Thu hút nhà khoa học trẻ, cách nào?

TP - Đó là chủ đề buổi giao lưu trực tuyến do báo Tiền Phong phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển truyền thông khoa học và công nghệ, Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức chiều qua, 25/8.

Thu hút nhà khoa học trẻ, cách nào? ảnh 1 Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam GS.TSKH Dương Ngọc Hải trao đổi cùng các nhà khoa học trẻ tiêu biểu - TS Vũ Thị Thu (Đại học KHTN, Đại học Quốc gia Hà Nội), PGS.TS Phạm Hoàng Hiệp (Viện Toán học) và ThS. Lê Văn Huyên (Tổng công ty Viễn thông Mobifone) tại buổi giao lưu trực tuyến “Thu hút nhà khoa học trẻ, cách nào” trên Tiền Phong Online. Ảnh : Như Ý.

Những khó khăn đang dần được tháo gỡ

Buổi giao lưu trực tuyến có sự tham gia của các khách mời là Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc, GS.TSKH Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam cùng ba nhà khoa học trẻ tiêu biểu. TS Vũ Thị Thu, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội, tác giả của tám bài báo quốc tế, 23 bài đăng hội thảo quốc tế. PGS.TS Phạm Hoàng Hiệp - Viện Toán học, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, người vừa giành giải thưởng trẻ của giải thưởng Tạ Quang Bửu và ThS  Lê Văn Huyên, người có 11 sáng kiến, giải pháp giúp Tổng công ty Viễn thông Mobifone tiết kiệm 25 tỷ đồng chi phí đầu tư.

TS Vũ Thị Thu cho hay, mới trở về nước sau thời gian làm nghiên cứu sinh ở nước ngoài, chị thấy cơ chế làm việc, chính sách đãi ngộ cho cán bộ khoa học trẻ được quan tâm hơn nhiều, nhất là cơ chế của Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia, giúp các nhà khoa học trẻ tiếp cận với các đề tài, dự án khi có ý tưởng chứ không phải lập kế hoạch như trước kia. Tuy nhiên, theo TS Thu, những người làm khoa học trẻ vẫn cần được hỗ trợ hơn nữa “làm khoa học nhưng phải nghĩ chuyện kinh tế của gia đình thì không thể tập trung hết cho nghiên cứu”, TS Thu chia sẻ.

“Cơm áo gạo tiền” vẫn khiến nhiều nhà khoa học trẻ là khách mời cũng như độc giả phải băn khoăn. ThS Lê Văn Huyên cho hay, chế độ đãi ngộ tốt sẽ giúp giữ chân các nhà khoa học gắn bó với nghiên cứu. Bạn bè mình, lứa sinh năm 1982, khi ra trường, nhiều người theo con đường nghiên cứu. Một số sau đó nhận học bổng ra nước ngoài và nhiều năm rồi vẫn chưa thấy về. Một phần ra thị trường làm thuê cho các công ty nước ngoài, hoặc tự kinh doanh riêng.

Có độc giả hỏi GS.TSKH Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam “So với thời của GS, các nhà khoa học trẻ khó khăn hay thuận lợi hơn?”. GS Hải chia sẻ, “thế hệ trẻ hiện nay có hai thuận lợi cơ bản là cơ sở vật chất tốt hơn, cơ hội học tập ở nước ngoài, hội nhập quốc tế nhiều hơn. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng ở thế hệ chúng tôi có một thuận lợi rất lớn về mặt tinh thần, đó là sự đánh giá cao đến mức tuyệt đối về khoa học công nghệ, cho nên khi đi học, chúng tôi hầu như 100% tập trung vào học tập và không phân tán tư tưởng về những suy nghĩ khác, những tác động xã hội”.

Cũng theo GS Hải, thời gian qua đã có nhiều chính sách đãi ngộ cho các nhà khoa học trẻ, nhưng như thế chưa đủ để họ toàn tâm toàn ý làm nghiên cứu, nhất là chế độ lương. 

“Thế hệ trẻ hiện nay có hai thuận lợi cơ bản là cơ sở vật chất tốt hơn, cơ hội học tập ở nước ngoài, hội nhập quốc tế nhiều hơn. Tuy nhiên, cá nhân tôi cho rằng ở thế hệ chúng tôi có một thuận lợi rất lớn về mặt tinh thần, đó là sự đánh giá cao đến mức tuyệt đối về khoa học công nghệ, cho nên khi đi học, chúng tôi hầu như 100% tập trung vào học tập và không phân tán tư tưởng về những suy nghĩ khác, những tác động xã hội”.

