Robot dẫn người qua đường

Robot mặc áo xanh tình nguyện.
Robot mặc áo xanh tình nguyện.
TP - Chú robot mang áo xanh tình nguyện có thể dắt người qua đường, chiếc máy cảm biến có thể phát lời cảnh báo, nhắc nhở người tham gia giao thông khi phát hiện sai phạm. Đó là thiết kế của nhóm sinh viên ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) vừa được thử nghiệm thành công.

Robot mặc áo xanh tình nguyện

Một lần vào TPHCM, Nguyễn Công Tín (sinh viên Khoa Điện - Điện tử, ĐH Duy Tân) thấy các bác xe ôm kiếm thêm bằng “nghề”… khá “độc”: dắt khách Tây qua đường! Tín nảy ra ý tưởng thiết kế một chú robot dẫn đường miễn phí cho du khách, người già và trẻ em.  Tín rủ thêm các bạn khác trong khoa là Võ Thành Nghĩa, Hà Kim Tùng cùng thực hiện.

Chú robot cao 1,9m, đội mũ bảo hiểm, tay phải cầm gậy có gắn hệ thống đèn, tay trái dẫn khách qua đường, trên miệng có còi hú để xin người tham gia giao thông nhường đường. Robot được gắn hàng chục thiết bị cảm biến siêu âm tiên tiến có khả năng đọc và xử lý tình huống linh hoạt. Vì vậy, khi dẫn người qua đường, robot sẽ chủ động dừng lại, tăng tốc đi nhanh hơn hoặc lùi lại để tránh vật cản.

Để tạo sự thân thiện, robot được mặc áo xanh tình nguyện và có gắn bộ nhớ trong với ngôn ngữ lập trình rất lịch sự. Khi có người tới gần cần giúp đỡ, robot sẽ nói: “Tôi là robot dắt người qua đường. Mời bạn ấn nút khởi động, tôi sẽ dắt bạn qua đường”. Người qua đường chỉ nhấn nút màu đỏ, robot sẽ tự động dẫn họ qua bên kia đường. Khi tới đích, robot sẽ nói lời tạm biệt rồi quay vòng 180 độ trở về vị trí xuất phát. Mỗi lần sang đường, robot sẽ mất từ 1,5-2 phút. Robot có thể hoạt động trên 50 lượt mới tiêu tốn hết năng lượng/ngày.

Không chỉ dẫn người qua đường, robot sẽ tự động phát ra lời tuyên truyền khi phát hiện trường hợp vi phạm như: “Có văn hóa giao thông là sống vì cộng đồng”,  “Bạn hãy là tấm gương cho con về ý thức tham gia giao thông”... Hiện nhóm đang nghiên cứu ứng dụng để robot này, ngoài khả năng tuyên truyền giao thông, có thể chụp biển số xe của các phương tiện vi phạm như vượt đèn đỏ, rẽ sai làn đường… để hỗ trợ cho lực lượng chức năng xử lý.

“Nơi đặt robot dẫn đường sẽ là những nơi cao điểm, có nhiều du khách, người già và trẻ em. Vì vậy, yêu cầu đầu tiên, mình phải thiết kế sao cho robot có thể xử lý nhạy bén các tình huống thường gặp trên đường như lùi, tiến, tăng tốc...

Ngoài mô hình robot dẫn đường, Tín còn cùng các bạn Mai Thị Quỳnh Hoa, Phạm Hữu Cường thiết kế hệ thống cảnh báo dừng xe sai vạch có khả năng phát ra lời cảnh báo: “Bạn đã dừng xe sai vạch, mời bạn lùi xe lại”. Quỳnh Hoa cho biết: “Chiếc máy được gắn hệ thống cảm biến siêu âm và rất nhạy.

Máy hoạt động theo phạm vi hình chữ V. Khi phát hiện người vi phạm, máy sẽ thu tín hiệu về bộ mạch điều khiển, sau đó nạp vào MP3 rồi phát ra tín hiệu âm thanh”. Sau lần chạy thử này, nhóm sẽ tiếp tục hoàn thiện thêm độ chuẩn xác nhận dạng tín hiệu của bộ cảm biến, sau đó đăng ký tham dự cuộc thi Sinh viên nghiên cứu khoa học do Bộ GD&ĐT tổ chức vào tháng 6 tới.

Thầy Hà Đắc Bình, Trưởng khoa Điện – Điện tử, Trường ĐH Duy Tân cho biết, mô hình robot dẫn đường và máy cảnh báo dừng xe sai vạch nằm trong chương trình phát động về Năm Văn hóa, văn minh đô thị của UBND thành phố. Sau đợt chạy thử nghiệm, Quận Đoàn Hải Châu sẽ đề xuất xin ý kiến UBND thành phố đem hai mô hình này triển khai đồng loạt ở những tuyến đường cao điểm của Đà Nẵng.

MỚI - NÓNG