Tạo môi trường cạnh tranh trong triển khai 4G

TP - Tại Hội thảo quốc tế 4G LTE 2016 diễn ra vào ngày 18/8, Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm cho biết, Bộ TT&TT đang xem xét đến khoảng tháng 9 hoặc tháng 10/2016 có thể cấp phép cho các doanh nghiệp khai thác chính thức 4G.

Viettel, Mobifone, Vinaphone đã sẵn sàng

Theo ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Cơ chế Chính sách và Quy hoạch, Bộ TT&TT, đến thời điểm hiện tại các doanh nghiệp viễn thông Viettel, Mobifone, Vinaphone đã nộp báo cáo kết quả thử nghiệm 4G, Bộ TT&TT sẽ xem xét cấp phép 4G cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức triển khai 4G đang đặt ra cho các doanh nghiệp như phải sử dụng lại hạ tầng viễn thông; 4G là công nghệ chú trọng tốc độ truy cập nhiều hơn, trong khi đó 3G chú trọng thoại. Đặc biệt, triển khai 4G các doanh nghiệp cần phải đảm bảo chất lượng dịch vụ vì hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề trong cung cấp dịch vụ truy cập internet băng rộng.

Ông Lê Nam Thắng, nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT cũng cho rằng, năm 2016 là thời điểm tốt để triển khai 4G tại Việt Nam. Công nghệ 4G không chỉ mang tới người dùng dịch vụ mạng di động với tốc độ cao hơn nhiều lần so với công nghệ 3G mà còn đem lại hiệu quả lớn cho nền kinh tế Việt Nam.

Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu (GSA), tính đến hết quý I/2016, số lượng thuê bao 4G LTE đạt 1,29 tỷ với bình quân 2 triệu thuê bao mới mỗi ngày được các nhà mạng khai thác. Hiện tại, trên thế giới đã có 503 mạng 4G LTE được thương mại hóa tại 167 quốc gia tính đến tháng 5/2016. 

Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ: “Năm 2016 sẽ là năm khởi đầu tốt đẹp cho LTE và năm 2017 sẽ là năm phát triển mạnh mẽ”. Hiện tại, công nghệ 4G đã được một số nhà mạng triển khai theo lộ trình. Dựa vào những trải nghiệm đã có của các nhà mạng, Bộ TT&TT đang xem xét để đến tháng 9 hoặc tháng 10/2016 có thể cấp phép khai thác chính thức.

Một nhà cung cấp không sử dụng quá 25% băng tần

Tại hội thảo ông Lê Nam Thắng cho rằng, để triển khai một công nghệ thì phải có đủ băng tần, không nên quy hoạch để một doanh nghiệp chiếm quá nhiều băng tần (30-40% băng tần) dẫn đến tích tụ tài nguyên vào một số doanh nghiệp. Nếu Bộ TT&TT đưa ra được quy định một doanh nghiệp không thể sử dụng quá 25% băng tần thì sẽ đảm bảo môi trường cạnh tranh. Nhìn chung, việc phân chia, quy hoạch băng tần phải bảo đảm đủ cho các doanh nghiệp sử dụng.

Thứ trưởng Phan Tâm cho biết, công nghệ 4G cũng chỉ là một trong những công nghệ trong triển khai Chiến lược phát triển băng rộng Việt Nam. Chương trình phát triển băng rộng quốc gia xây dựng hạ tầng băng rộng hiện đại, tốc độ cao, vùng phủ sóng rộng có đủ khả năng cung cấp đa dịch vụ cho người sử dụng. 

Để phát triển hạ tầng băng rộng thì phải tạo điều kiện cho mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển. Tới đây Bộ TT&TT sẽ rà soát lại các chính sách theo hướng cải cách thủ tục hành chính, giảm rào cản để thêm nhiều doanh nghiệp có thể tham gia vào thị trường băng rộng di động, quản lý cạnh tranh lành mạnh, không phân biệt đối xử giữa các doanh nghiệp khi tham gia thị trường.

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...