Sẽ xây Trung tâm Khoa học & Công nghệ Hạt nhân tại Đồng Nai

Sẽ xây Trung tâm Khoa học & Công nghệ Hạt nhân tại Đồng Nai
TP - Cấu phần chính của Trung tâm Khoa học & Công nghệ Hạt nhân (CNEST) sẽ được xây dựng ở tỉnh Đồng Nai, thay vì thành phố Đà Lạt như kế hoạch trước đây, lãnh đạo Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam trao đổi với phóng viên Tiền Phong bên lề Ngày hội Hạt nhân & Khoa học 2017 khai mạc ngày 18/5 tại Hà Nội.

Đồng Nai có nhiều khu công nghiệp, doanh nghiệp, gần TPHCM nên cơ sở chính của CNEST được đặt ở tỉnh này sẽ thuận lợi hơn cho việc ứng dụng kỹ thuật hạt nhân trong các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội, đặc biệt là y học, nông nghiệp và công nghiệp, TS Nguyễn Hào Quang, Phó Viện trưởng Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam, nói với phóng viên. Cấu phần phụ của CNEST vẫn sẽ được xây dựng ở Hà Nội như kế hoạch ban đầu, nhưng thay vì tập trung nghiên cứu, xử lý các vấn đề về an toàn hạt nhân, cơ sở này sẽ chuyển hướng sang quan trắc, cảnh báo, ứng phó phóng xạ, phân tích, đánh giá rủi ro. Theo kế hoạch ban đầu, nhân lực cho CNET khoảng 250 người, nhưng do trung tâm sẽ không phát triển các bộ phận, lĩnh vực hỗ trợ điện hạt nhân nữa nên số cán bộ, nhân viên làm việc tại đây có thể giảm, TS Quang nói.

“Cùng với phía Nga, chúng ta đang tập trung cho vấn đề xây dựng CNEST. Trung tâm này sẽ là nơi phát triển nguồn nhân lực trong việc ứng dụng năng lượng hạt nhân trong các lĩnh vực đời sống, kinh tế, xã hội”, TS Quang nói. Dự kiến, CNEST có tổng mức đầu tư khoảng 500 triệu USD đến từ vốn vay ưu đãi của Nga.

Việt Nam đã và đang ứng dụng năng lượng hạt nhân trực tiếp, hiệu quả trong ba lĩnh vực y tế, nông nghiệp và công nghiệp, cụ thể là đã tạo ra nhiều giống lúa, ngô, đậu tương đột biến có năng suất cao, chất lượng tốt, thơm, kháng bệnh. Ngoài ra, Việt Nam có tốc độ phát triển thiết bị xạ trị rất cao, sản xuất nhiều dược chất phóng xạ dùng để chẩn đoán sớm ung thư…, TS Quang cho biết. Việt Nam hiện có khoảng 1.300 nguồn phóng xạ được sử dụng trong công nghiệp, chủ yếu trong hệ thống kiểm soát hạt nhân, kiểm tra không phá hủy, địa vật lí giếng khoan và chiếu xạ công nghiệp. Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam đã sử dụng phương pháp kiểm tra không phá hủy để kiểm tra chất lượng nhiều dự án quốc gia như cầu Mỹ Thuận, cầu Việt Trì, nhà máy Nhiệt điện Phú Mỹ…, TS Quang cho biết.

Ngày hội Hạt nhân & Khoa học 2017, do Tập đoàn Năng lượng Nguyên tử Quốc gia Nga (ROSATOM) phối hợp Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Đại học Bách khoa Hà Nội tổ chức trong hai ngày, thu hút sự tham gia của các chuyên gia Nga, Indonesia, Việt Nam và nhiều sinh viên.

MỚI - NÓNG
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
Nhiều chính sách mới có hiệu lực từ tháng 4/2024
TPO - Từ tháng 4/2024, nhiều chính sách mới có hiệu lực như: sửa đổi, bổ sung một số điều của quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông; không xét danh hiệu “Lao động tiên tiến” với người tuyển dụng dưới 6 tháng; quy định mới về xét danh hiệu "Thầy thuốc nhân dân", "Thầy thuốc ưu tú"...
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
Công an thông tin về vụ múc đất cao tốc mang đi bán
TPO - Lãnh đạo Công an huyện Krông Pắc (Đắk Lắk) cho biết, việc khởi tố 2 bị can liên quan múc đất công trình cao tốc Khánh Hoà - Buôn Ma Thuột mang đi bán là hồi chuông cảnh báo. Công an huyện sẽ kiểm tra, xử lý các xe quá khổ, quá tải, nhất là việc múc đất của dự án đổ đi nơi khác không đúng quy định.