GS.TSKH Dương Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học & Công nghệ Việt Nam 

Chia sẻ về những khó khăn các nhà khoa học trẻ đang gặp phải, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho hay vừa có bạn hỏi tôi đã bao giờ vi hành không kèn trống để trực tiếp trao đổi với các nhà khoa học, đặc biệt là các bạn trẻ về chính sách đãi ngộ và khó khăn cần được giúp đỡ? Tôi trả lời rằng Bản thân tôi có rất nhiều người bạn đang làm giáo viên ở các trường đại học, làm nghiên cứu ở các viện nghiên cứu và chúng tôi thường xuyên gặp gỡ nhau. Vì vậy chúng tôi hiểu những khó khăn, vất vả mà những nhà khoa học trẻ đang phải trải qua và chúng tôi cũng đang cố gắng từng ngày để tháo gỡ những khó khăn ấy.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, thời gian qua Chính phủ và Bộ KH&CN đã dành nhiều sự quan tâm đối với các nhà khoa học trẻ Việt Nam. Sau khi Luật Khoa học và Công nghệ có hiệu lực, Bộ KH&CN đã ban hành Nghị định 40/2014/NĐ-CP quy định về sử dụng, trọng dụng các cá nhân hoạt động khoa học công nghệ, trong đó dành riêng một mục quy định những chính sách đãi ngộ với các nhà khoa học trẻ tài năng. Nghị định 95/2014/NĐ-CP Quy định về đầu tư và cơ chế tài chính đối với hoạt động KH&CN; Thông tư 55/2015/TTLT-BTC-BKHCN hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước đã tạo môi trường thông thoáng cho nghiên cứu. Đồng thời Bộ KH&CN đang triển khai các phương thức hỗ trợ kinh phí, đầu tư cho các đề tài, dự án nghiên cứu - ứng dụng bằng cơ chế Quỹ: Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia (Nafosted), các Chương trình phát triển KH&CN và đang tiếp tục hoàn thiện Quỹ Phát triển KH&CN của các bộ, ngành, doanh nghiệp, địa phương, các nguồn lực khác.

Theo TS Vũ Thị Thu, PGS.TS Phạm Hoàng Hiệp, cơ chế quỹ mà đầu tiên là Quỹ Phát triển Khoa học và Công nghệ Quốc gia đã giúp các nhà khoa học trẻ rất nhiều trong việc tiếp cận đề tài, dự án. Hai nhà khoa học trẻ hy vọng, cơ chế quỹ sẽ được nhân rộng.

Thu hút nhà khoa học trẻ, cách nào? ảnh 2

Tổng Biên tập báo Tiền Phong Lê Xuân Sơn tặng hoa các vị khách mời tại buổi giao lưu trực tuyến. Ảnh: Như Ý.

Trái ngọt của tập thể

Ba nhà khoa học trẻ tham dự buổi giao lưu trực tuyến hôm qua ở báo Tiền Phong đều là những gương mặt nhà khoa học sáng giá, sẽ tham dự buổi gặp mặt của lãnh đạo Chính phủ với các nhà khoa học trẻ vào tháng 9 tới. Làm thế nào mà anh (chị) đạt thành công là câu hỏi nhiều độc giả đặt ra với ba gương mặt này. 

Theo TS Vũ Thị Thu chia sẻ, ngoài nỗ lực của bản thân thì chị may mắn được làm việc trong một môi trường nghiên cứu khoa học tốt, có nhiều người giỏi giúp mình luôn cố gắng phấn đấu trong công việc. ThS Lê Văn Huyên kể, với cá nhân anh, để có những kết quả tốt trong giai đoạn công tác vừa qua, cần một yếu tố rất quan trọng là môi trường để ứng dụng. Những ý tưởng của tôi hầu hết đều nhỏ, việc hoàn thiện ý tưởng không tốn quá nhiều thời gian, nhưng bù vào đó là quá trình đưa ý tưởng vào thực tế. Nhờ có sự phối hợp của các anh chị em đồng nghiệp, sự hỗ trợ của lãnh đạo doanh nghiệp, các ý tưởng của tôi mới có thể trở thành hiện thực. 

Trong khi đó, PGS.TS Phạm Hoàng Hiệp nhận mình là người may mắn khi gặp được những người thầy, nhà Toán học tiền bối rất tận tâm động viên, giúp đỡ trong quá trình nghiên cứu khoa học. Nhiều tên tuổi được PGS Hiệp nhắc đến như  GS Nguyễn Văn Khuê ở trường ĐHSP Hà Nội, GS Urban Cegrell ở trường ĐH Umea (Thụy điển), GS Jean-Pierre Demailly, Viện Fourier (Pháp), GS Teleman, ĐH Aix-Marseille (Pháp). “Họ đều là những nhà khoa học rất tuyệt vời, rất say mê với khoa học và quan tâm giúp đỡ các thế hệ trẻ tiếp theo.

Ngoài ra, GS Dương Hồng Phong, GS Ngô Việt Trung,… luôn động viên, giúp đỡ các nhà Toán học trẻ như chúng tôi. Sau này khi chuyển công tác sang Viện Toán học - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, tôi nhận được rất nhiều quan tâm, ủng hộ từ mọi người để có môi trường làm việc thuận lợi nhất có thể”, TS Hiệp tâm sự.

Bên cạnh sự giúp đỡ là những đam mê. PGS Hiệp cho rằng bất cứ một vấn đề gì để đạt được thành công đều phải có niềm đam mê, nhiệt huyết về vấn đề đó. Riêng với khoa học còn thêm sự tập trung tư duy và sự kiên trì, nhẫn nại. Chúng ta cố gắng giải quyết các vấn đề khoa học đơn giản trước để tạo sự hứng thú, niềm đam mê tiếp tục giải quyết các vấn đề khoa học phức tạp.

MỚI - NÓNG