Tháng 9/2016 sẽ triển khai 4G tại Việt Nam

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo
TPO - Sáng nay 18/8, tại Hội thảo Quốc tế 4G LTE 2016 ông Trần Tuấn Anh, Trưởng phòng Cơ chế Chính sách và Quy hoạch, Cục Viễn thông, Bộ TT&TT cho biết, dự kiến Bộ TT&TT sẽ cấp phép 4G cho Viettel, Mobifone, Vinaphone vào tháng 9/2016.

Theo ông Trần Tuấn Anh,  hiện nay thị trường băng rộng ở Việt Nam có tổng số khoảng 163 triệu thuê bao di động. Đến thời điểm hiện tại các doanh nghiệp viễn thông Viettel, Mobifone, Vinaphone đã nộp báo cáo kết quả thử nghiệm 4G, Bộ TT&TT sẽ xem xét dự kiến cấp phép 4G cho các doanh nghiệp vào tháng 9/2016. Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức triển khai 4G đang đặt ra cho các doanh nghiệp như phải sử dụng lại hạ tầng viễn thông; 4G là công nghệ chú trọng tốc độ data nhiều hơn, trong khi đó 3G chú trọng thoại. Đặc biệt, triển khai 4G các doanh nghiệp cần phải đảm bảo chất lượng dịch vụ vì hiện nay vẫn còn nhiều vấn đề trong cung cấp dịch vụ cho người dùng 3G.

Nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng cho biết, có nhiều ý kiến tranh luận Việt Nam triển khai 4G là sớm hay là muộn. Tuy nhiên, cần phải xét đến một số yếu tố quyết định thời điểm triển khai 4G, trong đó có tiêu chuẩn công nghệ được ITU công nhận; Sự sẵn sàng về tài nguyên viễn thông trước đây ở Việt Nam làm tốt vấn đề quy hoạch có các băng tần; nhu cầu thị trường và giá thiết bị phải phù hợp với sự phát triển kinh tế, mức thu nhập của người dân. Việc triển khai 4G sớm hay muộn là do sự linh hoạt của cơ quan nhà nước và nhu cầu của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo quan điểm của ông Lê Nam Thắng năm 2016 là thời điểm tốt để Việt Nam triển khai 4G.

Ông Phan Tâm, Thứ trưởng Bộ TT&TT chia sẻ: “Năm 2016 sẽ là năm khởi đầu tốt đẹp cho LTE và năm 2017 sẽ là năm phát triển mạnh mẽ”.

Theo ông Lê Nam Thắng, hiện nay, Việt Nam đang có 3 doanh nghiệp lớn và 2 doanh nghiệp nhỏ tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông. Bản chất thị trường Việt Nam lúc đầu chỉ có Vinaphone và Mobifone sau khi có Viettel tham gia thì sự cạnh tranh quyết liệt hơn, giá cước giảm nhanh hơn. Viettel cũng ra đời hơn 10 năm nhưng đến nay chưa có thêm một doanh nghiệp mới tham gia. Vì vậy nên có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế có năng lực tham gia thị trường viễn thông.

Cũng theo nguyên Thứ trưởng Bộ TT&TT Lê Nam Thắng, ở Việt Nam triển khai 4G sẽ thúc đẩy rất nhanh việc phát triển hạ tầng băng rộng. Băng thông 3G chưa thể so sánh với băng thông cố định (cáp đồng IDSL và cáp quang) bởi tính ổn định, tuy nhiên với 4G với tốc độ tương đương với công nghệ IDSL nên có thể đảm bảo.

Ông Mantosh Malhotra, Giám đốc Qualcomm khu vực Đông Nam Á cho rằng, việc triển khai 4G sớm hay muộn không quan trọng bằng việc phát triển sử dụng hết công nghệ như thế nào vì người sử dụng ngày càng có yêu cầu khắt khe hơn. Mạng 4G triển khai được rất nhiều ứng dụng trong đó có Video sẽ được cải thiện đáng kể. Với 4G ở Việt Nam trước khi triển khai cần có những trạm dày đặc hơn để giảm độ trễ cung cấp dịch vụ tốt hơn cho người sử dụng.

Nhiều chuyên gia cho rằng, sự phát triển của 4G LTE đóng một vai trò quan trọng trong kỷ nguyên Internet kết nối vạn vật của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Theo báo cáo của Hiệp hội các nhà cung cấp dịch vụ di động toàn cầu (GSA), tính đến hết quý I/2016, số lượng thuê bao 4G LTE đạt 1,29 tỷ với bình quân 2 triệu thuê bao mới mỗi ngày được các nhà mạng khai thác.

Hiện tại, trên thế giới đã có 503 mạng 4G LTE được thương mại hóa tại 167 quốc gia tính đến tháng 5/2016 (theo thống kê từ GSA).

MỚI - NÓNG