Thỏa ước nguyện gặp tê giác một sừng

Tê giác một sừng Ấn Độ ở Vườn thú Chiang Mai.
Tê giác một sừng Ấn Độ ở Vườn thú Chiang Mai.
TP - Tuy chỉ tình cờ ghé thăm trên đường trở về từ chuyến tham quan chùa Phrathat Doi Suthep nổi tiếng nhưng Sở thú Chiang Mai (Thái Lan) đã khiến chúng tôi đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, đặc biệt được nhìn thấy tê giác một sừng - một trong những loài nguy cấp nhất thế giới và đã tuyệt chủng tại Việt Nam 3 năm trước.

Vườn thú lớn nhất Đông Nam Á

Rộng hơn 80 ha với trên 8.000 loài động vật sinh sống, Vườn thú Chiang Mai (được sự bảo trợ của vua Thái Lan) nằm trên sườn rừng Doi Suthep hiện là vườn thú lớn nhất Đông Nam Á, đứng trong top vườn thú lâu đời và lớn nhất thế giới. Trong đó, khoảng 2.000 loài chim, thú... bản địa hoặc được kỳ công mang về từ nhiều quốc gia châu Á, châu Phi được nuôi nhốt bán tự nhiên để thuận tiện cho khách tham quan. Sau khi kiểm tra vé vào cổng, cô nhân viên đưa tấm bản đồ để chúng tôi định hướng, lựa chọn những điểm đến ưa thích.

Nơi đây hội tụ cả ba loài mãnh thú lớn nhất và quý hiếm thuộc họ mèo là hổ, beo và sư tử. Beo đến từ Mexico, còn sư tử thuộc miền nhiệt đới châu Phi. Ngoài hổ vằn Phi châu dũng mãnh còn có hổ trắng Ấn Độ tuyệt đẹp với đôi mắt xanh, cái mũi màu hồng loài thú giỏi bơi lội nhưng lại kém leo trèo. Không chỉ khiến du khách mãn nhãn với con voi châu Á to kềnh càng và hay bày trò, sở thú còn trưng bày bộ xương của con voi Plai - Eak với chiếc ngà đã được sách kỷ lục Guinness công nhận dài nhất thế giới.

Du khách còn có cơ hội khám phá cuộc sống hoang dã của loài hà mã đến từ sa mạc Sahara, heo vòi Mã Lai, linh cẩu châu Phi, hải cẩu Cape, gấu túi, ngựa vằn, lạc đà… tất cả đều khỏe mạnh, sung mãn, lanh lợi. Các chú nai, hoẵng, hươu cao cổ dạn dĩ quẩn quanh bên du khách để được thưởng chuối, mía… Các khu nhà lưới rộng hàng ngàn mét vuông bao phủ những khoảnh rừng xanh ngát và dòng suối trong mát để các loài chim quý hiếm, hót hay, xinh xắn trú ngụ, phát triển bầy đàn. Trong đó, nhiều loài có tên trong sách đỏ thế giới như sếu xám hoàng gia - biểu tượng của quốc gia Uganda, cò lạo Ấn Độ với hình dáng và màu sắc rất đẹp, mỏ dài, chân màu hồng nhạt…

Mặc dù tọa lạc ở một tỉnh miền núi nhưng Vườn thú có thủy cung rộng lớn, sống động lưu giữ hàng ngàn sinh vật biển và được thiết kế đường hầm trong suốt với chiều dài kỷ lục ở Đông Nam Á  (133m) thuận tiện cho khách tham quan. Đặc biệt có các khu nhà lạnh dành cho gấu trúc, chim cánh cụt. Việc đôi gấu trúc nổi tiếng Lin Hui và Xuang Xuang (đại sứ thiện chí của Trung Quốc tại Thái Lan) sinh được một con cái xinh xắn từng trở thành sự kiện lớn ở Thái Lan. 20.000 bưu thiếp đã được gởi đến để tham gia chọn tên cho cô và Lin Ping là cái tên được chọn. Thông tin về Lin Ping liên tục được cập nhật trên báo chí và mạng xã hội; lễ mừng sinh nhật 1 tuổi của cô thu hút nhiều người hâm mộ tham gia. 

