Triển lãm nỗi đau của khỉ trên... facebook

Thấy người lạ tới gần, chú khỉ Vàng ở Hà Tĩnh liên tục vái lạy như thể cầu xin được trả tự do.
Thấy người lạ tới gần, chú khỉ Vàng ở Hà Tĩnh liên tục vái lạy như thể cầu xin được trả tự do.
TP - 101 bức ảnh về số phận kém may mắn của những chú khỉ đã được anh Trần Hữu Vỹ (33 tuổi, phường Khuê Trung, quận Cẩm Lệ, Đà Nẵng) triển lãm trên… facebook để kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã của con người.

Số ảnh trên được anh Vỹ chụp lại từ năm 2006 cho tới nay, trong các chuyến công tác dài ngày ở vùng rừng núi các tỉnh Gia Lai, Kon Tum, Quảng Nam, Quảng Bình, Hà Tĩnh… Những chú khỉ trong 101 bức ảnh đó thuộc năm loài: Khỉ đuôi lợn Bắc, khỉ mặt đỏ, khỉ Mốc, khỉ Vàng, khỉ đuôi dài, tất cả đều nằm trong Sách đỏ. Mỗi chú khỉ có một số phận kém may mắn riêng.

Ở Kon Tum, anh Trần Hữu Vỹ bắt gặp chú khỉ bị xích chặt cổ, nuôi chung với heo trong chuồng, khi thấy người lạ, nó cố gắng tìm mọi cách để tháo dây xích bỏ chạy. Chú khỉ Vàng ở Hà Tĩnh cũng trong hoàn cảnh tương tự, nhưng khi có người lại gần, nó vái lạy liên tục như cầu xin được thả tự do. Còn ở Đà Nẵng, anh lại bắt gặp rất nhiều chú khỉ rầu rĩ ăn trong những chiếc cũi sắt.

Anh nói: “Những người nuôi nhốt khỉ quan niệm rằng, khỉ ở rừng còn rất nhiều, bắt con này còn con khác, nhưng thực tế không phải vậy. Mọi lời khuyên với họ đều vô ích, tôi chỉ còn cách ghi lại những tấm hình chân thật nhất về sự bất lực của khỉ khi không được sống trong môi trường của nó. Hy vọng, người xem sẽ giật mình và có ý thức hơn với loài động vật này”.

Theo anh Vỹ, trong nhiều đợt băng rừng, anh đã chứng kiến không biết bao chú khỉ bị sập bẫy, mắc kẹt chi trước, chi sau bị hoại tử; có con chết ngay tại bẫy. Năm 2009, trong chuyến đi nghiên cứu ở Vườn quốc gia Chư-Mom-Ray (tỉnh Kon Tum), anh Vỹ phát hiện một con khỉ mặt đỏ bị dính bẫy nhiều ngày, cổ chân của nó bị chiếc bẫy kẹp chặt làm sưng lên và bốc mùi hôi thối. Anh và đồng nghiệp tháo bẫy, thả nó về rừng vì chuyến công tác còn dài không thể mang theo. Không ai dám chắc nó sẽ sống được vì lúc ấy thời tiết mưa và lạnh kéo dài.

Để chụp được những tấm ảnh trên, có lúc anh Trần Hữu Vỹ phải “làm bạn” với lâm tặc, với thợ săn, luôn tỏ ra mình chụp ảnh cũng vì thích thú khi tóm được thú rừng. “Lần nào đưa ống kính vào khỉ, tôi cũng thấy được ánh mắt sợ hãi, bất lực của chúng. Dù rất xót xa nhưng không thể lập tức giải thoát cho chúng được”, anh Vỹ giãi bày. Trên trang facebook của anh (Huu Vy), từng tấm hình được đưa lên với đầy đủ thông tin về tên loài, tình trạng bảo tồn, pháp luật bảo vệ và câu chuyện đáng thương của từng chú khỉ.

Hiện tại, đã có hơn 40/101 bức ảnh được anh “triển lãm” trên facebook, số người theo dõi và chia sẻ ngày một nhiều, một số người còn cung cấp thêm địa chỉ của những chú khỉ bị nuôi nhốt trên địa bàn của họ để mọi người cùng tìm cách giải cứu. Anh Vỹ tâm sự: “Đó là tín hiệu đáng mừng nhất khi tôi “triển lãm” ảnh trên trang cá nhân”. 

Sau khi đăng hết 101 tấm ảnh này, anh Vỹ dự kiến tiếp tục bung lên hàng chục tấm ảnh về những chú khỉ may mắn khác, được anh tháo bẫy giữa rừng, hoặc được kiểm lâm giải cứu từ các nhà hàng, quán nhậu. Anh cho biết, sau này có điều kiện sẽ in toàn bộ ảnh trên để đưa đi triển lãm nhiều nơi, cho tất cả mọi người được tận mắt thấy nỗi đau của khỉ khi không được sống trong môi trường tự nhiên.

MỚI - NÓNG