Thủ tướng phê duyệt xây Bảo tàng Thiên nhiên rộng 30ha

Học sinh tham quan tại Phòng trưng bày tiến hóa sinh giới ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
Học sinh tham quan tại Phòng trưng bày tiến hóa sinh giới ở Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam.
TP - Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam sau gần 10 năm có quy hoạch. Dự kiến, đến 2025, bảo tàng rộng khoảng 30 ha với khu trưng bày trong nhà, khu trưng bày ngoài trời như rừng, hang động, công viên đá… sẽ hình thành.

Xây dựng môi trường giáo dục

Tháng 5/2014, Phòng trưng bày tiến hóa sinh giới của Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam đi vào hoạt động tại số 18 Hoàng Quốc Việt (Hà Nội), trong không gian của Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam. Gần 10 tháng, phòng đón tiếp 30 nghìn lượt khách, hầu hết là học sinh. Bảo tàng mở cửa miễn phí, thứ 3, 4 phục vụ các đoàn nghiên cứu, học tập, chủ yếu là học sinh, sinh viên các trường phổ thông và đại học. Thứ 5, 6 đón khách thập phương, phần đông là học sinh. Nhiều trường học đã đưa học sinh đến tham quan, học tập, ví dụ Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm Hà Nội hàng ngày trong tuần (từ thứ 3 đến thứ 6) đưa hết học sinh đến đây tham quan, mỗi tuần vài lớp.

Trong diện tích 300 mét vuông là câu chuyện về sự hình thành và tiến hóa của sự sống suốt gần 4 tỷ năm từ khi trái đất hình thành sau một vụ nổ của vũ trụ. Phòng trưng bày nhiều mẫu vật như  địa chất, khủng long, người vượn, cây tiến hóa sinh giới, v.v.

Ông Vũ Văn Liên, Phó Giám đốc Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam, cho biết, bảo tàng kết hợp việc tham quan với học tập, ví dụ học sinh trường thực nghiệm Hà Nội đến đây được chuyên gia chia sẻ thông tin theo chuyên đề về thực vật, động vật, động vật chân khớp, tiến hóa người, các em được thấy, thậm chí tận tay sờ vào mẫu vật được học trong sách.

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam khi xây dựng xong (dự kiến 2025) cũng sẽ hướng tới mục tiêu là nơi tham quan, học tập của học sinh, sinh viên, cũng là nơi tìm hiểu, nghỉ ngơi và giải trí của công chúng. Khu trưng bày ngoài trời sẽ có rừng nhiệt đới thu nhỏ, có chim chóc, hươu nai, nhà nuôi bướm, khu trưng bày sinh vật biển, khu vườn địa chất, khu trưng bày hóa thạch (khủng long). Bảo tàng sẽ là mô hình thu nhỏ của hệ thống thiên nhiên bao la, rộng lớn. Ở đó, học sinh có thể ở hai ngày cuối tuần để vừa tham quan, vừa học tập như một hình thức dã ngoại.

Hàng ngàn mẫu vật chưa được trưng bày

Ý tưởng thành lập Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam được nung nấu cách đây vài chục năm, là bảo tàng thiên nhiên đầu tiên ở Việt Nam. Sau 10 năm có quy hoạch, chủ trương đầu tư xây dựng bảo tàng vừa được phê duyệt đầu năm 2015.

Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam xây dựng trên diện tích khoảng 30ha. Hai địa điểm được lựa chọn là Khu đô thị sinh thái Quốc Oai thuộc địa giới hành chính xã Liệp Tuyết, Ngọc Liệp và Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai, Hà Nội) hoặc Khu Làng Văn hóa – Du lịch các dân tộc Việt Nam tại Đồng Mô (Sơn Tây, Hà Nội). Theo ông Liên, Bảo tàng lựa chọn phương án một.

Dự án gồm hai giai đoạn, giai đoạn I (2015-2020) chuẩn bị mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, tổ chức tìm kiếm, tiếp nhận, thu thập, sưu tầm mẫu vật, xây dựng kịch bản trưng bày và trưng bày, triển lãm, xây dựng kế hoạch và đào tạo nguồn nhân lực. Giai đoạn II (2021 - 2025 ) sẽ hoàn thiện các hạng mục xây dựng cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, tìm kiếm, tiếp nhận, thu thập, sưu tầm mẫu vật bổ sung hoàn thiện kịch bản trưng bày và trưng bày triển lãm, đào tạo nguồn nhân lực.

Ông Liên cho hay, phòng trưng bày tiến hóa sinh giới hiện nay có gần 2.000 mẫu vật nhưng bảo tàng đang có số lượng mẫu vật gấp hơn 20 lần như thế, chỉ lo không đủ không gian trưng bày.

Dự kiến kinh phí xây dựng Bảo tàng thiên nhiên Việt Nam từ nguồn ngân sách Nhà nước, từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cũng như các nguồn vốn hợp pháp khác. 

Post by Báo Tiền Phong.

MỚI - NÓNG
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
Ga Hà Nội sẽ thành ga đường sắt đô thị nội đô
TPO - Sở GTVT Hà Nội vừa báo cáo thành phố việc rà soát và đưa ra định hướng xây dựng các dự án đường sắt đô thị, đường sắt quốc gia trên địa bàn. Theo đó, từ nay đến năm 2035, các tuyến đường sắt quốc gia sẽ di dời ra ga đầu mối Ngọc Hồi, ga Hà Nội sẽ trở thành ga đường sắt nội đô.