Sạt lở thập diện mai phục ĐBSCL

Một đoạn bờ sông Tiền ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) bị sạt lở, đe dọa hàng trăm căn hộ dân.
Một đoạn bờ sông Tiền ở huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) bị sạt lở, đe dọa hàng trăm căn hộ dân.
TP - Khoảng 5 năm trước, báo Tiền Phong có loạt bài cảnh báo về tình hình biến đổi khí hậu, sạt lở ảnh hưởng đời sống của hàng vạn người dân ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Điều cảnh báo đã, đang trở thành hiện thực và tình trạng sạt lở diễn ra ngày càng nhanh chóng và dữ dội, cuốn trôi hàng loạt căn nhà, hàng nghìn hécta đất của người dân. Đầu tháng 5/2017, phóng viên Tiền Phong đến những nơi sạt lở nặng nề, ghi nhận cận cảnh cuộc sống người dân nơi đây.

Bài 1: Mất nhà trong chớp mắt

Từ khi xảy ra vụ sạt lở kinh hoàng ngày 22/4 ở sông Vàm Nao làm 14 căn nhà đổ sụp xuống sông, người dân ấp Mỹ Hội (xã Mỹ Hội Đông, Chợ Mới, An Giang)  luôn sống trong sợ hãi.

Ông Trần Văn Bi tận mắt chứng kiến cảnh ngôi nhà của gia đình mình được xây dựng sau nhiều năm tích góp bị nhấn chìm xuống sông trong thoáng chốc.  “Khoảng 8 giờ 30 phút sáng, tôi và mấy người hàng xóm đang ngồi uống cà phê đối diện nhà mình. Mới ngồi được 15 phút, tôi nghe một tiếng “rắc” thật lớn phát ra từ dãy nhà bên mé sông. Mọi người hô hoán và bỏ chạy tán loạn. Đất dưới chân tôi rung lắc dữ dội, rồi chỉ trong vòng 5 giây toàn bộ căn nhà đổ ùm xuống sông”- ông Bi nhớ lại.

Buổi sáng hãi hùng

Theo lời ông Bi, trước khi dãy nhà bị sập, cách đó 2 ngày người dân phát hiện vết nứt dài trên lộ có dấu hiệu bất thường nên đã báo với chính quyền địa phương và chính quyền đã vận động người dân di dời khẩn cấp ra khỏi khu vực trong ngày hôm đó. Chưa kịp di dời hết đồ đạc thì “hà bá” ập đến, nuốt trọn cả dãy nhà. Hôm đó, một gia đình đang có đám tang phải vội vã ôm bàn thờ, khiêng quan tài rời nhà.

Các chiến sĩ công an đang trên mái nhà để giúp dân tháo dỡ cũng phải vội tuột xuống đất la to: “Nhà sập! Chạy lên, chạy lên!”. Nhà anh Trần Hữu Vĩnh (con trai ông Bi) ở cách nhà cha mẹ khoảng trăm mét. Anh Vĩnh cho biết, trước đó, chỗ nhà anh không có các vết nứt, nhưng khi nhà cha mẹ anh bị sụp xuống sông thì đường nứt lập tức mở rộng và chạy dài ra qua nhà anh. “Lúc nghe mọi người hô hoán, vợ tôi vội bế đứa con chạy ra ngoài. Tôi đang ngủ, nghe tiếng kêu la vội bật dậy chạy ra ngoài mà không kịp đem theo bất cứ thứ gì”, anh kể.

Ngôi nhà của ông Bi mới xây dựng được khoảng 3 năm với kinh phí trên 3 tỷ đồng từ tiền tích góp hơn 30 năm buôn bán của cả gia đình. Sau khi mất nhà, gia đình ông Bi thuê một căn nhà trong khu dân cư để ở. “Đến giờ, khi đi bộ, tôi vẫn có cảm giác đất nghiêng chới với…” - ông Bi nói.