Ban đầu chỉ định thăm thú vài nơi cho biết nhưng rồi chúng tôi bị cuốn hút lúc nào không hay và đã lang thang hơn nửa ngày trong vườn thú. Vé vào cổng chỉ 100 baht (gần 70.000 đồng Việt Nam) nhưng những điểm tham quan được đầu tư lớn như thủy cung, gấu trúc, nhà vòm tuyết, công viên mạo hiểm… đều bán vé vào cửa; rồi thì vé tàu điện trên không để ngắm cảnh, vé xe buýt dưới đất để di chuyển trong vườn thú rộng mênh mông. Nhẩm lại mỗi người tiêu tốn hơn 1.000 baht. “Họ đúng là biết cách khiến du khách móc hầu bao. Tuy nhiên cũng đáng đồng tiền bát gạo” - anh Quốc nói.

Thỏa ước nguyện gặp tê giác một sừng ảnh 1

Gấu trúc ở Vườn thú Chiang Mai.

Gặp sứ giả thời tiền sử


Gần đến giờ đóng cổng (17 giờ 30’) nên cô soát vé có phần rảnh rỗi để trò chuyện. Cô cho biết mỗi tháng có 30 vạn lượt khách tham quan vườn thú, còn số nhân viên phục vụ lên tới cả ngàn người. “Các bạn thích loài thú nào nhất: gấu trúc, chim công hay tê giác một sừng?” – cô hỏi. Tôi sững người khi nghe nhắc đến tê giác một sừng và biết rằng mình đã bỏ sót vài điểm tham quan thú vị. Tôi nhìn sang Quốc nhưng anh bạn đồng hành mặt mũi bơ phờ vì nắng nóng và lội bộ quá nhiều lắc đầu quầy quậy: “Chịu thôi, không đi nổi nữa!”. Tôi vội vã mua vé xe buýt và nhờ bác tài chở đến điểm tham quan tê giác ở nơi xa nhất của vườn thú.

Kia rồi con tê giác một sừng mà nhiều người trong chúng tôi khao khát đi tìm hàng chục năm ròng nhưng chưa một lần nhìn thấy. Theo bác tài kiêm hướng dẫn viên, chú tê giác này được tìm thấy dưới chân núi của dãy núi Himalaya thuộc Ấn Độ; cao dễ tới 1,8m, chiều dài gấp đôi chiều cao, nặng khoảng 2,5 tấn. Lớp da dầy màu xám gần như trụi lông với cấu trúc khảm tự nhiên như có ánh bạc phủ thành từng nếp gấp xung quanh cổ, lưng và mông; chân trước và vai được che phủ bởi rất nhiều cái bướu to nhỏ khiến ta có cảm giác đây không phải là da của sinh vật sống mà là bộ áo giáp. Thân hình đồ sộ, lớp da kỳ lạ và phong thái lừ đừ chậm chạp đó quả là đặc trưng cho loài thú được mệnh danh là sứ giả còn sót lại từ thời tiền sử: xuất hiện trong các bằng chứng hóa thạch ở châu Á vào khoảng 1,6 đến 3,3 triệu năm về trước.

Theo các cơ quan chức năng, thế giới hiện còn 5 loài tê giác là tê giác đen, tê giác trắng, tê giác Ấn Độ, tê giác Sumatra và tê giác Ja-va, đều có nguy cơ bị tuyệt chủng và đã được đưa vào Sách Đỏ của IUCN. Hai loài tê giác Ấn Độ và Java có 1 sừng, hiện chỉ còn khoảng 2.500 con sống sót ở Ấn Độ, Nepal và Indonesia. Các loài tê giác còn lại đều có 2 sừng, chủ yếu sinh sống ở châu Phi với tổng đàn chừng 25.000 con.

Chính chiếc sừng với chiều dài từ 20 - 101cm (tùy vào loài và độ tuổi) mà theo lời đồn thổi có thể chữa được bá bệnh, trong đó có ung thư và chế biến chất kích thích tình dục đã khiến tê giác trên toàn thế giới bị săn lùng, giết chết để cưa sừng. Đã thế, nhiều người giàu ở châu Á còn quan niệm rằng sở hữu sừng tê giác là thể hiện đẳng cấp; một số đối tượng chơi ngông dùng bột sừng tê giác để… giải rượu.

