai các nhiệm vụ trong Chương trình KHCN trọng điểm của Thủ đô giai đoạn 2015-2020; Triển khai thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm thu hút và huy động đội ngũ trí thức trên địa bàn tham gia giải quyết những vấn đề bức xúc, cấp bách của thành phố, nâng cao hiệu quả hoạt động của KHCN; đẩy mạnh đầu tư cơ sở hạ tầng KHCN…


MỚI - NÓNG