Bà Nguyễn Thị Nở (64 tuổi) thoát chết sau trận sạt lở kinh hoàng. Bà kể: “Sáng đó nước lớn, tôi ôm con chó xuống sông tắm, còn vài ba người khác thì giặt đồ. Khi bước xuống cầu ván, thấy cầu lắc như không có chân, nhưng nghĩ là sóng đánh nên không để ý. Sau đó, tôi thấy nước dưới sông quặn xoáy, rồi nhà nghiêng ra sông, nghe tiếng mọi người kêu la trên bờ nên tôi vội chạy lên. Vừa bước chân tới bờ thì dãy nhà sập ngay sau lưng tôi. Lúc đó, chân tôi không còn bước nổi, cả người run rẩy. Sống ở đây từ nhỏ đến lớn lần đầu tiên tôi thấy trận sạt lở khủng khiếp như vậy”.

Ngôi nhà bà Nở đang ở cũng bị cuốn theo dòng nước trong sáng hôm đó. Bà Nở cho biết gia đình mới đầu tư khoảng 300 triệu đồng để sửa chữa lại. Theo bà Nở, bà con nơi đây đa số nghèo, chỉ có mỗi cái nhà để ở nên khi chính quyền vận động di dời không ai chịu đi, vì đi thì không có chỗ ăn chỗ ở. Khi thấy vết nứt ngày một lớn hơn mới chịu di dời. “Mấy đêm sau khi nhà sập, tôi buồn không ngủ được. Nhờ chính quyền địa phương giúp đỡ tiền bạc, gạo thóc để gia đình tôi ổn định trong lúc khó khăn này” - bà Nở nói.

Nhà ở cách vị trí sạt lở khoảng 200m, nhưng bà Huỳnh Thị Hai (52 tuổi), chủ một tiệm tạp hóa, vẫn không khỏi lo lắng: “Sống trong vùng sạt lở như vầy, lúc nào tôi cũng nơm nớp lo, nhất là khi chứng kiến mười mấy ngôi nhà sập trong nháy mắt. Tôi sợ một ngày nào đó sẽ tới nhà mình nên tâm trạng lúc nào cũng như ngồi trên đống lửa”.

Theo bà Hai, đây là khu vực chợ, trước đây đường sá thông thương, mua bán thuận lợi. Từ khi đường đứt, không qua lại được khiến việc mua bán ế ẩm. Chị Nguyên, chủ quán cà phê ở ấp Mỹ Hội cũng trong tâm trạng bất an. “Quán cà phê của tôi cách chỗ sập khoảng 500m nhưng tôi cũng rất lo, thiên tai ập tới bất thình lình mình không lường trước được. Toàn bộ tài sản vốn liếng tôi dồn vào đây để nuôi sống gia đình, từ khi ở đây bị sập nhà tôi ăn ngủ không yên”- chị Nguyên nói.    

Trong vòng nguy hiểm

Từ trung tâm tỉnh Đồng Tháp chạy theo Quốc lộ 30 về hướng Hồng Ngự giáp với Campuchia, cứ khoảng vài chục cây số là bắt gặp biển báo khu vực sạt lở. Trước đó, vào các ngày 3 - 4 và 7/4 tại khu vực ấp Bình Hòa (xã Bình Thành, huyện Thanh Bình) đã xảy ra sạt lở với đoạn dài 250 m, sâu vào trong 25m ảnh hưởng đến hàng trăm hộ dân ven tuyến sông Tiền. Ngay sau đó, UBND tỉnh Đồng Tháp đã công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở đất bờ sông Tiền.

Ông Nguyễn Văn Hùng - phó trưởng ấp Bình Hòa cho biết, mép sạt lở chỉ còn cách Quốc lộ 30 khoảng 15 m nên rất nguy hiểm, nếu không có biện pháp căn cơ thì sạt lở sẽ còn nguy hiểm hơn. Phó Chủ tịch UBND xã Bình Thành, Nguyễn Thị Ngọc Bích cho biết, địa phương đã chuẩn bị các phương án hỗ trợ, di dời người dân đến nơi an toàn khi cần thiết.