Thỏa ước nguyện gặp tê giác một sừng ảnh 2 Bộ xương con tê giác cuối cùng bị giết ở Việt Nam. Ảnh: VQGCT.
Mặc dù kết quả nghiên cứu khoa học cho thấy sừng tê giác không có tác dụng chữa bệnh nhưng những kẻ buôn bán và săn bắt trái phép đã móc nối với nhau tìm mọi cách gieo rắc vào tâm trí của những người giàu ở châu Á rằng sừng của loài thú này là thần dược và thổi giá 1kg sừng tê giác lên tới hơn 30.000 USD. Tê giác ngày càng hiếm thì các nhóm tội phạm trên toàn thế giới càng ráo riết săn lùng với nhiều cách thức tinh vi (thậm chí huy động cả máy bay) để kiếm lợi nhuận khổng lồ. Chẳng thế mà chỉ trong 3 năm gần đây, IUCN đã phải liên tiếp công bố 2 phân loài tê giác bị tuyệt chủng, đó là tê giác đen Tây Phi và tê giác một sừng Việt Nam.

Tê giác Việt Nam là một phân loài của tê giác Java và là loài quý hiếm, nguy cấp nhất thế giới. Từng bị cho là đã tuyệt chủng nhưng vào năm 1982, người ta bất ngờ phát hiện một con tê giác bị sát hại tại khu rừng giáp ranh giữa Cát Tiên và Bảo Lộc (Lâm Đồng). Các năm 1984, 1988 và 1991 lại thêm 3 con tê giác bị giết  nên Quỹ bảo vệ động vật hoang dã thế giới (WWF) quyết định tài trợ cho Việt Nam để khảo sát và tuyên tuyền bảo vệ loài tê giác Java. Khu bảo tồn tê giác Cát Lộc (thuộc VQG Cát Tiên) được thiết lập trên diện tích rộng hơn 70.000 ha. Theo khảo sát ban đầu, quần thể tê giác ở Cát Lộc có khoảng 10 - 15 con, đến năm 2007 chỉ còn từ 4-5 con và vào năm 2010, con tê giác Việt Nam cuối cùng được phát hiện đã chết tại khu rừng thuộc địa giới hành chính xã Gia Viễn (Cát Tiên).

Suốt mười mấy năm khoanh vùng bảo tồn tê giác tại VQG Cát Tiên, chưa một nhà khoa học hoặc cảnh sát rừng nào được tận mắt nhìn thấy chúng sinh sống giữa môi trường thiên nhiên. Nhờ sự mách lối, chỉ đường của một số lão làng người S’Tiêng, các chuyên gia của WWF đã đặt bẫy ảnh và chụp được 12 kiểu ảnh tê giác để có thể khẳng định tê giác một sừng còn tồn tại ở nơi này. Đôi lần cánh phóng viên chúng tôi được tháp tùng đoàn khảo sát lần theo dấu vết của tê giác nhưng cũng chỉ phát hiện được dấu chân và những đống phân. Lần duy nhất được nhìn thấy tê giác bằng xương bằng thịt ở Cát Tiên thì cũng chỉ là cái xác đã thối rữa với vết đạn trong chân, còn chiếc sừng đã bị cưa và lấy đi. 

Những hồi ức chua xót về tê giác của tôi bị gián đoạn khi nhân viên sở thú nhắc nhở hãy rời khỏi vườn vì đã hết giờ tham quan. Quay lại nhìn con tê giác khổng lồ đang chậm rãi nhai cỏ, tôi tự hỏi liệu con cháu mình có cơ hội nhìn thấy tê giác không? dẫu chỉ là ở trong sở thú bởi loài động vật vốn chẳng có kẻ địch nào trong thiên nhiên nhưng lại bị con người sát hại với tốc độ chóng mặt: Chỉ trong năm 2013 có trên 1.000 con tê giác bị săn trộm, nghĩa là từ 2 – 3 con bị giết mỗi ngày để lấy sừng.


MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.