Tạo môi trường tốt nhất cho trí thức, nhà khoa học

Bí thư Thành uỷ TPHCM Lê Thanh Hải gặp gỡ các nhà khoa học, trí thức.
Bí thư Thành uỷ TPHCM Lê Thanh Hải gặp gỡ các nhà khoa học, trí thức.
TPO - Nhấn mạnh sự trân quý đội ngũ trí thức, ông Lê Thanh Hải - Bí thư Thành uỷ TPHCM cho rằng, đầu tư cho đội ngũ trí thức chính là đầu tư phát triển.

Sáng nay 18/4, lãnh đạo TPHCM đã gặp gỡ thân mật với trên 100 trí thức, nhà khoa học tiêu biểu nhân kỷ niệm 40 năm ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước.

Những kỷ niệm xúc động của giới khoa học

Tại buổi gặp mặt, Nhà giáo nhân dân GS.TSKH Nguyễn Ngọc Giao, Chủ tịch Liên hiệp các Hội khoa học kỹ thuật TPHCM xúc động nhớ lại: Sau giải phóng, đội ngũ trí thức, nhà khoa thành phố gồm nhiều nguồn: lực lượng tại chỗ, từ chiến khu ra và từ miền Bắc vào, được đào tạo từ các nước xã hội chủ nghĩa và tư bản phương tây. 

Hội trí thức yêu nước được thành lập nhằm tập hợp các lực lượng trí thức, vận động các nhà khoa học miền Nam ở lại, tìm việc làm cho những người thất nghiệp. Từ năm 1986, nhiệm vụ này được giao lại cho Liên hiệp các Hội KHKT.       

Ngoài nghiên cứu khoa học, liên hiệp các Hội KHKT còn tham gia tư vấn, phản biện nhiều chương trình, dự án với sự tham gia của các nhà khoa học trong nước, các trí thức Việt kiều. Lãnh đạo TPHCM luôn quan tâm, ủng hộ, lắng nghe ý kiến phản biện, thường xuyên gặp gỡ, trao đổi với các nhà khoa học.      

“Khi phản biện dự án kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, các nhà khoa học đã cảnh báo nếu không quan tâm đến địa chất thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong quá trình thi công. Quả nhiên, trong quá trình đào hầm ngầm, hai robot bị sụp, kẹt dưới đường hầm không đưa lên được. 

Liên hiệp cũng đã phản biện dự án cổ phần hoá bệnh viện Bình Dân và rất may chính quyền đã cho dừng cổ phần hoá bệnh viện này lại. Hiện nay, chúng tôi đang nghiên cứu một cách toàn diện công trình khu kinh tế biển Cần Giờ, đề xuất và được UBND TPHCM chấp thuận về phát triển bền vững, tư duy lối sống cộng đồng TPHCM” – NGND GS TS Nguyễn Ngọc Giao nói.  

Ông Giao nhìn nhận hạn chế lớn nhất của liên hiệp các Hội KHKT TPHCM hiện nay là chưa có điều kiện khai thác hết tiềm năng của đội ngũ khoa học, trí thức trẻ và chưa quan tâm nhiều đến lĩnh vực giáo dục - đào tạo. Ngoài ra, cơ chế quản lý nghiên cứu khoa học tuy có nhiều cải tiến nhưng chưa như mong muốn.

Để tháo gỡ khó khăn cho các nhà khoa học khi quyết toán kinh phí phải lo từng hoá đơn đỏ, TPHCM đã đề xuất và được Bộ Khoa học công nghệ chấp thuận áp dụng cơ chế đặt hàng để hạn chế tình trạng các nhà khoa học. Tuy nhiên, cơ chế này hiện triển khai chưa nhiều.

GS.TSKH Chu Phạm Ngọc Sơn nhớ lại: Trong những tháng đầu sau giải phóng, anh chị em trí thức tại chỗ chúng tôi hoà nhịp vào cuộc sống mới không phải lúc nào cũng thật dễ dàng. Cũng có những suy tư, những băn khoăn, những bỏ cuộc nửa chừng, những ra đi vào những tháng ngày quá khó khăn của đất nước nhưng phải nói rằng tuyệt đại bộ phận anh chị em đã thắng trận đối với chính mình.

Những năm nhiều khó khăn ấy, Thành uỷ, UBND thành phố, Mặt trận Tổ quốc TPHCM…triển khai những biện pháp chăm lo đời sống hết sức có ý nghĩa dành cho anh chị em trí thức như trợ cấp thêm, mang gạo thịt đến từng gia đình có khó khăn, cấp xăng hàng tháng cho giáo sư, phó giáo sư. 

 “Tôi nhớ mãi nải chuối chín mọng mà chính đồng chí Sáu Dân (tức cố thủ tướng Võ Văn Kiệt) ban đêm tự tay ra vườn chặt gửi lúc hơn 9 giờ đêm để chúng tôi ăn đỡ mệt khi biết chúng tôi còn làm việc tại phòng thí nghiệm trường đại học Tổng hợp. 

Tôi vẫn còn thấy được hình bóng thầy cô giáo khoa địa chất và khoa hoá trường Đại học Tổng hợp cứ ba lô trên vai vào cuối tuần những năm 1976 -1977 lặn lội xuyên rừng, vượt suối băng sông bước theo dấu chân của các anh bộ đội quân khu 7 trong những cánh rừng rậm đó đây còn chưa gỡ kịp mìn để tìm nguồn khoáng sản cần cho sản xuất” – GS.TSKH Chu Phạm Ngọc Sơn kể.

Mong muốn đội ngũ trí thức hiến kế

Theo Bí thư Thành uỷ TPHCM Lê Thanh Hải, đội ngũ trí thức đã có những đóng góp to lớn trong công cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Lực lượng trí thức TPHCM không ngừng phát triển. Từ 20.000 người năm 1975, đến nay, TPHCM đã có trên một triệu trí thức, nhà khoa học.

Đầu tư cho đội ngũ trí thức là đầu tư phát triển bền vững. Đảng và nhà nước rất quý trọng những trí thức vì đất nước, vì nhân dân và luôn tạo ra môi trường làm việc thuận lợi nhất cho đội ngũ trí thức.

“Thành uỷ, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ TPHCM luôn trăn trở về những hạn chế yếu kém trong công tác quản lý đô thị, tình trạng ngập nước, ô nhiễm, kẹt xe, quá tải tại các bệnh viện còn gây bức xúc cho người dân. 

Lãnh đạo TPHCM mong muốn và tin tưởng đội ngũ trí thức đóng góp ý kiến, giải quyết những vấn đề bức xúc của người dân, hiến kế về cải cách hành chính nhằm xây dựng TPHCM phát triển bền vững, trở thành một thành phố nghĩa tình, cùng cả nước, vì cả nước, trở thành một trung tâm tài chính kinh tế lớn của khu vực và thế giới” – ông Hải nhấn mạnh. 
       

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.