Thời tiết ngày càng bất thường, khó dự đoán

Mưa lũ lịch sử ở miền Trung
Mưa lũ lịch sử ở miền Trung
Năm 2016 ghi nhận hàng loạt sự bất thường của thời tiết khi có tới 10 cơn bão đi vào biển Đông, mưa lũ lịch sử ở miền Trung và mùa đông "ấm áp" chưa từng có ở miền Bắc. Theo các chuyên gia khí tượng thuỷ văn, thời tiết Việt Nam ngày càng khó dự đoán.

GS Phan Văn Tân – Khoa khí tượng thuỷ văn và hải dương học (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, sự bất thường của thời tiết năm 2016 thể hiện rõ ở chỗ đầu năm rét kỉ lục, xuất hiện tuyết rơi ở Nghệ An, Hà Nội; giữa năm hạn hán diễn ra nghiêm trọng ở các tỉnh Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và Nam Bộ; cuối mùa thu xuất hiện mưa lũ lịch sử ở miền Trung; cuối năm là mùa đông nóng chưa từng có.

Đặc biệt, đến cuối tháng 12, bão vẫn còn xuất hiện trên biển Đông trong khi thông thường, vào thời điểm này, các xoáy thuận nhiệt đới đã trôi xuống phía Nam bán cầu.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Trưởng phòng dự báo khí tượng hạn vừa - hạn dài (Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương) cho biết, các tỉnh miền Bắc đang trải qua mùa đông nóng khác thường.

Theo số liệu quan trắc, nhiệt độ trung bình nửa đầu tháng 12 năm nay ở Hà Nội cao nhất cùng kỳ 10 năm qua. Trạm khí tượng ở Láng (Hà Nội) ghi nhận, nhiệt độ trung bình nửa đầu tháng 12 lên tới 22,4 độ trong khi nhiệt độ cùng kỳ 10 năm trở lại đây là 18,5 độ.

Trong tháng 12 – tháng chính của mùa đông, các đợt không khí lạnh vẫn liên tục được bổ sung, tuy nhiên cường độ không mạnh, không đủ để làm nền nhiệt giảm sâu.

“Tất cả các đợt không khí lạnh ở Việt Nam đều có nguồn gốc từ khối áp cao lạnh Siberia (Nga) tràn xuống. Nếu khối khí lạnh này có cường độ mạnh và di chuyển với tốc độ nhanh sẽ tạo ra rét đậm, rét hại đối với khu vực nó quét qua. Tuy nhiên, khi tới Việt Nam, các khối khí lạnh này đều yếu và di chuyển chậm” – ông Quang giải thích.

Không chỉ riêng Việt Nam, trên quy mô toàn cầu cũng đang diễn ra sự gia tăng nhiệt độ rõ rệt. Các chuyên gia khí tượng cho rằng, mùa đông trên khắp hành tinh sẽ ngày càng ấm áp hơn. 

Theo GS Tân, rất khó trả lời chính xác nguyên nhân của các hiện tượng thời tiết bất thường trên. Tuy nhiên, diễn biến phức tạp về thời tiết tại nhiều nơi trên thế giới đã cho thấy biến đổi khí hậu đang diễn ra mạnh mẽ.

“Biến đổi khí hậu có thể diễn ra theo 2 chiều hướng: Biến đổi từ từ, khó có thể phát hiện được và biến đổi dao động mạnh. Những hiện tượng bất thường trên có thể là do các biến đổi dao động mạnh. Các nhà khoa học cần phải nghiên cứu sâu hơn nữa để có thêm những bằng chứng khoa học” – GS Tân nói.

Theo vị chuyên gia này, mùa đông ở miền Bắc sẽ vẫn tồn tại khi mà nó vẫn tuân theo quy luật quỹ đạo của Trái Đất. Tuy nhiên, số ngày rét đậm, rét hại sẽ giảm đi. Trong thời gian tới, các hiện tượng thời tiết cực đoan còn diễn ra phức tạp nếu khí nhà kính không giảm đi.

Thông tin từ Trung tâm KTTV Quốc gia, trong năm 2016, các hiện tượng thời tiết cực đoan đã khiến nước ta thiệt hại khoảng 1,7 tỷ USD (tương đương 1% GDP). Lốc xoáy diễn ra khắp nơi ở Bình Phước, Nghệ An, Sóc Trăng, Gia Lai, Quảng Bình, Quảng Trị…

Đặc biệt, trong ngày 5-6-2016, vòi rồng xuất hiện 2 lần ở đảo Cồn Cỏ. Trong năm, có 10 cơn bão xuất hiện trên biển Đông, trong đó có 4 cơn ảnh hưởng trực tiếp tới đất liền nước ta. Riêng cơn bão số 1 (27 và 28-7-2016) rất phức tạp và hiếm gặp, làm thương vong 28 người, ước tính thiệt hại hơn 3.500 tỉ đồng.

Trong năm 2016 cũng xuất hiện nhiều đợt lũ lớn trên diện rộng. Hai đợt mưa lũ diễn ra từ ngày 13 đến 18-10-2016 và từ 30-10 đến 7-11-2016 tại Trung Bộ đã làm 65 người thương vong, tổng thiệt hại lên tới 7.190 tỉ đồng.

Hiện tượng El Nino kéo dài từ năm 2014 đến giữa năm 2016 cũng gây ra hạn hán, xâm nhập mặn nghiêm trọng tại đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ… Riêng tại đồng bằng sông Cửu Long, ước tính thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn đã lên tới 7.900 tỉ đồng.

Theo Theo CAO
MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.