Hiện tại, có 4 hộ bị sạt lở mất nhà được địa phương đưa vào điểm trường mầm non của xã ở tạm. Còn trưởng ấp Bình Hòa Phan Thanh Phương cho biết, toàn ấp có 900 hộ với 5.000 nhân khẩu, đời sống người dân còn khó khăn, chủ yếu làm công nhân và làm nông.

Sạt lở thập diện mai phục ĐBSCL ảnh 1 Bà Nguyễn Thị Mỹ Nương ở ấp Bình Hòa, xã Bình Thành (Thanh Bình, Đồng Tháp) dọn dẹp đồ trong trường mầm non khi đến ở tạm. Ảnh: Hòa Hội.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Nương có nhà bị sạt lở, hiện đang ở tạm trong trường mầm non xã Bình Hòa. Đứng trên nền nhà trống hoác, một nửa bị đổ sụp xuống sông, bà Nương nói: “Cả nhà 7 nhân khẩu, giờ sạt lở mất nhà cửa, không biết chạy đến đâu để ở. Bây giờ miếng ăn còn lo chưa xong, đừng nói chuyện mua miếng đất cất nhà, còn ở tạm trong căn phòng của trường mầm non cũ kỹ, ngột ngạt nhưng cũng phải chịu, vì không còn cách nào khác”. 

Anh Nguyễn Thanh Điền, con trai của bà Nương kể, gần tháng trước khi sạt lở, đất và nhà cửa có dấu hiệu nứt nên ban đêm không dám ngủ, phải canh chừng để kịp chạy trốn. “Sợ lở, đêm ngủ không dám đóng cửa, kẻ trộm lẻn vào nhà lấy cắp một số vật dụng trong nhà lấy cả chiếc điện thoại 500 ngàn đồng”, anh Điền kể. 

Ông Nguyễn Văn La ở ấp Bình Hòa, sống bằng nghề giăng câu lưới dưới sông. Ông cho biết, mấy chục năm trong nghề nhưng chưa bao giờ thấy cảnh khủng khiếp như thế. “Khoảng 1 giờ đêm, tôi đang giăng lưới dưới sông đoạn gần nhà của bà Nương nhìn thấy cảnh nước xoáy quặn cuồn cuộn. Lúc đó, tôi nghĩ chuyện chẳng lành nên vội thu lưới bơi ra chỗ khác, đến sáng lại thì thấy đổ sụp một đoạn mấy chục mét”-ông La nhớ lại.

Ông Lâm Quang Thi – Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang cho biết, toàn tỉnh có 51 đoạn có nguy cơ sạt lở. Hằng năm, Sở TN&MT tiến hành quan trắc 2 lần, điểm nào có nguy cơ cao thì sẽ cảnh báo sớm và tìm cách ứng phó. Hiện tại địa phương cũng không có đủ lực lượng để có thể di dời hết tất cả các hộ dân ở khu vực ven sông.

“Trong số 51 điểm chúng tôi cũng chọn ra khoảng 15 điểm có nguy cơ sạt lở cao, trước mắt ưu tiên để xây dựng các cụm dân cư tránh sạt lở để bố trí dân vô đây trước. Đồng thời, cố gắng vận động để người dân chủ động di dời, không để bị động giống như vụ sạt lở tại xã Mỹ Hội Đông vừa qua”-ông Thi nói.

Ông cũng cho biết, hiện nay pháp luật chưa cho phép cưỡng chế đối với trường hợp có dấu hiệu sạt lở cao…  vì thế địa phương chỉ có cách chủ động ngăn chặn và di dời dân. “UBND tỉnh không cho phép người dân xây nhà gần các khu vực có nguy cơ sạt lở nhưng do người dân chủ quan, khi thấy nhà sụp thì họ mới sợ”- ông Thi nói.

MỚI - NÓNG