Số phận bi thảm của 'phi hành gia tắc kè'

Toàn bộ số tắc kè mà các nhà khoa học Nga đưa lên vũ trụ theo tàu Foton M4, đều chết. Việc xác tắc kè bị khô cứng một phần cho thấy chúng đã chết khoảng một tuần hoặc lâu hơn trước khi tàu vũ trụ quay trở về Trái Đất.
Số phận bi thảm của 'phi hành gia tắc kè' ảnh 1

Tắc kè được giữ trong khoang riêng trên Foton M4 trước khi được đưa lên vũ trụ hồi tháng 7. Ảnh: Roscosmos.

Tháng 7 năm nay, các nhà khoa học Nga đưa tắc kè lên vũ trụ theo tàu Foton M4, nhằm thực hiện nghiên cứu ảnh hưởng của môi trường không trọng lực đối với tắc kè trưởng thành, trong đó có hành vi giao phối và sự phát triển phôi thai.

Tuy nhiên, toàn bộ số tắc kè này đều chết. Việc xác tắc kè bị khô cứng một phần cho thấy chúng đã chết khoảng một tuần hoặc lâu hơn trước khi tàu vũ trụ quay trở về Trái Đất.

Theo người phát ngôn của Viện Y tế và các vấn đề sinh học tại thành phố Moscow, nguyên nhân có thể do ảnh hưởng từ hệ thống điện tử trên khoang.

"Giảm thân thiệt có thể không phải là nguyên nhân chính. Các yếu tố khác bao gồm sự cố từ thiết bị và hệ thống hỗ trợ sự sống trên máy bay", Itar-Tass dẫn lời người phát ngôn nói. Trong khi đó, một đàn ruồi giấm trong nghiên cứu tương tự vẫn sống sót và thậm chí có thể sinh sản được.

Ý tưởng đưa động vật lên vũ trụ bắt đầu xuất hiện từ năm 1948, với việc đưa con khỉ nâu Albert lên độ cao hơn 60 km cùng tên lửa V2. Tuy nhiên, Albert đã bị chết ngạt. Ba con khỉ mang tên Albert được đưa lên vũ trụ theo sứ mệnh V-2 sau đó cũng đều có số phận tương tự.

Mọi thứ bắt đầu thay đổi vào năm 1952, khi một con khỉ có tên Yorick, cùng 11 con chuột, vẫn an toàn trong hành trình trở về cùng chuyến bay của Không quân Mỹ. Chuyến bay này có độ cao hơn 70.000 m, gấp 7 lần so với độ cao của máy bay thương mại. Trong những năm 1950, Mỹ và Liên Xô đều từng tiến hành nhiều thí nghiệm với động vật trong không gian, nhưng trong khi Mỹ mang theo linh trưởng thì sự lựa chọn của bên còn lại là chó.

Trong các cuộc chạy đua về không gian của Nga lúc bấy giờ, nhiều "phi hành gia" động vật là chó cái. Chúng là Dezik, Tsygan, Smelya và Malyshka. Một trong những anh hùng đầu tiên trong chương trình không gian của Nga là con chó có tên Laika. Năm 1957, nó trở thành con vật đầu tiên được đưa lên quỹ đạo cùng với nhiệm vụ tự sát của con tàu Sputnik 2.

Số phận bi thảm của 'phi hành gia tắc kè' ảnh 2

Con tinh tinh đầu tiên lên không gian có tên là Ham (trái) và một con chó chuẩn bị được đưa lên không gian theo chương trình nghiên cứu của Nga (phải). Ảnh: Alamy.

Mỹ tiếp tục thí nghiệm với các loài linh trưởng trong nghiên cứu như Ham, con tinh tinh đầu tiên được đưa lên vũ trụ hay khỉ sóc Gordo. Trong khi đó, chó vẫn là loài động vật được Nga mang theo trong các sứ mệnh tiếp theo. Belka và Strelka là hai con chó sống sót trở về Trái Đất sau chuyến bay vào vũ trụ năm 1960. Một trong số chó con của Strelka sau này đã được tặng cho con của Tổng thống Mỹ John F Kennedy.

Để thử nghiệm tác động của tình trạng không trọng lực và bức xạ từ trong không gian, hai quốc gia đứng đầu trong cuộc đua này đã tiến hành thí nghiệm với nhiều loài khác như thỏ, chuột, ruồi giấm, rùa, giun tròn... Năm 2008, các nhà khoa học phát hiện ra rằng gấu nước, một sinh vật nhỏ bé và nhạy cảm nhất trên hành tinh, có khả năng sống sót ở điều kiện khắc nghiệt mà nhiều loài khác không thể tồn tại. Khoảng 3.000 con gấu nước được đưa vào không gian trên tàu Foton-M3 của Cơ quan Vũ trụ châu Âu và được chứng minh là có khả năng chịu được môi trường chân không của không gian.

Theo Linh Anh

Theo VnExpress, Independent
MỚI - NÓNG